Tập huấn cán bộ quản lý về đổi mới chương trình, SGK

GD&TĐ - Sáng nay (3/2) tại Hải Phòng diễn ra lễ khai mạc lớp tập huấn dành cho cán bộ quản lý cơ sở giáo dục THPT và GDTX một số vấn đề về đổi mới chương trình và sách giáo khoa phổ thông.

Tập huấn cán bộ quản lý về đổi mới chương trình, SGK
Quang cảnh lớp tập huấn
Quang cảnh lớp tập huấn

Tham dự lớp học có hơn 300 học viên là lãnh đạo các Sở GD&ĐT, phòng GD&ĐT, hiệu trưởng các trường THPT, giám đốc Trung tâm GDTX, giám đốc Trung tâm kĩ thuật tổng hợp hướng nghiệp của các tỉnh: Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Hà Nam và Hưng Yên.

Lớp tập huấn kéo dài trong 2 ngày, nhằm triển khai kịp thời các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội về đổi mới chương trình SGK phổ thông đến các lãnh đạo các nhà trường.

Cùng với việc nghiên cứu các Nghị quyết của Đảng và Quốc hội, các học viên còn được học tập các chuyên đề: Những vấn đề chung về đổi mới chương trình, SGK phổ thông; Đổi mới quản lý chất lượng giáo  dục; Một số vấn đề về đổi mới đào tạo, bồi dưỡng giáo viên và cán bộ quản lý cơ sở GDPT...

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc lớp tập huấn
 Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển phát biểu khai mạc lớp tập huấn

Tại lớp tập huấn, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển phát biểu và trực tiếp trình bày chuyên đề "Những vấn đề chung về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông".

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết: Hiện nay, toàn ngành đang thực hiện Nghị quyết 29 về đổi mới căn bản toàn diện GD-ĐT theo hướng chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, dân chủ hóa và hội nhập quốc tế, trong đó đổi mới cơ chế quản lý giáo dục, phát triển đội ngũ giáo viên và cán bộ quản lý là khâu then chốt.

Đổi mới căn bản GD-ĐT là đổi mới những vấn đề lớn, cốt lõi, đổi mới về chất, đổi mới có tính chất bước ngoặt với một tinh thần và thái độ kiên quyết để tạo ra chuyển biến mạnh mẽ về chất lượng và hiệu quả giáo dục.

Đổi mới toàn diện là đổi mới những vấn đề cấp thiết từ quan điểm, tư tưởng chỉ đạo đến mục tiêu, phương pháp, cơ chế, chính sách, điều kiện đảm bảo thực hiện, đổi mới từ sự lãnh đạo của Đảng Nhà nước đến các hoạt động quản trị của cơ sở GD-ĐT và việc tham gia của gia đình, cộng đồng xã hội và bản thân người học, đổi mới ở tất cả các bậc học, ngành học.

Trong quá trình đổi mới cần kế thừa, phát huy những thành tựu, phát triển những nhân tố mới, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm của thế giới, kiên quyết chấn chỉnh những nhận thức, việc làm lệch lạc. Đổi mới phải đảm bảo tính hệ thống, tầm nhìn dài hạn, phù hợp với từng loại đối tượng, các giải pháp phải đồng bộ, khả thi, có trọng tâm, trọng điểm, bước đi phù hợp.

Vấn đề cốt lõi của đổi mới giáo dục là phải chuyển mạnh quá trình giáo dục từ chủ yếu trang bị kiến thức sang phát triển toàn diện phẩm chất năng lực người học, đổi mới hệ thống giáo dục theo hướng mở và xây dựng xã hội học tập.

Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Học sinh không chỉ biết nhiều kiến thức sách vở mà quan trọng là phải biết vận dụng sáng tạo những kiến thức đấy vào đời sống, có kĩ năng sống, biết giải quyết vấn đề linh hoạt trong những tình huống mới. Muốn vậy phải giáo dục học sinh phát triển toàn diện hài hòa đức trí thể mỹ, đồng thời phát triển tốt nhất tiềm năng riêng của mỗi người.

Cần phát triển một hệ thống giáo dục mở. Hệ thống giáo dục mở và xã hội học tập là cơ chế tạo ra cơ hội cho mọi đối tượng có nhu cầu, không phân biệt lứa tuổi, trình độ học vấn nghề nghiệp, địa vị xã hội, giới tính, trong mọi thời gian khác nhau và không gian khác nhau. Nhờ đó, mọi người có điều kiện để học thường xuyên, suốt đời và đều có trách nhiệm tham gia phát triển giáo dục.

Trước yêu cầu đổi mới GD-ĐT theo Nghị quyết 29, chương trình giáo dục phổ thông mới phải hướng đến phát triển các năng lực chung và các năng lực đặc thù môn học liên quan đến từng lĩnh vực giáo dục trải nghiệm sáng tạo mà mọi học sinh đều cần có trong cuộc sống, đồng thời tạo điều kiện phát triển tốt nhất tiềm năng của mỗi học sinh.

Chương trình phải đảm bảo tính hiện đại, tính ổn định, tính thống nhất, kế thừa giữa các cấp học và tạo điều kiện cho sự phân luồng liên thông, chuyển đổi giữa các trình độ đào tạo, ngành đào tạo và hình thức giáo dục trong hệ thống giáo dục quốc dân.

Các học viên thảo luận
Các học viên thảo luận 

Tại lớp tập huấn, các học viên đã đưa ra những câu hỏi về kì thi THPT quốc gia, chủ trương mới về kiểm tra đánh giá, những vấn đề về đổi mới chương trình, sách giáo khoa, đổi mới phương pháp dạy học, phân luồng học sinh. Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển và lãnh đạo các Cục,Vụ chức năng của Bộ GD&ĐT đã giải thích rõ ràng, cặn kẽ tới từng học viên.  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ