(GD&TĐ)- Các Sở GD-ĐT tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học mới tại các trường THCS, THPT và các CSGC TH nhằm: giúp HS làm quen với thầy, cô giáo, bạn bè, điều kiện học tập và phương pháp dạy học trong nhà trường; tạo nên môi trường học tập và rèn luyện thân thiện, tích cực và hiệu quả; tạo tình cảm, niềm tin của học sinh đối với trường, lớp, thầy cô và bạn bè.
Ngày 11/8, Bộ GD-ĐT vừa có công văn hướng dẫn các Sở GD-ĐT tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học 2011-2012.
Học sinh Trường THCS Thanh Chăn (Điện Biên) vui múa sạp trong Lễ khai giảng năm học 2010-2011. Ảnh, gdtd.vn |
Công văn nêu rõ, tổ chức “Tuần sinh hoạt tập thể” đầu năm học còn nhằm mục đích nâng cao nhận thức của HS về truyền thống của nhà trường; tiếp cận với các điều kiện về CSVC, điều lệ, qui chế, nội quy, qui tắc ứng xử và các quy định khác liên quan của nhà trường, để HS hiểu rõ quyền lợi, nghĩa vụ, ý thức trách nhiệm của mình; rèn luyện một số kỹ năng cần thiết khi bước vào năm học mới, môi trường học tập mới.
Để tổ chức tốt hoạt động ý nghĩa này, Bộ yêu cầu: Việc tổ chức các hoạt động trong “Tuần sinh hoạt tập thể” phải phù hợp với điều kiện nhà trường và đặc điểm tâm sinh lý HS; thực sự có tác dụng, hiệu quả đối với HS, đặc biệt là HS đầu cấp học; tạo được niềm tin cho HS và không khí vui tươi, phấn khởi trong nhà trường.
Các hoạt động trong “Tuần sinh hoạt tập thể” cần phát huy tính chủ động, sáng tạo, tự quản của HS, gắn với các hoạt động chung đầu năm học của nhà trường, đặc biệt là phong trào thi đua “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực”.
Bộ cũng đưa ra hướng dẫn cụ thể cho các nội dung hoạt động. Cụ thể như sau:
Đón HS đầu cấp học; tổ chức các hoạt động làm quen với thầy cô giáo, với bạn bè, giao lưu kết nghĩa giữa HS các lớp đầu cấp với HS các lớp trên; tạo điều kiện cho HS mới vào trường được bạn bè, thầy cô giáo giúp đỡ thân thiện và hoà nhập nhanh chóng vào môi trường học tập và rèn luyện mới.
Tổ chức các hoạt động để HS tìm hiểu về nhà trường (truyền thống nhà trường; tổ chức và bộ máy, cán bộ quản lý, giáo viên và nhân viên nhà trường; các điều kiện về cơ sở vật chất, phòng học, phòng bộ môn, thiết bị học tập; hướng dẫn HS sử dụng các công trình phục vụ cho các hoạt động trong nhà trường như: Thư viện, phòng truyền thống, sân chơi, bãi tập, nhà thi đấu thể dục thể thao, nhà ăn, khu nội trú (nếu có), công trình nước và vệ sinh, bảo vệ môi trường, trang phục, đồ dùng học tập và rèn luyện của HS khi đến trường; …). Giúp HS nắm được điều lệ nhà trường; qui chế thi, kiểm tra, xếp loại học sinh về học tập và rèn luyện; nội qui, quy định của nhà trường.
Giới thiệu để giúp HS làm quen với mục đích, yêu cầu, chương trình học tập và giáo dục, phương pháp học tập và rèn luyện ở trường mới, lớp mới, môn học mới một cách tích cực, chủ động; giới thiệu sách giáo khoa và tài liệu tham khảo; khơi dậy trong các em sự yêu thích và hứng thú đối với môn học.
Tổ chức cho HS tìm hiểu về xây dựng cảnh quan sư phạm và môi trường thân thiện trong nhà trường (xây dựng, giữ gìn trường, lớp xanh, sạch, đẹp, an toàn; học tập và rèn luyện có hiệu quả; rèn luyện kỹ năng sống; các hoạt động vui chơi lành mạnh...).
Bá Hải