Ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác HSSV phát biểu tại lớp tập huấn |
Phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” được Bộ Giáo dục và Đào tạo phát động từ năm 2008 đến nay đã tác động sâu sắc tới toàn ngành giáo dục cả nước. Kể từ khi phát động đến nay đã nhận được sự hưởng ứng, đồng thuận của các bộ quản lý, giáo viên, học sinh, các bậc cha mẹ học sinh, các ban ngành của Trung ương, địa phương và đông đảo nhân dân, bộ mặt các trường học có sự cải thiện rõ rệt, quang cảnh xanh - sạch - đẹp – an toàn hơn... Nhiều hình thức trồng cây, chăm sóc phát huy giá trị các di tích lịch sử văn hoá, cách mạng được các trường, các em học sinh thể hiện phong phú và tham gia tích cực ở hầu hết các nơi... Đến nay đã có hơn 10 nghìn di tích lịch sử, bà mẹ Việt Nam anh hùng, gia đình thương binh, liệt sĩ... được các nhà trường trực tiếp chăm sóc...
Các đại biểu về dự lớp tập huấn |
Phát biểu tại lớp tập huấn, ông Ngũ Duy Anh - Vụ trưởng Vụ công tác học sinh, sinh viên (Bộ GD&ĐT) – Phó trưởng Ban chỉ đạo nhấn mạnh: Tuy thời gian thực phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” chưa dài (gần 2 năm), nhưng có thể nói bước đầu đã tác động toàn diện không chỉ ở việc hoàn thiện cơ sở vật chất, xây dựng môi trường sư phạm thân thiện trong nhà trường, mà còn thân thiện hợp tác trong quan hệ giữa nhà trường với gia đình học sinh trong học tập và rèn luyện...
Kể từ khi thực hiện phong trào đến nay, việc dạy và học trong các nhà trường đã có những chuyển biến tích cực, nhiều giáo viên đã chú trọng đổi mới phương pháp dạy học và ứng dụng CNTT vào giảng dạy, đồng thời phát huy tính tự giác, chủ động, sáng tạo của cả giáo viên và học sinh. Nhiều tài liệu tổng hợp từ thực tiễn tích cực được các thầy cô giáo vận dụng vào bài giảng đã làm tăng thêm phần phong phú, hấp dẫn, đối với các em học sinh. Các hình thức thi giáo viên dạy giỏi, làm đồ dùng dạy học đã được tổ chức ở hầu khắp các nhà trường.
Cuộc vận động “Mỗi thầy giáo, cô giáo là một tấm gương đạo đức, tự học và sáng tạo” đã được lồng ghép với phong trào này và đem lại kết quả tốt. Kỹ năng sống cũng đã được quan tâm và đưa vào giáo dục trong mỗi nhà trường như: Kỹ năng giao tiếp, ứng xử, làm việc theo nhóm, tự bảo vệ và chăm sóc đời sống vật chất tinh thần của học sinh. Trò chơi dân gian, các làn điệu dân ca đưa vào nhà trường đã được các bậc cha mẹ và các em học sinh hưởng ứng tích cực. Nhiều nơi, các thầy cô giáo và cha mẹ và các em học sinh cùng tham gia vui chơi (đá bóng, bóng bàn, kéo co, làm thơ, thi nấu ăn, trò chơi dân gian, hiện đại...) với tinh thần thân thiện và đoàn kết.
Từ đó các em học sinh đã mạnh dạn, tự tin và hứng thú hơn khi tham gia các hoạt động, vui chơi, giao lưu, sinh hoạt cộng đồng. Đặc biệt, nhiều trường còn xây dựng những quy tắc ứng xử giữa các thành viên trong nhà trường và hướng dẫn các em học sinh có ứng xử văn hoá ở gia đình và cộng đồng...
Chính những tác động tích cực từ cuộc vận động này nên mấy năm học gần đây nhiều địa phương tỷ lệ học sinh bỏ học giảm đáng kể, tỷ lệ học sinh khá, giỏi tăng lên rõ rệt... Để hoàn thiện hơn các tiêu chí của phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”, trong thời gian tới, dự kiến Bộ sẽ bổ sung thêm nội dung nữa là “An toàn của học sinh khi đến trường”.
Qua khoá tập huấn các CB, GV phụ trách bậc học mầm non và tiểu học sẽ nắm bắt được những kiến thức, kỹ năng cơ bản của phong trào để triển khai tập huấn hè cho các GV của địa phương |
Trong những ngày diễn ra lớp tập huấn, các học viên cùng trao đổi với nhau nhiều vấn đề về tổ chức hoạt động tập thể, giáo dục truyền thống, rèn luyện kỹ năng sống cho học sinh; giáo dục giúp các em học sinh tự tin trong học tập cũng như tự tin trong giao tiếp, trong việc tham gia các hoạt động xã hội; hướng dẫn việc lồng ghép, tích hợp nội dung học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh ở bậc học mầm non, tiểu học; các trò chơi dân gian, giới thiệu và học hát những bài hát về trường học thân thiện; hiểu thêm về 5 di tích lịch sử văn hoá được Bộ GD&ĐT nhận hỗ trợ chăm sóc như: Nhà lưu niệm - nơi Bác Hồ viết “lời kêu gọi kháng chiến” năm 1946 tại Vạn Phúc – Hà Đông, Đền thờ nhà giáo Chu Văn An và Đền thờ nữ tiến sĩ Nguyễn Thị Duệ tại huyện Chí Linh – Hải Dương, Khu di tích Ngã ba Đồng Lộc huyện Can Lộc – Hà Tĩnh, Khu tưởng niệm cụ Nguyễn Sinh Sắc, Thành phố Cao Lãnh – Đồng Tháp, Nhà bia tưởng niệm ngành giáo dục tại huyện Tân Biên – Tây Ninh.
Ngoài ra học viên còn được nghe các cán bộ quản lý nói về bài học kinh nghiệm, kỹ năng lãnh đạo và quản lý trường học thân thiện, học sinh tích cực trong trường mầm non và tiểu học... Qua đó, đội ngũ cán bộ, giáo viên phụ trách bậc học mầm non và tiểu học sẽ thấm nhuần, hiểu biết hơn về những vấn đề của phong trào từ mục đích, yêu cầu đến các nội dung cụ thể từ đó sẽ có một kế hoạch đồng bộ trong nhà trường, trong cơ sở giáo dục, không có sự trùng lặp, từ đó phát huy hơn nữa vai trò trong việc xây dựng phong trào trường học thân thiện học sinh tích cực.
Trung Toàn