Tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nội vùng Bắc Trung bộ

Tập trung quy hoạch phát triển mạng lưới đào tạo nội vùng Bắc Trung bộ

(GD&TĐ) - Ngày 23/12, tại thành phố Thanh Hóa, dưới sự chủ trì của Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) phối hợp với UBND tỉnh Thanh Hóa đã tổ chức Hội nghị quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 các tỉnh vùng Bắc Trung bộ.

Tham dự Hội nghị có Thứ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Thế Phương; Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga; cùng đại diện các Bộ, ngành Trung ương, Văn phòng Chính phủ, lãnh đạo các địa phương và các trường đại học, cao đẳng thuộc các tỉnh khu vực Bắc Trung bộ (Thanh Hóa, Nghệ An, Hà Tĩnh, Quảng Bình, Quảng Trị và Thừa thiên - Huế).  

Bắc Trung bộ được đánh giá là một trong những vùng có nền kinh tế phát triển tương đối toàn diện và liên tục tăng trưởng với nhịp độ khá cao, chất lượng tăng trưởng từng bước được cải thiện. Theo dự báo, đến năm 2015, dân số trong dộ tuổi lao động vùng Bắc Trung bộ và duyên hải miền trung là 12,5 triệu người, chiếm 63% dân số; năm 2020 là 13,5 triệu người. Cơ cấu lao động về công nghiệp - xây dựng năm 2015 là 25,6%, nông-lâm-ngư nghiệp là 46,1%, dịch vụ là 28,3%. Đến năm 2020 tỷ lệ tương ứng là 32,3%; 34,5% và 33,2%.

Phó Thủ tướng và lãnh đạo các Bộ cùng chủ trì Hội nghị
Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân và lãnh đạo các Bộ cùng chủ trì Hội nghị

Để đảm bảo mục tiêu phát triển nhân lực, Bộ KH&ĐT đã nêu lên những giải pháp liên vùng về phát triển nhân lực cho khu vực Bắc Trung bộ. Trong đó, tập trung vào các giải pháp chính là ban hành những chính sách chung; quy họach phát triển mạng lưới đào tạo và dạy nghề nội vùng; hợp tác liên vùng và hợp tác quốc tế về đào tạo nhân lực. Những chính sách chung được tập trung thực hiện là ban hành cụ thể các chế độ, chính sách về lương, phụ cấp và các ưu đãi khác để thu hút nhân tài và lao động kỹ thuật từ các vùng đến công tác và làm việc lâu dài ở các tỉnh miền Trung; Đào tạo và đào tạo lại đội ngũ công chức đáp ứng được yêu cầu đặt ra đối với thời kỳ công nghiệp hoá, hiện đại hoá; Có chính sách và biện pháp phát triển mạnh nguồn nhân lực cho khoa học và công nghệ.

Các đại biểu tham dự Hội nghị
Các đại biểu tham dự Hội nghị

Đối với các khu kinh tế, đến nay đã có định hướng phát triển, cần xây dựng kế hoạch và triển khai dần công tác đào tạo công nhân kỹ thuật cho các ngành nghề chủ yếu dự kiến phát triển trong khu kinh tế. Xã hội hoá công tác đào tạo nói chung và công tác đào tạo nghề nói riêng. Các địa phương cần ưu tiên thành lập các trường dạy nghề chính quy trình độ cao trong các khu kinh tế.

Mở rộng mạng lưới cơ sở dạy nghề đến các huyện. Xây dựng một số trường cao đẳng nghề kỹ thuật cao tại một số địa phương. Đẩy mạnh dạy nghề ngắn hạn cho lao động, nhân rộng các mô hình dạy nghề theo nhu cầu thị trường. Tiếp tục mở rộng quy mô tuyển sinh, đào tạo để đến năm 2020 có khoảng 35-40% thanh niên trong nhóm tuổi 18-24 trong vùng được học tập ở bậc đại học.

Tập trung xây dựng một số trung tâm đào tạo chất lượng cao ngang tầm với các trường chất lượng cao ở trong nước và khu vực. Đồng thời phối hợp giữa các ngành, các tỉnh trong xây dựng, cung cấp thông tin phục vụ cho công tác dự báo. Sớm hình thành cơ chế hợp tác, phối hợp trong hoạt động phát triển kinh tế-xã hội nói chung và các dự án về giao thông, khu kinh tế, khu công nghiệp nói riêng.

Rà soát lại năng lực đào tạo nội vùng: số lượng, ngành nghề, đánh giá mức độ đáp ứng và số lượng thiếu hụt cần bổ sung đào tạo từ bên ngoài. Khuyến khích các tỉnh chủ động tìm các hình thức hợp tác với các trường đại học, học viện, các trung tâm đào tạo lớn của đất nước và khu vực để đào tạo và tập huấn cho cán bộ của địa phương...

Giờ thực hành ở một lớp điều dưỡng viên tại Quảng Trị
Giờ thực hành ở một lớp điều dưỡng viên tại Quảng Trị

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân nhấn mạnh: Các địa phương cần đặc biệt chú ý đến những hạn chế về nhân lực kéo dài ở địa phương mình. Để có giải pháp tháo gỡ, cần xác định rõ ngành kinh tế và sản phẩm chủ lực của địa phương, trong thời gian tới, cần nhận thức rõ tầm quan trọng của vấn đề quy hoạch phát triển nguồn nhân lực, phối hợp chặt chẽ giữa 4 bên, gồm người sử dụng lao động, người học, nhà trường và Nhà nước.

Phải tập trung giải quyết từng vấn đề cụ thể, người sử dụng lao động cần có "đơn đặt hàng" nhu cầu lao động đối với địa phương và các cơ sở đào tạo nghề. Nhà trường phải thực hiện phương châm đào tạo theo nhu cầu sử dụng lao động của các đơn vị sử dụng lao động. Nhà nước là nơi tiếp nhận nhu cầu đào tạo, thực hiện quy hoạch mạng lưới đào tạo, hỗ trợ đào tạo, tạo mối liên kết giữa nhà trường, người học và doanh nghiệp... Cần dự báo cung-cầu lao động cụ thể để sắp xếp hợp lý, cân đối cung-cầu lao động trên địa bàn, nhất là đào tạo ngay tại địa phương.

Phó Thủ tướng cũng chỉ đạo về quản lý Nhà nước, mỗi tỉnh cần có quy hoạch phát triển nhân lực cụ thể trên cơ sở quy hoạch của Chính phủ. Cần có bộ phận chuyên trách để theo dõi quy hoạch phát triển nguồn nhân lực cho địa phương. Quan tâm đào tạo nghề cho lao động nông thôn, đào tạo cán bộ quản lý cơ sở và nhu cầu xuất khẩu lao động. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương hoàn chỉnh báo cáo quy hoạch phát triển nhân lực giai đoạn 2011-2020 của tỉnh mình xong trước tháng 1/2011. Các Bộ GD&ĐT, KH&ĐT cần khẩn trương xây dựng quy hoạch mạng lưới đào tạo nhân lực cho vùng Bắc Trung bộ, trong đó chú ý cơ cấu kinh tế vùng và phải phù hợp với từng địa phương. 

Thanh Thủy

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ