Sáng 29/2, tại Đắk Lắk, Bộ Giáo dục và Đào tạo phối hợp với Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, Ban Chỉ đạo Tây Nguyên tổ chức Hội nghị Tổng kết thực hiện Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi tiếp giáp.
Theo báo cáo của Bộ GD&ĐT, sau khi Thủ tướng ban hành quyết định về phát triển giáo dục - đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên và các huyện miền núi giáp Tây Nguyên từ năm 2011, các địa phương và bộ, ngành liên quan đã nỗ lực phối hợp triển khai thực hiện nhằm đưa giáo dục và đào tạo dạy nghề trong vùng có những bước phát triển quan trọng, góp phần tích cực vào thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế, xã hội của vùng và hội nhập chung với cả nước.
Cụ thể, về giáo dục mầm non, giai đoạn 2011 - 2015 mạng lưới trường lớp, quy mô GDMN được mở rộng. Tỷ lệ huy động trẻ từ 3 – 5 tuổi đến trường đạt gần 80% (chỉ tiêu đề ra từ 75 - 80%). Tuy nhiên, tỷ lệ huy động trẻ dưới 3 tuổi đến trường chỉ đạt 8%, trong khi chỉ tiêu đề ra 12 - 15%.
Về giáo dục phổ thông, nhìn chung mạng lưới trường lớp từ tiểu học đến trung học phổ thông giai đoạn 2011 – 2015 của vùng đã phát triển theo quy hoạch, phù hợp với điều kiện của vùng Tây Nguyên, đáp ứng yêu cầu học tập của học sinh.
Những chỉ tiêu đề ra đạt còn thấp như: Tỷ lệ huy động học sinh trong độ tuổi đến trường ở cấp THCS, THPT đạt thấp (THCS đạt 81,58% trong khi chỉ tiêu 87- 90%; THPT đạt 50,05%, chỉ tiêu 60…
Đối với công tác đào tạo nghề theo Quyết định số 1951/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ tại các tỉnh Tây Nguyên giai đoạn 2011-2015, toàn vùng tuyển sinh được 427.921 người học nghề, tăng gấp 3,7 lần so với giai đoạn 2006 - 2010, trong đó tuyển sinh cao đẳng nghề, trung cấp nghề chiếm 8,4%.
Toàn vùng đã có 159.577 người sau đào tạo đã tìm được việc làm. Tuy nhiên, so với cả nước thì nhìn chung các chỉ tiêu về dạy nghề vùng Tây Nguyên vẫn thấp.
Phát biểu tại hội nghị, các đại biểu đã cùng nhau chia sẻ, đóng góp những ý kiến tâm huyết để thúc đẩy phát triển giáo dục-đào tạo và dạy nghề các tỉnh Tây Nguyên.
Trong đó, các đại biểu quan tâm nhất vẫn là đối tượng học sinh, sinh viên người đồng bào dân tộc thiểu số, khi đang có tình trạng là học ra không tìm được việc làm nên cần có thêm chính sách; hay như mô hình các trung tâm giáo dục thường xuyên, hướng nghiệp đi theo hướng nào để phát huy hiệu quả…
Thứ Trưởng Nguyễn Thị Nghĩa phát biểu tại hội nghị. |
Phát biểu tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT - Nguyễn Thị Nghĩa ghi nhận về những kết quả đã đạt trong thực hiện Quyết định số 1951/2011/QĐ-TTg.
Đồng thời, Thứ trưởng cũng nhấn mạnh, vì sao một số chỉ tiêu không đạt, cần phân tích rõ các nguyên nhân đó để thực hiện tốt hơn.
Thành công của triển khai thực hiện quyết định của Thủ tướng Chính phủ chính là khi nâng cao chất lượng đào tạo ở các cấp, đào tạo được đội ngũ nhân lực của vùng có chất lượng, giải quyết được bài toán công ăn việc làm sau đào tạo..
Kết thúc hội nghị, các đại biểu thống nhất mục tiêu trong giai đoạn 2016-2020 sẽ dạy nghề cho khoảng 680.000 người, trong đó trình độ trung cấp, cao đẳng chiếm khoảng 10 - 12%; có khoảng 80% lao động nông thôn sau học nghề có việc làm mới hoặc tiếp tục làm nghề cũ nhưng có năng suất, thu nhập cao hơn.