Tên lửa của Triều Tiên - mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ?

Tên lửa của Triều Tiên - mối đe dọa trực tiếp cho Mỹ?

(GD&TĐ) – Vụ phóng tên lửa của Triều Tiên vừa diễn ra sáng nay (12.12) là một bằng chứng về khả năng tên lửa đạn đạo, làm tăng sự nguy hiểm về chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng và đặt ra mối đe dọa trực tiếp tới Mỹ - các nhà phân tích cho hay.

A military vehicle carrying what is believed to be a Taepodong-class missile Intermediary Range Ballistic Missile (IRBM), is driven through Pyongyang during a military parade in April 2012.
Một chiếc xe đang chở vũ khí được cho là tên lửa đạn đạo tầm trung lớp Taepodong tại một cuộc diễu binh quân sự ở Bình Nhưỡng tháng 4 năm 2012 

Mặc dù Triều Tiên gặp phải thách thức về kỹ thuật trong việc định hình, lắp ráp và phóng tên lửa tầm xa nhưng vụ phóng hôm nay đánh dấu một bước tiến mới về khả năng quân sự chiến lược của nước này.

“Vụ phóng này chắc chắn làm tăng thêm độ tin cậy khi họ nói rằng họ có tên lửa có thể tấn công Mỹ” – ông James Schoff, một trợ lý cao cấp của Tổ chức Carnegie Endowment vì Hòa bình thế giới, đồng thời là một cựu quan chức của Lầu năm góc cho biết – “Sau vụ thử thành công như thế này, khó có thể loại bỏ thông tin trên”.

Hồi tháng 10, Triều Tiên cho biết đã sở hữu tên lửa có thể tấn công Mỹ, tuy nhiên thông tin này bị cho là một sự hăm dọa khoác lác. Ông Masao Okonogi, một giáo sư của ĐH Keio, Hàn Quốc, đồng ý với ý kiến rằng vụ phóng sẽ đưa Triều Tiên gần với vị trí hàng đầu của danh mục an ninh quốc gia Mỹ.

“Việc đưa một vệ tinh vào quỹ đạo có nghĩa rằng quốc gia đó có công nghệ để phóng đầu đạn hạt nhân vào một khu vực mục tiêu. Giờ đây Triều Tiên không chỉ đang trở thành một mối đe dọa cho các nước láng giềng mà còn là một mối đe dọa thực sự cho Mỹ” – ông Okonogi nói – “Vấn đề là liệu vệ tinh có được đưa chính xác vào quỹ đạo như dự kiến hay bị chệch đi”.

Các quan chức Mỹ và Hàn Quốc nói rằng sẽ phân tích đầy đủ vụ phóng hôm nay mà Triều Tiên cho rằng chỉ vì mục đích khoa học nhưng các nhà phê bình coi là một cuộc thử tên lửa trá hình.

Thậm chí nếu Triều Tiên đã đạt được mục tiêu đưa một vệ tinh vào quỹ đạo như nước này tuyên bố, một số nhà phân tích vẫn cảnh báo rằng nước này nói quá về khả năng quân sự của mình.

Chương trình hạt nhân của Bình Nhưỡng vẫn được cho là điều bí mật nhưng lượng plutonium tồn tại ở Triều Tiên được ước tính là đủ để làm từ 6 tới 8 quả bom nguyên tử. Ông Ham Hyong-Pil của Viện Phân tích Quốc phòng Hàn Quốc nói rằng Bình Nhưỡng có thể mau chóng đạt được độ chính xác của tên lửa và các kỹ thuật thu nhỏ đầu đạn hạt nhân hoàn hảo. “Cá nhân tôi tin rằng sẽ không lâu để Triều Tiên làm chủ được những công nghệ này khi họ đã vượt qua được một số vấn đề kỹ thuật và thực hiện thêm 2 hoặc 3 vụ phóng nữa” – ông nói – “Tình hình thực sự đáng lo ngại. Tôi nghĩ rằng Mỹ không còn sự lựa chọn nào khác ngoài việc công nhận đây là một mối đe dọa thật sự và hiện hữu”.

Thời gian tiến hành vụ phóng tên lửa sáng nay được cho là có động cơ chính trị, trong khi đó lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-Un đã  quyết tâm rằng nó sẽ diễn ra gần với dịp kỷ niệm ngày mất đầu tiên của cha ông là Kim Jong-Il, ngày 17.12.

Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc cũng đã có cuộc họp để thảo luận về phản ứng của mình đối với vụ phóng. Mỹ và các đồng mình yêu cầu phải mở rộng thêm nhiều các cấm vận đã có sau khi Triều Tiên tiến hành thử hạt nhân năm 2006 và 2009. Tuy nhiên, quyết định đưa ra còn phụ thuộc vào Trung Quốc – liên minh lớn duy nhất và đồng thời là một nước hỗ trợ cho Triều Tiên – khi nước này từng phản đối lại lời kêu gọi cấm vận chặt chẽ hơn đối với Triều Tiên trước đây.

Trung Quốc cũng thể hiện lo lắng về vụ phóng tên lửa hôm nay của Triều Tiên và kêu gọi tất cả các bên tránh “đổ thêm dầu vào lửa”.

Ông Cossa nói rằng hành động của Bình Nhưỡng cũng là một thách thức đối với ông Tập Cận Bình – người sẽ chính thức làm Chủ tịch Trung Quốc vào tháng 3 năm sau. “Đây sẽ là cuộc thử nghiệm đầu tiên về cách ông Tập Cận Bình  đối phó với một vấn đề của thế giới” – ông Cossa cho biết.

Hà Châu (Theo AFP)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

PGS.TS Đỗ Duy Cường thăm khám cho bệnh nhân mắc sởi. Ảnh: BVCC

Gia tăng bệnh sởi ở người lớn

GD&TĐ - Gần đây, số ca mắc sởi có xu hướng gia tăng trên phạm vi nhiều tỉnh, thành phố, đặc biệt ở những nơi đông dân cư.