Tập trung kiềm chế, không để lạm phát cao

Tập trung kiềm chế, không để lạm phát cao
Tập trung kiềm chế, không để lạm phát cao ảnh 1
Trong quý I/2010, nền kinh tế nước ta tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng 5,83%, tăng 1,9 lần so với quý I/2009.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Nguyễn Xuân Phúc cho biết, trong 3 ngày, từ 30/3 - 1/4, dưới sự chủ trì của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng và các Phó Thủ tướng Nguyễn Sinh Hùng, Phạm Gia Khiêm, Trương Vĩnh Trọng, Nguyễn Thiện Nhân, Hoàng Trung Hải, Chính phủ đã họp phiên thường kỳ tháng 3/2010 nhằm đánh giá tình hình KT - XH quý I/2010, đề ra các giải pháp điều hành để thực hiện thắng lợi các mục tiêu KT - XH 2010; xem xét cho ý kiến dự thảo Luật Viên chức, dự thảo Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi), một số đề án, dự thảo Nghị định, Nghị quyết; các báo cáo bổ sung tình hình KT-XH năm 2009, quyết toán ngân sách năm 2008; dự thảo Chương trình xây dựng luật, pháp lệnh năm 2011…

Ông Nguyễn Xuân Phúc cũng cho biết, trong quý I/2010, nền kinh tế nước ta tiếp tục được phục hồi với tốc độ tăng trưởng 5,83%, tăng 1,9 lần so với quý I/2009.

Theo báo cáo của Bộ Kế hoạch – Đầu tư, giá trị sản xuất công nghiệp tăng 13,6%; giá trị sản xuất ngành xây dựng tăng 17,4%; giá trị sản xuất ngành nông, lâm, ngư nghiệp tăng 5,8%; giá trị tăng thêm khu vực dịch vụ tăng 6,64%.

Thị trường trong nước tiếp tục phát triển với tốc độ tăng trưởng cao. Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tăng 24,1% so với cùng kỳ năm trước. Hoạt động du lịch rất sôi động; số lượng khách quốc tế đến Việt Nam trong quý I tăng 36,2% so với cùng kỳ năm trước, riêng trong tháng 3 tăng 56%.

Tổng thu cân đối ngân sách nhà nước đến 15/3/2010 đã đạt xấp xỉ 20% dự toán năm, cao hơn so với một số năm gần đây. Đầu tư phát triển tiếp tục được đẩy mạnh với tổng vốn đầu tư toàn xã hội tăng 26,23% so với cùng kỳ năm trước, đặc biệt là khu vực ngoài nhà nước tăng tới 46,38%. Các mặt về an sinh xã hội, bảo đảm đời sống nhân dân tiếp tục được giải quyết tốt.

Theo Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, hiện nay, nền kinh tế vẫn còn một số tồn tại, hạn chế đó là tăng trưởng GDP quý I/2010 cao hơn cùng kỳ, nhưng thấp hơn quý IV/2009. Mặt bằng lãi suất ngân hàng khá cao; tăng trưởng tín dụng chậm, đầu tư nước ngoài giảm sút. Giá cả trong những tháng đầu năm 2010 tăng khá cao so với các năm trước; chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 3/2010 tăng 0,75% so với tháng 2/2010. So với tháng 12/2009, CPI tháng 3/2010 tăng 4,12%.

Giá cả thế giới tăng và việc tăng giá đầu vào một số mặt hàng trong nước có thể tiếp tục gây áp lực lớn đến mặt bằng giá cả và lạm phát trong thời gian tới. Xuất khẩu có phần giảm sút, trong khi nhập khẩu tăng làm cho nhập siêu bị đẩy lên cao, ảnh hưởng đến cân đối ngoại tệ và dự trữ ngoại hối.

Việc huy động vốn cho đầu tư và sản xuất kinh doanh còn gặp nhiều khó khăn, khi mặt bằng lãi suất khá cao. Hiệu quả đầu tư và hiệu quả sản xuất kinh doanh còn thấp, trong khi đó áp lực cạnh tranh của nước ngoài trên thị trường quốc tế và ngay cả ở thị trường trong nước ngày càng gay gắt. Sản xuất nông nghiệp đang gặp khó khăn do hạn hán, thiếu nước tưới, dịch bệnh sẽ ảnh hưởng đến năng suất và hiệu quả sản xuất và đời sống nhân dân.

Trước đó, trong phiên họp thường Kỳ Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng lưu ý một số trọng tâm, các Bộ, ngành, địa phương cần tập trung chỉ đạo ngay như tập trung kiềm chế, không để lạm phát cao; thúc đẩy xuất khẩu, hạn chế nhập siêu; tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách; bảo đảm ổn định, an toàn hệ thống ngân hàng và dịch vụ tài chính; tiếp tục thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh; đẩy mạnh công tác thông tin.

Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát tốc độ tăng trưởng tín dụng và tổng phương tiện thanh toán, phấn đấu thấp hơn năm 2009; tạo mặt bằng lãi suất phù hợp với quan hệ cung-cầu vốn thị trường theo hướng giảm dần mặt bằng lãi suất. Bảo đảm lượng tiền trong lưu thông hợp lý, phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế. Các ngân hàng thương mại phải đảm bảo vốn tín dụng cho các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao.

Thủ tướng đề nghị việc điều hành chính sách tiền tệ theo nguyên tắc thị trường và yêu cầu phải bảo đảm phù hợp với mục tiêu phát triển, điều kiện thực tế của nền kinh tế nước ta; thực hiện cho vay theo cơ chế lãi suất thoả thuận đối với các dự án sản xuất kinh doanh có hiệu quả cao theo đúng tinh thần Nghị quyết của Quốc hội. “Ngân hàng Nhà nước tránh điều hành giật cục”, Thủ tướng lưu ý.

Bên cạnh đó, Ngân hàng Nhà nước cần kiểm soát chặt chẽ hoạt động kinh doanh của các tổ chức tín dụng; tăng cường công tác thanh tra, giám sát; rà soát, đánh giá được thực trạng hoạt động của từng ngân hàng thương mại và của hệ thống ngân hàng để chủ động có phương án xử lý kịp thời khi cần thiết.

Bộ Tài chính tăng cường kiểm tra, giám sát hoạt động của các định chế tài chính phi ngân hàng; điều chỉnh bổ sung các quy định về quản lý rủi ro và an toàn tài chính, trước hết là đối với các công ty bảo hiểm, công ty tài chính, công ty chứng khoán, quỹ đầu tư.

Thủ tướng yêu cầu việc mở rộng tín dụng đối với tổ chức và cá nhân triển khai dự án có hiệu quả; chuyển dịch cơ cấu tín dụng theo hướng tập trung cho khu vực nông nghiệp và nông thôn, xuất khẩu, doanh nghiệp nhỏ và vừa; tập trung cho vay nhập khẩu những mặt hàng trong nước chưa sản xuất được.

Thủ tướng giao Bộ Công Thương và các bộ, ngành liên quan xây dựng thị trường trọng điểm, tăng cường công tác xúc tiến thương mại tìm đầu ra cho các doanh nghiệp xuất khẩu, đồng thời có các cơ chế, chính sách khuyến khích các doanh nghiệp tăng lượng hàng hoá xuất khẩu; đảm bảo mức nhập siêu trong giới hạn kiểm soát được, phấn đấu thấp hơn năm 2009.

Sắp tới cần xem xét bổ sung các cơ chế, chính sách hấp dẫn hơn nhằm khuyến khích, thu hút mạnh hơn nữa các tổ chức, cá nhân đầu tư vào lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ để tạo ra nhiều hàng hoá thay thế hàng nhập khẩu, góp phần giảm nhập siêu.

Bộ Công Thương cần tăng cường giám sát và thực hiện các biện pháp chống bán phá giá, chống trợ cấp và các hàng rào kỹ thuật phi thuế phù hợp với thông lệ quốc tế và luật pháp Việt Nam theo nguyên tắc thị trường để khuyến khích phát triển sản xuất kinh doanh.

Các bộ, ngành, địa phương rà soát lại các dự án đầu tư sử dụng vốn ngân sách nhà nước, tập trung vốn cho các dự án quan trọng, cấp bách, có hiệu quả đang triển khai và có khả năng hoàn thành trong năm 2010. Không bố trí vốn cho các dự án đầu tư cho đến thời điểm này chưa được bố trí vốn, trừ vốn đối ứng các dự án vay nước ngoài.

Bộ Kế hoạch - Đầu tư chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan khẩn trương nghiên cứu, hoàn thiện cơ chế chính sách huy động vốn, có biện pháp tăng cường huy động vốn theo các phương thức xã hội hoá để đáp ứng các nhu cầu đa dạng trong đầu tư phát triển kinh tế, giảm áp lực cho ngân sách nhà nước.

Bộ Công Thương chú ý rà soát, đánh giá tình hình cung - cầu các mặt hàng phục vụ sản xuất và đời sống, trước hết là các mặt hàng thiết yếu như gạo, đường, thuốc chữa bệnh, thức ăn chăn nuôi, phân bón, xi măng, thép... để tổ chức thị trường hợp lý, ngăn chặn kịp thời các hiện tượng đầu cơ nâng giá và gian lận thương mại.

Bộ Tài chính chủ động phối hợp với các bộ, ngành và chính quyền các cấp thực hiện quyết liệt, đồng bộ các biện pháp quản lý điều hành giá, kiểm tra giám sát thị trường. Kiểm soát cơ chế hình thành giá không để giá xăng tăng liên tục trong thời gian ngắn, gây tác động tiêu cực đến tâm lý người tiêu dùng. Giữ ổn định giá điện và giá than bán cho điện đến hết năm 2010.

Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền một trong những yêu cầu. Theo đó, cần thông tin đầy đủ và kịp thời về các chủ trương, chính sách, đặc biệt là về lĩnh vực tài chính, tiền tệ và giá cả, để định hướng dư luận; nghiêm cấm việc đưa thông tin sai lệch, thiếu chính xác, gây bất ổn thị trường, ảnh hưởng đến sản xuất kinh doanh và đời sống xã hội.

Chính phủ sẽ sớm ban hành Nghị quyết của Chính phủ về những giải pháp bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, không để lạm phát cao và đạt tốc độ tăng trưởng GDP khoảng 6,5% trong năm 2010, làm căn cứ cho công tác điều hành của các Bộ, ngành đia phương.

Trần Nhật

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ