ThS Huỳnh Ngọc Chinh - Trưởng phòng Quản lý Đào tạo, Trường Cao đẳng Kinh tế - Kỹ thuật Cần Thơ, cho biết: “Việc tổ chức một cụm thi giúp thí sinh chọn địa điểm thi phù hợp với điều kiện và yêu cầu cá nhân. Thí sinh có nhiều cơ hội chọn xét tuyển vào các trường đại học, cao đẳng; trường thuận lợi hơn khi xét tuyển thí sinh”.
Tránh học tủ, học lệch
Theo phương án, Kỳ thi THPT quốc gia năm 2017 cơ bản được thực hiện như năm 2016, song có một số nội dung điều chỉnh về tổ chức cụm thi, bài thi, hình thức thi, thời gian làm bài và lịch thi. Như về tổ chức cụm thi, mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho các thí sinh của địa phương. Bộ GD&ĐT cử cán bộ, giảng viên từ các trường đại học, cao đẳng đến địa phương để phối hợp, hỗ trợ và giám sát công tác tổ chức thi, coi thi và chấm thi…
Trong phương án có thêm điều chỉnh mới, về bài thi gồm 5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (tổ hợp các môn Vật lý, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân). Để được xét công nhận tốt nghiệp THPT, thí sinh THPT thi 4 bài thi (3 bài thi bắt buộc Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài thi tự chọn: Bài thi Khoa học Tự nhiên hoặc bài thi Khoa học Xã hội); với bài thi Ngoại ngữ, thí sinh có thể chọn thi một trong các thứ tiếng: Anh, Nga, Pháp, Trung, Đức, Nhật. Thí sinh có thể dự thi cả 5 bài thi để sử dụng kết quả xét tuyển vào đại học, cao đẳng. Các bài thi Toán, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên và Khoa học Xã hội thi theo hình thức trắc nghiệm khách quan…
Theo thầy Ngô Hoàng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ), việc điều chỉnh về bài thi, nhằm giúp học sinh học đều các môn thi, tránh học lệch, các bài thi trắc nghiệm sẽ gọn nhẹ, giảm áp lực về thời gian, học tập của học sinh và chấm bài thi chính xác, công bằng hơn.
Năm học 2016 - 2017, Trường THPT Phan Văn Trị có hơn 350 học sinh lớp 12 sẽ bước vào Kỳ thi THPT quốc gia 2017. Theo thầy Phạm Quốc Hưng, giáo viên dạy môn Toán, cho biết: Chương trình sách giáo khoa môn Toán theo hướng hàn lâm; học sinh vận dụng kiến thức tư duy lập luận để giải bài tập. Bây giờ, thi theo hình thức trắc nghiệm, ít nhiều sẽ gây bỡ ngỡ và các em cần có thời gian để làm quen. Tuy nhiên, chúng tôi cũng khuyên học sinh cần bám sát chương trình và quan trọng nhất vẫn là cố gắng học, nắm vững kiến thức bài học, bài giải thì sẽ làm tốt…
Cơ hội đổi mới phương pháp dạy và học
Theo cô Lê Di Thanh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ): Năm nay, trường có gần 600 học sinh lớp 12 (trong hơn 1.600 học sinh toàn trường). Hai năm gần đây, Bộ GD&ĐT có nhiều đổi mới trong công tác thi, xét tốt nghiệp THPT và xét tuyển vào ĐH, CĐ. Trước những đổi mới đó, nhà trường, nhất là giáo viên, học sinh cần chuyển đổi cách dạy và học phù hợp, hiệu quả.
Trước mắt, nhà trường, các tổ bộ môn phổ biến kỹ cho học sinh về phương án thi; đồng thời triển khai ngay phương pháp dạy và học phù hợp để học sinh nắm bắt kịp. Theo thầy Ngô Hoàng Minh - Phó Hiệu trưởng Trường THPT Phan Văn Trị (huyện Phong Điền, TP Cần Thơ): Đầu năm học, nhà trường triển khai kế hoạch năm học cho giáo viên, học sinh. Giờ có phương án thi mới, thầy trò càng nỗ lực nhiều hơn, nhất là học sinh; đồng thời coi đây là cơ hội đổi mới phương pháp dạy – học của thầy và trò.
Với học sinh, đến thời điểm này, các em đang nỗ lực để học tập thật tốt; bên cạnh việc học tập thì công tác ôn luyện, rèn kỹ năng làm đề thi trắc nghiệm cũng được chú trọng. Em Phạm Đỗ Ngọc Mỹ, học sinh lớp 12A1, Trường THPT Châu Văn Liêm (TP Cần Thơ), bày tỏ: Em học khá ở môn Hóa và Toán, sợ nhất là môn Vật lý, trong khi đó có đến 3 môn học (Vật lý, Hóa học, Sinh học) trong một bài thi. Để đảm bảo kiến thức cho kỳ thi quan trọng sắp tới, em cố gắng tìm hiểu, học kỹ; trước mắt là thay đổi cách học để kỳ thi này đạt kết quả tốt nhất.
Em và các bạn cũng thấy yên tâm hơn khi được thầy cô giáo động viên, tận tình giảng dạy và hỗ trợ giải đề thi minh họa. Sau khi giải các đề thi, em thấy đề hay, bám sát chương trình và tính phân loại rất cao. Nếu muốn đạt điểm cao ở dạng đề này không chỉ hiểu bài mà đòi hỏi phải liên hệ thực tế và giỏi vận dụng.
Theo đánh giá của nhiều giáo viên THPT, trong Kỳ thi THPT quốc gia 2017, việc tăng cường phương án thi trắc nghiệm ở một số môn học là phù hợp với xu hướng giáo dục thế giới. Để đáp ứng yêu cầu này, thầy trò không thể học tập, giảng dạy theo hướng đoán đề, học tủ như trước.
Thay vào đó, thầy trò các trường đang nỗ lực để dạy và học bám sát chương trình và chuẩn kỹ năng, kiến thức. Đặc biệt là rèn cho học sinh kỹ năng làm bài trắc nghiệm và khả năng vận dụng kiến thức đã học giải quyết các vấn đề thực tế. Nếu cứ “bám” theo cách dạy, cách học cũ, thầy đọc, trò chép và gần đến ngày thi ôm cả xấp tài liệu học thuộc lòng thì rất khó đạt điểm cao trong kỳ thi sắp tới…