Theo đánh giá của Ban Chỉ đạo Tây Bắc và Bộ LĐ,TB&XH, trong giai đoạn tới, để giảm nghèo bền vững tại các huyện nghèo cần phải đẩy mạnh dạy nghề và xuất khẩu lao động.
Chưa đáp ứng đào tạo lao động xuất khẩu
Theo báo cáo của Bộ LĐ,TB&XH, năm 2014, các địa phương trong toàn vùng Tây Bắc đã tuyển sinh, đào tạo hơn 243.000 người được học nghề, bằng 12% tổng số người được đào tạo nghề cả nước, trong đó có hơn 71.000 người dân tộc thiểu số và hơn 13.000 người thuộc hộ nghèo.
Cũng trong năm 2014, các tỉnh trong vùng đã phân bổ trên 3.725 tỉ đồng từ Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững. Tỉ lệ hộ nghèo toàn vùng theo thống kê sơ bộ đến cuối năm 2014 giảm xuống còn 18,5% (giảm hơn 3%) so với năm 2013 và tỉ lệ hộ nghèo bình quân tại các huyện nghèo giảm xuống còn khoảng 32% (giảm hơn 5% so với năm 2013), đạt mục tiêu theo kế hoạch đề ra.
Tuy nhiên, bên cạnh những kết quả đạt được, vẫn còn một số hạn chế nhất định. Đời sống của hộ nghèo ở một số địa phương tuy giảm nhưng vẫn chưa đáng kể, thiếu bền vững, khả năng tái nghèo vẫn còn. Công tác đào tạo, tuyển dụng và sử dụng nguồn nhân lực có chất lượng, nhất là đối với các đối tượng là người dân tộc còn nhiều hạn chế, đặc biệt số lượng người lao động đi làm việc ở nước ngoài còn rất thấp so với tiềm năng của khu vực và các địa phương thuộc vùng khác.
Nhận thức về vai trò của xuất khẩu lao động (XKLĐ) ở một số địa phương chưa thực sự đầy đủ, nhiều ban chỉ đạo XKLĐ hoạt động còn mang tính hình thức, thiếu hiệu quả. Số lượng lao động thuộc huyện nghèo được đưa đi làm việc ở nước ngoài bình quân 161 lao động/huyện, 9 lao động/xã, tức là chỉ đạt 30% chỉ tiêu đề án.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến số lượng lao động xuất cảnh quá thấp là có tới 33,5% lao động không đủ sức khỏe khi sơ tuyển; tỷ lệ lao động bỏ về trong thời gian đào tạo lên tới trên 30% và 20% lao động sau đào tạo bỏ không xuất cảnh vì những lý do cá nhân. Mạng lưới cơ sở dạy nghề dù có bước phát triển tốt, song vẫn chưa đáp ứng yêu cầu, các cơ sở dạy nghề chưa tham gia tích cực trong việc đào tạo nguồn lao động cho thị trường nước ngoài.
3 lĩnh vực cần hỗ trợ
Để hỗ trợ tốt hơn cho người lao động huyện nghèo đi XKLĐ, giảm nghèo nhanh cũng như dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, Bà Phạm Thị Hải Chuyền, Bộ trưởng Bộ LĐ, TB&XH cho rằng:
Từ năm 2015, cần xem xét chính sách hỗ trợ cả ba lĩnh vực XKLĐ, dạy nghề và giảm nghèo, đặc biệt chính sách giảm nghèo, dạy nghề còn nhiều khó khăn, bất cập. Đồng thời tìm hiểu kỹ, đánh giá những nguyên nhân hạn chế trong việc thực hiện Quyết định 71 qua đó đề ra những giải pháp khắc phục hữu hiệu.
Trong thời gian tới, cần hoàn thiện cơ chế chính sách để phù hợp với thực tế triển khai Đề án, cụ thể là sửa đổi số nội dung trong Quyết định 71 và các văn bản hướng dẫn. Trước mắt, ưu tiên đơn giản hóa qui trình, thủ tục thực hiện hỗ trợ cho người lao động và doanh nghiệp tham gia Đề án.
Đổi mới công tác thông tin tuyên truyền, đặc biệt là việc tuyên truyền về những điển hình thành công của Đề án để nhân rộng tới các huyện nghèo. Bên cạnh đó tăng cường công tác giám sát nhằm phát hiện và xử lý kịp thời những tồn tại, bất cập trong quá trình tổ chức thực hiện.