(GD&TĐ) - Việc nhà trường chủ động sử dụng di sản, đặc biệt là một di tích của địa phương trong dạy học dường như khá hiếm ở Hà Nội. Thế nên, khi trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc, quận Cầu Giấy (Hà Nội) chủ động thực hiện thí điểm chương trình sử dụng di sản trong dạy học cho học sinh đã khiến chúng tôi khá bất ngờ, hơn nữa, họ đã biết sử dụng một điểm di sản ngay cạnh trường để giáo dục cho học sinh. Đây là một hoạt động hết sức tích cực cần được rút kinh nghiệm và nhân rộng.
Một buổi học lý thú
Đầu năm học 2012 - 2013, trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc đã thử nghiệm thành công việc tổ chức cho học sinh đến học tập tại nhà thờ dòng họ Nguyễn Khả, nơi thờ vị danh nhân mà nhà trường mang tên. Đây là lần đầu tiên, một trường học trên địa bàn Hà Nội chủ động mời tư vấn xây dựng chương trình sử dụng di sản trong dạy học, không thông qua bất cứ một dự án nào.
Danh nhân Nguyễn Khả Trạc (1598-1672), tên thật Nguyễn Văn Trạc, là người làng Mai Dịch, Từ Liêm (nay thuộc phường Mai Dịch, quận Cầu Giấy, Hà Nội). Ông đỗ Đệ tam giáp đồng Tiến sĩ xuất thân vào năm Tân Mùi 1631, được ghi danh ở bia Văn Miếu. Nhà thờ được xây dựng ngay sau khi ông qua đời, trên mảnh đất ông sống lúc nghỉ hưu ở xóm Thị, phường Mai Dịch. Mấy trăm năm trôi qua, khuôn viên và ngôi nhà thờ vẫn được bảo tồn, 14 đạo sắc phong chức tước cho ông và bức hoành phi “Liêm Quận công” vẫn được lưu giữ tốt, đặc biệt gia đình vẫn còn giữ được chiếc đòn kiệu kiệu ông về làng bái tạ tổ tiên và cha mẹ khi ông đỗ Tiến sĩ. Nhà thờ đã được xếp hạng Di tích lịch sử văn hóa năm 1995.
Học sinh chăm chú nghe giới thiệu về nhà thờ dòng họ |
“Hàng năm, vào dịp khai giảng hoặc trong các chương trình giáo dục truyền thống, nhà trường vẫn thường xuyên mời đại diện dòng họ Nguyễn Khả sang nói chuyện về cụ Nguyễn Khả Trạc. Đó là người cháu đời thứ 14 của cụ và cũng là người đang trông coi nhà thờ. Nhà trường cũng thường xuyên sang thắp hương ở nhà thờ, nhưng chưa bao giờ nghĩ có thể tổ chức cho học sinh học ở đó. - Cô giáo Hiệu trưởng Lê Thị Thủy tâm sự - Khi có sự đề xuất của cô giáo Minh Loan, giáo viên lớp 5 của nhà trường, và được sự tư vấn của Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa (CCH), chúng tôi đã quyết định làm chương trình thử nghiệm giáo dục di sản địa phương. Kết quả chưa thật hoàn hảo, nhưng đã mở ra cho chúng tôi một hướng tiếp cận mới cho hoạt động giáo dục, đặc biệt là phương pháp giáo dục bằng trải nghiệm. Các em học sinh của chúng tôi đã tỏ ra vô cùng thích thú.”
Kết quả khả quan
“Chủ đề chúng tôi lựa chọn cho các em đến tìm hiểu tại nhà thờ Nguyễn Khả là chủ đề “Vinh quy bái tổ”. Đây là một phần trong chương trình giáo dục đạo đức cho các em học sinh khối 5. Để thực hiện bài học này, chúng tôi đã kết hợp với cả chương trình giáo dục lịch sử, văn hóa địa phương. Phần kiến thức thì như vậy, nhưng phần thực hành thì các em lại áp dụng được nhiều kỹ năng khác: nghe, quan sát, ghi chép, chụp ảnh, sưu tầm tư liệu, viết cảm thụ, sử dụng máy vi tính để xây dựng bài thuyết trình… Kết quả của một buổi học như vậy với chúng tôi là rất tốt. Điều đáng nói hơn, là cả học sinh và phụ huynh đều rất hứng thú và mong muốn có nhiều buổi học thực tế như vậy.” Cô giáo Phạm Minh Loan cho biết.
Trước khi đến di sản, các em học sinh sẽ được cô giáo dành 30 phút của giờ sinh hoạt giới thiệu về chủ đề các em sẽ tìm hiểu. Cùng các em tìm hiểu một số khái niệm khó như: vinh quy, bái tổ, sự khác nhau giữa việc thi cử đỗ đạt xưa và nay. Cô giáo hướng dẫn các em tìm và sưu tầm các tranh ảnh, tư liệu liên quan đến chủ đề và cụ Nguyễn Khả Trạc. Buổi học ở nhà thờ kéo dài 60 phút. Các em được ông Nguyễn Khả Thị, cháu thứ 14 của cụ Nguyễn Khả Trạc kể chuyện về cụ và ngôi nhà thờ, sau đó các em được tự do tìm hiểu dưới sự hướng dẫn của cô giáo thông qua bộ phiếu điều tra được chuẩn bị trước. Cô giáo cũng hướng dẫn các em làm việc theo từng nhóm nhỏ để có kết quả trình bày trước lớp vào tiết học đạo đức tới.
Di sản xung quanh chúng ta vô cùng phong phú. Học bằng di sản không phải là quá khó và cao siêu. Vấn đề là chúng ta có thật sự muốn bắt tay vào thực hiện hay không? |
“Sản phẩm của các nhóm trình bày trên lớp đã làm tôi thật sự ngạc nhiên. Các em có thể dựng được cả một đoạn video ngắn với các bức ảnh chụp được cùng lời thuyết trình về việc vinh quy của cụ Nguyễn Khả Trạc, những đóng góp của cụ sau khi cụ từ quan. Một nhóm khác với bài thuyết trình bằng Powerpoin, các em đã nói về truyền thống uống nước nhớ nguồn, biết ơn tổ tiên qua việc bảo vệ và giữ gìn ngôi nhà thờ họ này. Tôi đã thật sự bất ngờ về những sáng tạo của các em. Nó vượt lên cả chủ đề mà chúng tôi muốn chuyển tải cho các em. Rõ ràng, chỉ cần đầu tư một chút, chúng ta đã có thể tạo cho các em niềm hứng thú học tập và sáng tạo ngay từ chính những di sản rất gần gũi.”- Cô giáo Loan tâm sự.
Thiết nghĩ, nếu có nhiều trường chủ động như trường Tiểu học Nguyễn Khả Trạc trong vấn đề sử dụng di sản trong dạy và học thì chắc chắn các em học sinh sẽ có nhiều cơ hội học tập và trải nghiệm di sản hơn. Và điều quan trọng, các em sẽ có thêm nhiều cơ hội để rèn luyện các kỹ năng sống, phát huy được sức sáng tạo, các em sẽ thêm yêu ngôi trường của mình, yêu quê hương và tự hào với những gì cha ông đã để lại.
Phạm Kim Ngân
(Trung tâm Nghiên cứu và Phát huy giá trị di sản văn hóa)