Tập trung nâng mức lương tối thiểu với CBCC

Tập trung nâng mức lương tối thiểu với CBCC

(GD&TD)-Đó là một trong những nội dung cơ bản tại Hội thảo định hướng cải cách chính sách tiền lương diễn ra ngày 20/12, tại Thành phố Hồ Chí Minh do Bộ Nội vụ tổ chức.

gh
Từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức và tương quan với mặt bằng tiền công trên thị trường lao động (ảnh MH)

Tham dự Hội nghị có các đại biểu đến từ Chương trình hỗ trợ phát triển của Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, UBND Thành phố Hồ Chí Minh, đại diện Sở Nội vụ, Sở Tài chính và Ban tổ chức tỉnh, thành ủy của 19 tỉnh thành phía Nam.

Đây là một trong những hoạt động nằm trong khuôn khổ Dự án Hỗ trợ Cải cách hành chính của Bộ Nội vụ do UNDP tài trợ.

Hội thảo nghiên cứu các nội dung nhằm cải cách cơ bản chế độ tiền lương hiện hành gồm: Tập trung nâng mức lương tối thiểu áp dụng đối với cán bộ, công chức và lực lượng vũ trang để từng bước bảo đảm mức sống tối thiểu của cán bộ, công chức và tương quan với mặt bằng tiền công trên thị trường lao động; mở rộng quan hệ mức lương tối thiểu - trung bình - tối đa; thu gọn thang, bảng, ngạch, bậc lương, hoàn thiện các chế độ phụ cấp, tiến tới tiền lương (gồm cả phụ cấp) của cán bộ, công chức đạt mức trung bình khá trên thị trường lao động nhằm giữ và thu hút lao động có chất lượng làm việc trong cơ quan nhà nước.

Bên cạnh đó, Hội thảo cũng thảo luận vấn đề đổi mới phương thức hoạt động, cơ chế tài chính và tiền lương đối với khu vực sự nghiệp công lập theo hướng đơn vị sự nghiệp được thu phí (giá) dịch vụ tính đủ tiền lương và từng bước tính đủ các chi phí khác; đơn vị sự nghiệp thực hiện hạch toán thu – chi (không vì mục đích lợi nhuận). Các đơn vị sự nghiệp được quyền tự chủ về thực hiện nhiệm vụ, tài chính, tổ chức bộ máy, nhân sự. Đi đôi với đổi mới cơ chế, tiếp tục hỗ trợ cho các đối tượng chính sách xã hội, các đối tượng nghèo sử dụng các dịch vụ công…

Để thực hiện được những cải cách này, ban soạn thảo đề án cải cách tiền lương đề xuất một số biện pháp quan trọng như: Cải cách tiền lương phải trên cơ sở hình thành cho được cơ chế riêng đối với từng khu vực (hành chính, lực lượng vũ trang, sự nghiệp, doanh nghiệp, bảo hiểm xã hội và ưu đãi người có công); phải thực hiện đồng bộ với các nội dung của Chương trình tổng thể cải cách hành chính nhà nước giai đoạn 2011 – 2020.

Đồng thời, thực hiện kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô, tái cấu trúc nền kinh tế, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội.

Cùng với đó, đổi mới cơ chế phân bổ ngân sách cho các cơ quan hành chính nhà nước; đẩy mạnh triển khai thực hiện Luật Cán bộ, công chức, tiến hành xác định rõ vị trí việc làm của từng cơ quan, tổ chức gắn với chức năng, nhiệm vụ theo quy định của pháp luật; xây dựng tiêu chuẩn chức danh, nghiệp vụ của từng ví trí việc làm; giao quyền và trách nhiệm cho người đứng đầu cơ quan, tổ chức trong việc tuyển dụng, bổ nhiệm, sử dụng, đánh giá, kỷ luật và trả lương đối với cán bộ...

Anh Tuấn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ