Tạo nhịp tim cho bệnh nhân 90 tuổi

GD&TĐ - Bệnh nhân N.V. Q, 90 tuổi (Đông Triều, Quảng Ninh) thường xuyên thấy tức ngực, khó thở, hoa mắt, chóng mặt. nhịp tim của người bệnh rất chậm, chỉ 39 lần/phút (so với người bình thường là từ 60 đến 100 lần/phút).

Nhịp tim bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật
Nhịp tim bệnh nhân ổn định sau phẫu thuật

Bệnh nhân được người nhà đưa vào Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển (Uông Bí, Quảng Ninh) điều trị. Tại đây, các bác sĩ chẩn đoán người bệnh bị Block nhĩ thất độ III, nhịp tim chậm trên nền người bệnh có rất nhiều bệnh lý phức tạp (tăng huyết áp, tiền sử tai biến mạch máu não, đái tháo đường tuyp 2, bệnh phổi tắc nghẽn mạn tính).

Các bác sĩ đã tiến hành đặt máy tạo nhịp tim 2 buồng. Sau đặt máy, nhịp tim bệnh nhân trở lại bình thường (65 lần/phút). Người bệnh hoạt động, sinh hoạt bình thường và không còn tình trạng tức ngực, đau đầu.

Đặt thành công máy tạo nhịp tim 2 buồng cho bệnh nhân cao tuổi, tiền sử nhiều bệnh cho thấy khả năng làm chủ kỹ thuật của bác sĩ bệnh viện tuyến dưới. Theo ThS, bác sĩ Hoàng Minh Quang, Phó Trưởng khoa Nội Tim mạch (Bệnh viện Việt Nam - Thụy Điển), đây là ca bệnh khó bởi thể trạng người bệnh già yếu (90 tuổi) cùng tiền sử rất nhiều bệnh lý phối hợp nên việc tiến hành can thiệp cho người bệnh là rất khó khăn.

Ê kíp xác định trong quá trình can thiệp tiềm ẩn rất nhiều nguy cơ rủi ro như rối loạn nhịp tim, thậm chí là ngừng tim dẫn đến người bệnh có thể tử vong ngay trên bàn mổ. Tuy nhiên, nếu không được tiến hành can thiệp thì tình trạng tức ngực khó thở, choáng ngất của người bệnh sẽ ngày càng tăng và người bệnh có nguy cơ đột tử bất cứ lúc nào. Rất may, với sự tự tin của bác sĩ, phương tiện hỗ trợ hiện đại, ca mổ đã thành công.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ