Tập kết trước giờ G

GD&TĐ - Sáng ngày 23/6, hơn 400 thầy cô giáo đến từ Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì đã có mặt tại Hội trường UBND tỉnh Yên Bái để tập huấn buổi cuối cùng.

Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội động viên cán bộ đi làm thi sáng ngày 23/6.
Chủ tịch Hội đồng trường Trường Đại học Mở Hà Nội động viên cán bộ đi làm thi sáng ngày 23/6.

Ngay sau hội nghị tập huấn, các thầy cô di chuyển ngay về 25 điểm làm thi, nơi cách xa nhất là điểm thi Trường THPT Mù Căng Chải, Trạm Tấu là những cụm thi có hơn 90% người dân tộc Mông. Như huyện Mũ Căng Chải cách trung tâm Tp Yên Bái 200 km, với 92,6% là người dân tộc Mông, cũng là nơi xa nhất, khó khăn nhất của tỉnh.

Bày tỏ mong muốn các thầy cô chia sẻ với những khó khăn của tỉnh Yên Bái, ông Dương Văn Tiến – Phó chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng ban chỉ đạo Kỳ thi THPT quốc giam 2019 tỉnh Yên Bái, cho biết:

Xác định đây là trách nhiệm với xã hội và nhân đân, tỉnh Yên Bái đã chuẩn bị cẩn thận, chu đáo. Từ cán bộ quản lý đến các cấp chính quyền đều vào cuộc. Lần đầu tiên việc học quy chế thi có sự góp mặt từ PCT tỉnh đến lãnh đạo các huyện. Đây là sự cộng đồng trách nhiệm với kỳ thi. Tỉnh Yên Bái làm tất cả để học sinh cảm thấy thoải mái nhất bước vào kỳ thi, đúng quy chế nghiêm túc, chất lượng.

Hơn 400 cán bộ Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì dự tập huấn
Hơn 400 cán bộ Trường Đại học Mở Hà Nội và Trường Đại học Công nghiệp Việt Trì dự tập huấn 

Phó chủ tịch Dương Văn Tiến đặc biệt nhấn mạnh: Yên Bái đã chuẩn bị chu đáo kiến thức cho HS, điều kiện cơ sở vật chất, phòng thi ... đều đáp ứng tốt cho kỳ thi. Tỉnh đã phân công các lãnh đạo ban chỉ đạo đảm bảo tính nghiêm túc đến từng cơ sở. Các thầy cô cần quán triệt tinh thần nghiêm túc, không được chủ quan, thi cử không có bài học nào giống bài học nào, quy chế thi phải thực hiện đúng, tránh tuyệt đối sai sót về nghiệp vụ. Các thầy trong quá trình thi có tình huống xảy ra, bình tĩnh báo cáo với trưởng điểm thi để giải quyết, không được dấu việc.

Nói về những nỗ lực tổ chức kỳ thi nghiêm túc, ông Vương Văn Bằng – Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Yên Bái, cho biết: Yên Bái là một tỉnh miền núi phía Bắc, kinh tế còn nhiều khó khăn với 54% đồng bào là người dân tộc thiểu số, trình độ dân trí còn hạn chế.

Đặc biệt, với huyện Mù Cang Chải và huyện Trạm Tấu, tỉ lệ bà con là người dân tộc Mông chiếm tới 94%. Với 7052 thí sinh đăng ký dự thi được tổ chức tại 25 điểm thi, trong đó có khoảng 64% thí sinh thuộc diện đặc biệt khó khăn và khó khăn. Toàn ngành đã sẵn sàng cho một kỳ thi nghiêm túc, đúng quy chế, tạo điều kiện tốt nhất, tâm lý thoải mái nhất để thí sinh làm bài.

Các cán bộ coi thi chia thành các đoàn về lại điểm thi
 Các cán bộ coi thi chia thành các đoàn về lại điểm thi

Với kinh nghiệm nhiều năm được Bộ GD&ĐT giao nhiệm vụ phối hợp tổ chức thi ở các địa phương thuộc vùng núi phía bắc như Hà Giang, Lào Cai,…TS. Trương Tiến Tùng – Hiệu trưởng Trường Đại học Mở Hà Nội, tự tin khẳng định:

“Nhà trường phối hợp với tỉnh Yên Bái thực hiện nghiêm túc, đúng quy chế. Với một tỉnh miền núi có đông đồng bào dân tộc, còn nhiều khó khăn như Yên Bái, quan điểm chỉ đạo của trường là chia sẻ và đồng cảm. Trong quá trình làm thi, các cán bộ, giảng viên phát hiện có thí sinh nào hoàn cảnh khó khăn, cần sự giúp đỡ thì hãy sẵn sàng”.

Được biết, trước ngày đoàn lên đường Trường Đại học Mở Hà Nội đã ký quyết định gửi 250 suất quà tổng trị giá 50 triệu đồng cho các thí sinh có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tham dự kỳ thi THPT quốc gia 2019.

Trường cũng trao tặng 5 suất học bổng nghèo vượt khó cho những thí sinh vượt qua kỳ thi và đủ điểm trúng tuyển vào Trường Đại học Mở. Phó Chủ tịch UBND tỉnh Dương Văn Tiến đã gửi lời cảm ơn sâu sắc tới thịnh tình của trường dành cho Yên Bái, đồng thời mong muốn hai bên phối hợp để đảm bảo kỳ thi diễn ra an toàn, nghiêm túc, đúng quy chế nhất.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ