Tây Nguyên: Nông dân nơm nớp lo mất cà phê

GD&TĐ - Mới vào đầu vụ thu hoạch cà phê, tuy nhiên nạn trộm cà phê đang diễn ra phức tạp tại Gia Lai và Kon Tum. Dù người dân đã tích cực đề phòng cảnh giác, nhưng kẻ trộm luôn tìm cách lợi dụng sơ hở để hớt tay trên ngay tại vườn của gia chủ.

Tây Nguyên: Nông dân nơm nớp lo mất cà phê
Tây Nguyên: Nông dân nơm nớp lo mất cà phê ảnh 1Tây Nguyên: Nông dân nơm nớp lo mất cà phê ảnh 2Tây Nguyên: Nông dân nơm nớp lo mất cà phê ảnh 3

Trộm bẻ cả cành, hái sạch cả cây

Giá cà phê năm nay đang dao động ở mức khá cao. Mặc dù giá cao nhưng người nông dân có niềm vui không trọn vẹn, khi năm nay do ảnh hưởng của hạn hán nên mất mùa. Ngoài ra, tình trạng bị trộm hớt tay trên ngay tại rẫy cà phê đang làm cho nhiều hộ nông dân điêu đứng.

Anh Nguyễn Văn Toàn (trú tại thôn Tân Lập, xã A Dơk, Đăk Đoa, Gia Lai) - một trong nhiều hộ tại thôn Tân Lập mới bị hái trộm cà phê vẫn chưa hết bức xúc. Anh nói:

Mặc dù gia đình đã đề phòng chuyện mất trộm, nhưng vẫn không tránh khỏi. Vào tầm cuối giờ chiều, khi tôi cùng gia đình về ăn tối, các đối tượng đã hái trộm của gia đình khoảng 150 kg cà phê. Trong khi gia đình chưa thu hoạch, thì trộm đã vào hái trước. Cứ đà này, mặc dù cà chưa chín xong, tôi cũng phải lo thu hoạch sớm.

Dẫn chúng tôi vào rẫy cà phê, anh Nguyễn Văn Toàn chỉ tay về hướng những cây cà phê vừa bị trộm bẻ cả cành. “Các chú thấy đó, cây cà phê trái vẫn chưa chín tới mà trộm chả chừa. Thiệt hại nặng nhất vẫn là các cây bị bẻ cả cành, trụi cả lá.

Với những cây này, 2 vụ sau sẽ không cho thu hoạch, thiệt hại sẽ rất lớn. Giờ để bảo vệ số diện tích còn lại, hằng đêm, tôi thuê người ra canh chừng. Dù thuê người, nhưng ngủ ở nhà cũng thấp thỏm nên tôi đêm nào cũng ra ngủ tại rẫy” – Anh Toàn cho biết thêm.

Tại thôn Tân Lập, cứ vào mùa thu hoạch cà phê, chuyện đầu làng đến cuối làng là bàn chuyện chống trộm. Năm nào cũng thế, vào vụ thu hoạch là xảy ra mất trộm cà phê liên tiếp. Như vụ năm nay, mới đầu mùa mà đã có gần chục hộ trong thôn bị hái trộm. Trong đó, có nhiều hộ bị các đối tượng bẻ cả cành để đem đi nơi khác tách hạt.

Ông Nguyễn Nhật Hiền – Công an viên thôn Tân Lập - cho biết: Chưa vào vụ thu hoạch chính, tôi nhận được nhiều phản ánh của người dân trong thôn bị mất trộm cà phê ngoài rẫy.

Nhận được thông tin, tôi quyết tâm tìm bắt cho bằng được. Khoảng tầm cuối tháng 10/2016, khi mặt trời vừa lặn, tôi đi tuần phía rẫy cà phê của người dân trong thôn.

Đi một vòng, khi đến rẫy nhà tôi, thấy có tiếng động nên tôi tiến tới. Rất bất ngờ, 2 đối tượng đang hái trộm cà phê bị tôi phát hiện và bắt được 1 tên.

Tại hiện trường tôi thu giữ được 1 bao cà phê khoảng 42kg. Do chưa đến tuổi thanh niên nên tôi bàn giao lại cho già làng và gia đình để xử theo luật của làng.

Nói về hình thức xử lý các đối tượng trộm cà phê, ông Ul - Trưởng ban Mặt trận thôn Blo (xã Tân Lập), nơi có đối tượng bị ông Hiền bắt được - cho biết: Cứ mỗi năm, trong làng đều cho các đối tượng có tiền sử trộm cắp ký cam kết không tái diễn. Như năm nay, trong làng còn đề ra hình phạt rất nghiêm khắc là cứ ăn trộm 1 kg cà phê phạt 1 triệu đồng.

Đối tượng trong làng bị công an viên Hiền bắt được đã bị hội đồng của làng đem ra xử phạt, trước sự chứng kiến của người nhà. Các đối tượng đã thừa nhận hành vi và hứa không tái phạm. Do hoàn cảnh khó khăn, gia đình xin giảm hình phạt xuống còn 1 kg phạt 500 nghìn đồng.

Còn tại tỉnh Kon Tum, tình trạng trộm cà phê diễn biến phức tạp hơn các năm trước, đặc biệt tại 2 huyện Đăk Hà và Ngọc Hồi. Nông dân Nguyễn Văn Hùng (trú xã Đắk Mar, Đắk Hà) cho biết năm nào cũng xảy ra trộm, cà phê càng được giá thì trộm càng nhiều.

Trộm đi thành tốp 4-5 tên, mang theo cả bạt vào vườn hái cà phê như hái cho nhà mình. Thiệt hại nhất là khi bọn họ cắt cả cành cây mang đi chỗ khác tách hạt. Nhìn cây cà phê bị cắt cả cành mà xót lắm, công trồng, chăm sóc bấy lâu nay đến thu hoạch lại bị trộm phá.

Mới đây, Công an huyện Ngọc Hồi (Kon Tum) đã bắt gọn 1 đối tượng có hành vi trộm cắp cà phê của dân. Vào ngày 14/11/2016, Công an huyện Ngọc Hồi phát hiện 1 đối tượng sử dụng xe mô tô có nhiều biểu hiện nghi vấn nên tiến hành theo dõi.

Khi đến nhà bà Đàm Thị Thơm (thôn 7, thị trấn Plei Kần, Ngọc Hồi) gia đình vừa mới thu hoạch được 2 bao cà phê, đối tượng đã vội chất cả 2 bao lên xe, nổ máy chạy. Tuy nhiên các công an Ngọc Hồi đã kịp truy đuổi, bắt gọn cùng với tang vật.

Tại cơ quan công an, đối tượng khai nhận tên là Nguyễn Thế Minh (Sinh năm 1980, thường trú thôn 1, xã Đắk Ngọc, Đắk Hà). Tang vật bị tịch thu 2 bao cà phê tươi, tổng trọng lượng 118 kg.

Đội tự quản dân nuôi - mô hình bảo vệ cà phê hiệu quả

Để hạn chế việc bị mất trộm cà phê, hiện nay nhiều địa phương đã cho thành lập các đội tự quản dân nuôi. Mô hình tổ tự quản dân nuôi đã cho thấy hiệu quả tích cực. Anh Nguyễn Văn Nam (thị trấn Ia Kha, huyện Ia Grai, Gia Lai) bộc bạch:

Năm nào cứ sắp bước vào vụ thu hoạch, chúng tôi liên kết với nhau lập chòi ngay tại rẫy. Chúng tôi liên hệ với các hộ gia đình có rẫy gần nhau để liên kết chung sức giữ cà phê.

Những hộ nào không có người đi tuần, thì góp một ít chi phí lo cho các thành viên trong tổ. Cứ đêm đến, chúng tôi lại đi tuần cho đến sáng nên gần như không bị mất trộm cà phê.

Bà Nguyễn Vũ Hoàng Yên - Phó chủ tịch xã Nam Yang (Mang Yang, Gia Lai) cho biết, ở các thôn trong xã đều có đội tự quản theo dạng dân nuôi. Các hộ có rẫy gần nhau, cắt cử 4 đến 5 người để lập đội.

Đội được người dân góp kinh phí mua sắm đèn phin, phương tiện phục vụ tuần tra bảo vệ cà phê dưới sự hướng dẫn của công an xã. Nhờ vậy, mấy năm nay tình trạng mất trộm cà phê ở trong xã giảm hẳn. Vụ mùa cà phê năm nay, chưa thấy có hộ nào báo lên công an xã bị mất trộm cà phê.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ