Tạo tính kết nối trong dạy nghề

Dạy nghề chỉ thực sự hiệu quả nếu tạo được sự kết nối chặt chẽ giữa địa phương có nguồn lao động với địa phương tiếp nhận, sử dụng lao động, trong đó vai trò của Bộ LĐTBXH là hết sức quan trọng.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu làm tốt công tác dạy nghề, thị trường lao động sẽ tốt lên
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam: Nếu làm tốt công tác dạy nghề, thị trường lao động sẽ tốt lên

Dự Hội nghị trực tuyến triển khai công tác lao động, người có công và xã hội năm 2014, sáng 6/1, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng nếu làm tốt công tác dạy nghề thì thị trường lao động sẽ tốt lên. Muốn vậy phải trả lời cho được câu hỏi đào tạo nghề để làm gì, làm ở đâu và phải gắn cơ sở đào tạo với DN.

Báo cáo tại hội nghị, Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Nguyễn Thanh Hòa cho biết trong năm 2013, đã có 1.543.155 lao động được giải quyết việc làm, trong đó xuất khẩu lao động 88.155 người, đạt 96,45% kế hoạch.

Số người được dạy nghề đạt trên 1,73 triệu người, với nhiều ngành nghề mới, đáp ứng nhu cầu đa dạng về trình độ nhân lực của thị trường lao động, trong đó có nhân lực trình độ kỹ thuật cao cho các vùng kinh tế trọng điểm, ngành kinh tế mũi nhọn. Hình thức liên kết giữa cơ sở đào tạo, dạy nghề và doanh nghiệp được phát triển ở nhiều địa phương.

Tuy nhiên, lãnh đạo Bộ LĐTBXH nhìn nhận kết nối cung-cầu lao động còn mất cân đối cục bộ từng vùng; việc tuyển mới dạy nghề đạt thấp, chất lượng nhân lực chưa cao, chưa đáp ứng được yêu cầu của thị trường lao động, doanh nghiệp. 

Tại nhiều địa phương, hoạt động dạy nghề cho lao động nông thôn để chuyển dịch sang khu vực công nghiệp, dịch vụ còn chậm, chưa phù hợp với yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội và đặc điểm lao động-việc làm, hiệu quả còn thấp.

Chia sẻ đánh giá trong báo cáo của Bộ LĐTBXH, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phân tích: Một số địa phương có thuận lợi trong đào tạo nghề cho lao động nông thôn khi đã có các khu công nghiệp, dịch vụ ngay trên địa bàn. 

Nhưng với những tỉnh không có điều kiện như vậy thì phải tính đến việc đào tạo cho người lao động những ngành nghề để họ có thể tìm được việc ở địa phương có nhu cầu sử dụng lao động lớn như Đồng Nai, Bình Dương, TPHCM, Hà Nội, Bắc Ninh, Hải Phòng…

Theo Phó Thủ tướng, Bộ LĐTBXH phải chủ trì việc “đấu nối” giữa tỉnh có lao động mới sẽ đến và tỉnh có nguồn lao động. Ví dụ, trong tương lai Hải Phòng sẽ có bao nhiêu nhà máy, nhân lực tại chỗ đáp ứng được bao nhiêu, nguồn lao động từ bên ngoài đến từ đâu, đây là những vấn đề cần được thông tin đến địa phương khác trong vùng. 

"Chúng ta cũng có thể xây dựng, áp dụng cơ chế tương tự đối với đào tạo nghề cho lao động xuất khẩu. Có như vậy mới đào tạo đúng được, còn nếu làm ào ạt, cào bằng thì khó đạt hiệu quả cao", Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng lưu ý trong năm 2014, ngành LĐTBXH phải kiên quyết chấn chỉnh, xử lý nghiêm những DN vi phạm việc thu phí người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Thực hiện an sinh xã hội đúng địa chỉ, không bình quân chủ nghĩa

Theo báo cáo của Bộ LĐTBXH, trong năm 2013, hơn 1,5 triệu người có công với cách mạng được trợ cấp thường xuyên; 97% hộ gia đình người có công có mức sống ngang bằng hoặc cao hơn mức sống trung bình của người dân nơi cư trú.

Việc thực hiện các chương trình, dự án giảm nghèo và chính sách hỗ trợ cho địa phương nghèo đã đưa tỷ lệ hộ nghèo cả nước cuối năm 2013 ước còn 7,8% theo chuẩn nghèo quốc gia giai đoạn 2011-2015, giảm 1,8% so với năm 2012. Đã có khoảng 2,6 triệu người được trợ cấp xã hội thường xuyên với tổng kinh phí hơn 7.121 tỷ đồng.

Tuy nhiên, để nâng cao hiệu quả thực hiện các chính sách an sinh xã hội, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cho rằng cần phải có những giải pháp để sự hỗ trợ đến đúng địa chỉ, thiết thực, không bình quân chủ nghĩa.

Phó Thủ tướng lấy ví dụ nếu việc xác định đối tượng bảo trợ xã hội là người cao tuổi được rà soát cụ thể, sát thực tế thì sẽ có những gia đình con cháu khá giả không cần đến tiền bảo trợ, “những đồng tiền ấy nếu tập trung cho những người thực sự khó khăn thì vừa tiết kiệm ngân sách vừa thực sự rất có ý nghĩa”. 

Trong chính sách xóa nghèo cũng có thể chọn một vài chính sách cụ thể để triển khai trên tinh thần lồng ghép, thiết thực, đúng đối tượng, đúng yêu cầu.

Phó Thủ tướng đề nghị trong năm 2014, Bộ LĐTBXH lựa chọn một số chính sách để triển khai thí điểm theo tinh thần này.

Đối với việc thực hiện chính sách người có công với cách mạng, Phó Thủ tướng lưu ý ngành LĐTBXH cùng các bộ ngành khác cần phải giải quyết thật cụ thể, nhanh chóng các vướng mắc liên quan từ kiến nghị của địa phương. Đây là việc làm đền ơn đáp nghĩa, đúng với đạo lý" lá lành đùm lá rách" của dân tộc.

Theo Chinhphu.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Toạ đàm “Trí tuệ nhân tạo và ảnh hưởng trong các trường ĐH” trong khuôn khổ Hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH”.

AI và tương lai giáo dục đại học

GD&TĐ - Ngày 11/12, hội thảo “AI và tương lai giáo dục ĐH” được tổ chức nhằm chia sẻ nghiên cứu, ứng dụng thực tiễn của trí tuệ nhân tạo trong giáo dục ĐH.