Tập trung sửa đổi Hiến pháp 1992 và sửa đổi Luật Đất đai

Tập trung sửa đổi Hiến pháp 1992 và sửa đổi Luật Đất đai

(GD&TĐ)-Đó là những nội dung quan trọng trong Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013 được Ủy ban Thường vụ Quốc hội thống nhất triển khai thực hiện với tinh thần tập trung hơn, đổi mới, hiệu quả hơn, có kế hoạch và phương pháp cụ thể, chặt chẽ, khoa học và hợp lý.

Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII,
Tại kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XIII đã xem xét nhiều vấn đề quan trọng trong lĩnh vực kinh tế-xã hội của đất nước

Chủ trì Hội nghị triển khai Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013 diễn ra chiều 13/7, Phó Chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu nhấn mạnh, Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013 có nhiều dự án quan trọng như: Sửa đổi Hiến pháp năm 1992, sửa đổi Luật Đất đai, có những dự án phạm vi điều chỉnh rộng, nội dung phức tạp... Năm 2013 là năm bản lề cho việc thực hiện Nghị quyết của Quốc hội về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh cả nhiệm kỳ, do đó cần tập trung và dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh.

Tại Hội nghị, Thường trực Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của QH và các bộ, ngành, Tòa án nhân dân tối cao, Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ cơ bản nhất trí với dự kiến của UBTVQH về tiến độ thực hiện Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh 6 tháng cuối năm 2012 và năm 2013. Tuy nhiên, Bộ Tư pháp đề nghị nên tách Luật Đầu tư công và mua sắm công thành hai dự án luật riêng. Bởi lẽ, đầu tư công và mua sắm công là hai nội dung khác nhau. Đầu tư công là đầu tư từ ngân sách nhà nước nhưng không vì mục đích kinh doanh. Trong khi đó, mua sắm công lại bao gồm phục vụ cho mục đích kinh doanh. Bộ Tư pháp sẽ phối hợp với Bộ Kế hoạch và Đầu tư xây dựng báo cáo về việc tách Luật Đầu tư công và mua sắm công để báo cáo cụ thể với UBTVQH và QH.

Một số ý kiến đề nghị lùi thời hạn trình UBTVQH cho ý kiến về các dự án Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Hộ tịch vì các Luật này có nhiều vấn đề lớn cần tiếp tục nghiên cứu, đề xuất phương án xử lý. Có ý kiến đề nghị thay đổi cơ quan chủ trì thẩm tra đối với dự án Luật Phòng, chống tội phạm có tổ chức; bổ sung vào Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh dự án Luật Khí tượng thủy văn và dự án Luật Quản lý tổng hợp tài nguyên biển...

Về kinh phí xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm, Bộ Tư pháp cho rằng, dù Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh hàng năm được thông qua trước 6 tháng so với trước đây, nhưng thời gian phân bổ kinh phí hỗ trợ chưa tương ứng. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ quan, tổ chức triển khai sớm việc xây dựng các dự án luật, pháp lệnh, nhiều ý kiến đề nghị, Ủy ban Pháp luật, Văn phòng Quốc hội, Văn phòng Chính phủ và Bộ Tài chính cần phối hợp giải quyết vướng mắc này, nên bố trí kinh phí cho các cơ quan soạn thảo trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày QH thông qua Nghị quyết về Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh.

Phát biểu tại Hội nghị, Phó chủ tịch QH Uông Chu Lưu đánh giá cao sự cố gắng của các cơ quan của QH, Chính phủ và các cơ quan, tổ chức hữu quan trong việc thực hiện chương trình xây dựng luật, pháp lệnh thời gian qua. Công tác xây dựng pháp luật đã ngày càng được chú trọng, bảo đảm chất lượng và tiến độ kịp thời đáp ứng yêu cầu của quản lý nhà nước, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh và tích cực, chủ động hội nhập quốc tế.

Phó chủ tịch Uông Chu Lưu đề nghị, các cơ quan của QH, Chính phủ, các cơ quan, tổ chức hữu quan cần tập trung và dành nhiều thời gian hơn cho công tác xây dựng luật, pháp lệnh. Trong điều kiện có nhiều nhiệm vụ đang đặt ra với Nhà nước, thời gian không có nhiều thì các cơ quan, tổ chức phải có tinh thần trách nhiệm cao, phương thức làm việc khoa học, hiệu quả để bảo đảm thực hiện được Chương trình.

Theo Chương trình, tại kỳ họp thứ 4, Quốc hội dự kiến thông qua 9 luật; cho ý kiến về sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 1992 và 10 dự án luật khác.

Tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội xem xét thông qua 12 dự án luật và cho ý kiến về 9 dự án luật khác.

Tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội thông qua 10 dự án luật, trong đó có 9 dự án đã được cho ý kiến tại kỳ họp thứ 5 và cho ý kiến về 10 dự án khác.
 

Nguyễn Sơn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ