Lây nhiễm gia tăng
Tàu Diamond Princess đã bị cách ly ở ngoài khơi bờ biển Yokohama của Nhật Bản, sau khi một hành khách rời tàu ở Hồng Kông được xét nghiệm dương tính với virus Corona (Covid-19) và được coi là nguồn lây đầu tiên trên tàu.
Từ đó, với nhiều người, chuyến đi biển như mơ đã trở thành cơn ác mộng khi nhiều hành khách bị lây nhiễm và con tàu bị buộc phải cách ly. Ca nhiễm đầu tiên được xác định trên tàu là một cụ già người Hồng Kông, lên tàu ở Nhật Bản vào ngày 20/1.
Ông rời tàu ngày 25/1 ở Hồng Kông và đến 1/2 được xét nghiệm dương tính với Covid - 19. Đến ngày 4/2, con tàu chính thức bị đặt trong tình trạng cách ly và phía Nhật Bản bắt đầu rà soát tất cả hành khách trên tàu. Từ 9/2, tàu thả neo ở Yokohama để tiếp tế.
Tính đến hôm 12/2, đã có 174 người trên tàu được xác định dương tính với Covid-19 và được đưa tới các cơ sở y tế ở Nhật Bản để cách ly. Họ là công dân các nước Nhật Bản, Australia, Mỹ, Philippines, Canada, New Zealand, Argentina, Anh, và 2 vùng lãnh thổ Hồng Kông, Đài Loan.
Chỉ riêng trong ngày 12/2, có 40 người nhiễm mới - tờ Japan Times dẫn lời Bộ y tế Nhật Bản cho biết, bao gồm 29 hành khách, 10 thành viên thủy thủ đoàn, và 1 nhân viên tham gia hoạt động cách ly. Tuy nhiên trường hợp nhiễm của nhân viên này không được tính vào số ca nhiễm trên tàu, mà được coi là ca nhiễm trong nước, đưa số người nhiễm ở Nhật Bản lên tới 29 trường hợp.
Đây là lần đầu tiên một người liên quan đến con tàu du lịch - nhưng không phải là khách và thành viên thủy thủ đoàn, bị nhiễm virus. Bộ trưởng Y tế Nhật Katsunobu Kato nói rằng, nhân viên trên làm công việc thu gom các tờ khai sức khỏe của hành khách. Cũng theo ông Kato, 4 người trên tàu, trong đó có 3 công dân Nhật Bản, đang trong tình trạng nghiêm trọng, và họ đều có các vấn đề sức khỏe từ trước.
Trường hợp nhân viên làm công việc cách ly này dương tính với Covid-19 khiến nhiều người lo lắng. Người này đã tuân thủ các quy định đeo mặt nạ và găng tay, nhưng không đeo đồ bảo hộ toàn thân. Báo Nikkei cho biết, Bộ Y tế Nhật Bản sẽ kiểm tra lại toàn bộ các tiếp xúc của nhân viên đó với đồng nghiệp và gia đình.
Giáo sư miễn dịch học Mark Kortepeter thuộc Trung tâm Y tế Đại học Nebraska nói rằng, việc lây nhiễm của nhân viên cách ly trên tàu cho thấy có “một tác nhân dễ lan truyền”, ít nhất trong môi trường kín, và nguy cơ lây nhiễm là cao, kể cả cho những người đã tự bảo hộ.
Tàu Diamond Princess thuộc quyền quản lý của Công ty hàng hải Princes Cruise Lines, một trong những công ty tàu du lịch biển lớn nhất thế giới. Con tàu chở hơn 3.700 người từ hơn 50 nước, với thủy thủ đoàn khoảng 1.100 người và công suất hành khách là 2.670.
Bất an và giận dữ
Những người còn lại trên tàu được yêu cầu ở lại trong cabin của họ và chỉ được phép lên boong mở khoảng 90 phút mỗi ngày, phải đeo mặt nạ, và được khuyến cáo đứng cách người khác 2m. Song phần lớn mọi người chọn ở lại trong phòng, các bữa ăn được đưa đến tận nơi.
Tàu đã kích hoạt các kênh truyền hình mới cho hành khách, cung cấp dịch vụ chơi games, chơi ô chữ để cho khách thấy đỡ bí bách. Nhiều người bình tĩnh với việc cách ly. Công ty điều hành tàu đã công bố một video về cuộc sống hàng ngày trên con tàu trong những ngày bị cách ly, ca ngợi nhân viên trên tàu, nhưng cũng phản ánh cả khó khăn nữa.
“Công việc trên tàu không dễ” - một nhân viên bếp tên Norman Lee nói. “Ta phải tập trung, phải có tâm trạng tích cực để làm việc”. Còn một nhân viên tiệm ăn tên Olena Ruban vừa khuyến khích các đồng nghiệp, vừa cảnh báo: “Hãy mạnh mẽ, bởi ở đây, chỉ có những người mạnh mẽ mới sống sót”. Trang ABC News của Australia cho biết, phần lớn các du khách Australia còn lại trên tàu trong tâm trạng khá ổn định.
Nhưng không ít hành khách lo lắng và bực bội, có những người nổi giận vì ức chế. Ngoài một số phòng có ban công hoặc phòng rộng, thì rất nhiều phòng không có ánh sáng tự nhiên, không có chỗ vận động.
Thay vì được nghỉ dưỡng và chọn giữa 20 tiệm ăn trên tàu như lẽ ra phải có, thì giờ đây họ phải bằng lòng với những suất ăn kiểu “tập thể” với lựa chọn giới hạn mỗi ngày, dù các suất ăn rất đầy đủ. Nhưng không gian sống hạn chế, ít hoạt động, khiến họ cảm thấy như bị giam lỏng.
Cuộc sống của họ dễ chịu hơn từ cách đây vài ngày khi nhà chức trách cho phép họ nhận các gói đồ gửi đến địa chỉ cảng Yokohama. Rob Thomson, một công dân New Zealand sống ở phía Bắc Nhật Bản, là người đầu tiên đề xuất việc gửi đồ này, do bố mẹ anh cũng đang bị cách ly trên tàu, và ông bố thèm hoa quả tươi. Cả ngày những người trên tàu không được uống đồ nóng, trừ chè và cafe trong bữa sáng, mà chỉ được uống nước lạnh hoặc nước ngọt đóng chai.
Tờ Washington Post dẫn lời một đầu bếp trên tàu: “Tôi đang bị mắc kẹt ở đây và không biết liệu có sống sót mà về nhà không”. Người này chưa được kiểm tra sức khỏe, nhưng anh lo ngại rằng sẽ có thêm nhiều người trên tàu bị nhiễm bệnh trong những ngày tới. Trên mạn tàu xuất hiện một tấm băng rôn tiếng Nhật với dòng chữ “Thiếu thuốc men”. Có những hành khách bị các bệnh mạn tính và có thể không còn đủ thuốc điều trị.
Chính phủ Nhật Bản cho biết họ hiểu được quan ngại đó. Một nhóm chuyên gia được cử đến ngày 12/2 để đánh giá điều kiện sống và hoạt động trên tàu. Thủ tướng Shinzo Abe cho biết, chính phủ Nhật Bản sẽ đẩy mạnh năng lực xét nghiệm cho những người trên tàu lên khoảng 1.000 mẫu mỗi ngày trước 18/2 bằng cách cho phép xét nghiệm tại các cơ sở tư nhân. Đến nay mới chỉ 300 mẫu được xét nghiệm mỗi ngày tại các cơ sở y tế công trên cả nước.
Công ty điều hành tàu thông báo, một tuần nữa, khi thời gian cách ly kết thúc, con tàu sẽ được làm sạch và khử trùng theo những quy định khắt khe nhất như ở phòng mổ bệnh viện. Công ty sẽ hoàn cho hành khách mọi chi phí, từ giá tour cho tàu, vé máy bay khách sạn trung chuyển, các loại thuế phí.