Tạo nền tảng vững chắc cho đào tạo GV tiếng Anh đáp ứng nhu cầu XH

Tạo nền tảng vững chắc cho đào tạo GV tiếng Anh đáp ứng nhu cầu XH

(GD&TĐ) - Đó là tinh thần của Hội thảo Khoa học “Đào tạo, bồi dưỡng Giáo viên Tiếng Anh bậc tiểu học nhằm đáp ứng nhu cầu của xã hội” được tổ chức  sáng nay, ngày 5/3 tại Trường ĐH Ngoại ngữ - ĐH Đà Nẵng với sự tham dự của 2 Thứ trưởng Bộ Giáo dục - Đào tạo: TS Nguyễn Vinh Hiển, GS.TS Bùi Văn Ga và đông đảo đại biểu là Lãnh đạo Dự án “Dạy và học ngoại ngữ trong hệ thống GD quốc dân 2008-2020, Hội đồng Anh tại Việt Nam, Vụ Giáo dục Tiểu học, Sở GD-ĐT; Đại học Đà Nẵng và lãnh đạo các trường thành viên cùng một số Sở, Trường ĐH ở tỉnh, thành lân cận.

Đồng thuận về tính chất cấp bách của đổi mới toàn diện việc dạy và học ngoại ngữ

Mục tiêu của Đề án 1400 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt vào tháng 8/2008 đã nhận được sự quan tâm không chỉ của ngành GD-ĐT mà của toàn xã hội. Đề án đã xuất phát từ thực tế dạy và học ngoại ngữ chưa đáp ứng được yêu cầu phát triển nhanh và bền vững của đất nước; công luận chưa hài lòng với quy mô và chất lượng dạy và học ngoại ngữ trong các trường từ phổ thông đến đại học. Có một sự chênh lệch đáng quan tâm giữa năng lực của người dạy và yêu cầu của người học, giữa kết quả năng lực người học và hiệu quả sử dụng ngoại ngữ của họ trong thực tiễn. Một trong những mục tiêu cụ thể mà Đề án hướng đến là: Triển khai thực hiện chương trình GD 10 năm, bắt đầu từ  lớp 3 môn ngoại ngữ bắt buộc ở các cấp học phổ thông. Nhận thức tầm quan trọng của mục tiêu này, Trường ĐH Ngoại ngữ-Đà Nẵng đã nhanh chóng bắt tay xây dựng chương trình đào tạo Cử nhân Tiếng Anh SP bậc tiểu học, được Thứ trưởng Bùi Văn Ga, lúc đó là Giám đốc ĐHĐN phê duyệt và tạo mọi điều kiện thuận lợi để đào tạo. Sau đó, TS Nguyễn Ngọc Hùng, Trưởng Đề án đã đến làm việc với Trường, định hướng 2 việc quan trọng của Đề án là Đào tạo và Bồi dưỡng GV ngoại ngữ ở các bậc phổ thông kể cả bậc tiểu học. Sau 3 năm thực hiện, Hội đồng Anh đánh giá Trường ĐHNN-ĐHĐN là một trong số ít những đơn vị có nguồn lực đào tạo và bồi dưỡng GV tiếng Anh bậc tiểu học tốt nhất trong cả nước.

Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu định hướng tại Hội thảo
Thứ trưởng Bùi Văn Ga phát biểu định hướng tại Hội thảo

Phát biểu có tính chất định hướng tại Hội nghị, GS.TSKH Bùi Văn Ga, Thứ trưởng Bộ GD -ĐT nhấn mạnh tính chất bức thiết của việc giúp cho HS, SV có một trình độ ngoại ngữ đáp ứng được yêu cầu về chuẩn đầu ra, không chỉ tốt cho tương lai mà còn vì đòi hỏi của đất nước trong xu thế hội nhập quốc tế. Không phải cho đến bây giờ mà từ nhiều năm qua, Bộ đã quan tâm đến vấn đề này. Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã nêu lên một số bất cập có thể coi là “ rào cản” về chất lượng đào tạo ngoại ngữ như: đa số HS sau nhiều năm học ngoại ngữ vẫn không có khả năng sử dụng ngoại ngữ một cách hữu hiệu cho mục đích của họ; nhiều SV giỏi chuyên môn nhưng không tìm được học bổng vì không có ngoại ngữ… Cũng với quan điểm như vậy, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển  đã hoan nghênh sáng kiến của ĐH Đà Nẵng với bước đi mạnh dạn, có tính tiên phong trong đào tạo GV tiếng Anh có tính nền tảng, đáp ứng yêu cầu xã hội. Đề án 1400 đề cập đến nhiều vấn đề, trong đó nêu ra các giải pháp về chương trình đào tạo, GV, CSVC, quan điểm chỉ đạo, phải tạo được sự quan tâm và tham gia không chỉ của ngành GD-ĐT mà của toàn xã hội.

Tại Hội thảo, Giám đốc Sở GD-ĐT Đà Nẵng, TS Nguyễn Trung Chinh, đã khẳng định quyết tâm của ngành với những việc làm có ý nghĩa đột phá trong 2 năm qua để khởi động Đề án 1400, cùng với Trường ĐH Đà Nẵng, cải tiến đáng kể trình độ tiếng Anh cho GV các cấp học. PGS.TS Trần Văn Nam-GĐ ĐHĐN khẳng định, với truyền thống trên 30 năm đào tạo ngoại ngữ, 25 năm đào tạo Cử nhân tiếng Anh lại vinh dự có trường đầu tiên đào tạo GV tiếng Anh cho bậc tiểu học, ĐHĐN cam kết sẽ tạo mọi điều kiện để đạt mục tiêu đề ra. ĐH Đà Nẵng cũng mong được sự giúp đỡ của các tỉnh, thành, cơ sở giáo dục đào tạo trong cả nước để Đề án thành công tốt đẹp. Qua Báo cáo tham luận về quá trình chuẩn bị và thực hiện chuyên ngành sư phạm tiếng Anh bậc tiểu học tại Trường ĐHNN-ĐHĐN do TS Trần Quang Hải, Phó hiệu trưởng trình bày, có thể thấy rõ trong bước đi khá thận trọng nhưng quyết liệt của nhà trường mang lại hiệu quả bước đầu trong đào tạo. Năm học 2009-2010, Trường đã tuyển sinh một lớp với 35 SV cho hệ này. Năm 2010-2011, tuyển sinh 2 lớp với 70 SV. Ngoài ra, Trường cũng đã tổ chức thí điểm cho 60 GV đang và sẽ dạy tiếng Anh tại các trường tiểu học khu vực miền Trung và Tây Nguyên.

Thúc đẩy nhanh tiến trình nhưng phải đảm bảo chất lượng

Trong bài diễn văn nhiệt thành, đầy tâm huyết của mình, PGS.TS Phan Văn Hòa, Hiệu trưởng Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Đà Nẵng đã bày tỏ niềm mong muốn: “ Hội thảo không có tham vọng giải quyết những vấn đề lớn của Đề án, nhưng Hội thảo nhằm tạo cơ hội để các cá nhân và đơn vị liên quan đến Đề án, nhất là Đào tạo Tiếng Anh ở bậc tiểu học, nhận thức, quán triệt, và thể hiện, cam kết trách nhiệm đối với vấn đề cực kỳ quan trọng: Góp phần xây dựng nền móng của con người mới; đưa ra những đề xuất về chuyên môn, quản lý và lộ trình đưa tiếng Anh và tiểu học sớm nhất, hiệu quả nhất và bền vững nhất; bởi lẽ, chừng nào chúng ta chưa quan tâm đúng mức đến sự phát triển của thế hệ HS bậc tiểu học, chừng nào chúng ta đi chệch hướng đào tạo ngoại ngữ, thì chúng ta không những thiếu trách nhiệm với con em mình mà còn mang tội lớn với con em, đất nước”.

Chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở bậc tiểu học quyết định chất lượng GD phổ thông.
Chất lượng dạy và học ngoại ngữ ở bậc tiểu học quyết định chất lượng GD phổ thông.

Có lẽ từ những mong muốn như vậy mà Hội thảo đã được nghe khá nhiều ý tưởng hay từ các đại biểu lãnh đạo của Trường ĐH Sư phạm-ĐHĐN; Trường ĐH Ngoại ngữ-ĐH Huế, Sở GD-ĐT Khánh Hòa; Hội đồng Anh…Đặc biệt, quan điểm chỉ đạo của Bộ GD-ĐT đã được Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển nhấn mạnh: Thúc đẩy nhanh tiến trình nhưng phải đảm bảo chất lượng; Không làm theo phong trào, nơi nào có điều kiện thì làm trước, chưa có điều kiện thì làm sau và cố gắng cho có điều kiện. Trường ĐH Ngoại ngữ Đà Nẵng làm trước thì các trường làm theo phải học tập rút kinh nghiệm. Yếu tố cốt lõi là chất lượng. GV dạy tiếng Anh phải đảm bảo 3 yêu cầu: có đạo đức, năng lực nghề nghiệp, tâm huyết với nghề, có trách nhiệm với HS, XH, đất nước; Có năng lực tiếng Anh (dạy được, sử dụng được, ít nhất có trình độ B1, phấn đấu có trình độ B2, B3). Có nghiệp vụ Sư phạm (đảm bảo về PP, HS hứng thú học tập).

Thứ trưởng đã đưa ra những ví dụ thực về thực trạng GV tiếng Anh hiện nay rất đáng phải trăn trở: 100 % GV tiếng Anh tiểu học hiện nay chưa qua đào tạo nghiệp vụ sư phạm tiểu học. Qua khảo sát 147 GV tiếng Anh tham gia dạy thí điểm thì chỉ có 92 GV đạt yêu cầu dạy thí điểm. Vì vậy, các trường phải có trách nhiệm đào tạo bổ sung, đào tạo lại cho GV tiếng Anh đang dạy tại các trường; hết bậc tiểu học, HS phải đạt được khung A1 chuẩn châu Âu. Bộ GD-ĐT đang ban hành chuẩn đầu ra: chuẩn về Tiếng Anh, chuẩn về nghiệp vụ SP. Các địa phương khi xây dựng kế hoạch triển khai đề án phải làm sao để HS được học, tránh gây lãng phí; các trường ĐH, CĐ phải xắp xếp các lớp khác nhau; không để tình trạng lớp dưới học, lớp trên không học, lớp dưới bắt đầu từ đầu lại ngồi cùng với nhau như những năm trước đây.

Về Chương trình SGK, Bộ cũng xây dựng chương trình tiếng Anh tiểu học khác trước: tập trung xây dựng năng lực đầu ra, lấy khung của châu Âu A1, A2, B1, B2…Trên cơ sở đó, định hướng nội dung , PP kiểm tra đánh giá. Tiếng Anh là môn đầu tiên thực hiện một chương trình nhiều SGK, Bộ không bắt buộc phải dùng một tài liệu cố định. Về kiểm tra đánh giá, các trường phải có chuẩn chung; ngoài kiểm tra của nhà trường; phải có sự tham gia kiểm tra, đánh giá của các trung tâm kiểm tra, đánh giá  mới khách quan. HS có thể học ở bất kỳ đâu nhưng phải kiểm tra, đánh giá được. Về vấn đề đào tạo, bồi dưỡng GV để đạt chất lượng thì phải khảo sát, GV phải tự học. ĐHNN phải giúp các địa phương đánh giá. Bộ, Trường, cơ quan quản lý cố gắng hỗ trợ về tài liệu học; khi xây dựng chuẩn rồi phải có phần mềm, có hướng dẫn để GV có thể học được. Quá trình kiểm tra, đánh giá nếu chưa có GV đạt yêu cầu thì không được dạy chương trình mới . Thứ trưởng cũng đề nghị các cử nhân tiếng Anh đầu tiên (SV Trường ĐHNN có mặt tại Hội thảo) phải ra sức học tập và ra trường dạy tốt, tham gia dìu dắt các thế hệ sau; các trường có đào tạo Tiếng Anh hỗ trợ cho các Trường tiên phong đi đầu trong thực hiện Đề án 1400 để đáp ứng nhu cầu nguồn nhân lực xã hội.

Phát biểu kết thúc Hội thảo, trong vai trò Trưởng Đề án 1400, TS Nguyễn Ngọc Hùng đặt niềm tin ở Trường ĐHNNĐH Đà Nẵng: Là một trong những trường ĐH hàng đầu về chất lượng đào tạo, đi đầu thực hiện dự án; Đề nghị nhà trường trong năm học này và những năm tiếp đến phối hợp với các cơ quan khác để Đề án đi vào đời sống. Ý kiến đề xuất vấn đề ổn định đội ngũ GV, chủ động tuyển dụng GV tiếng Anh dạy hợp đồng vào biên chế cũng được các đại biểu quan tâm.

Nguyễn Thị Thúy Hồng

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ