Tới đây khi dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học có hiệu lực thì các yếu tố trên sẽ càng được phát huy. Qua đó nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học nâng cao chất lượng đào tạo.
Tự chủ gắn liền với kiểm định chất lượng
Theo đại biểu Quốc hội Văn Thị Bạch Tuyết – đoàn TP Hồ Chí Minh, khi các trường đại học được quyền tự chủ, đồng nghĩa với việc phải tăng cường kiểm định chất lượng GD-ĐT. Đại biểu phân tích, thông qua kiểm định sẽ đánh giá được chương trình đào tạo cũng như toàn bộ các điều kiện để phục vụ cho việc đào tạo của trường đó có đạt hay không.
Theo đó, trường nào đủ điều kiện thì mới được tổ chức giảng dạy, nếu không sẽ không được triển khai giảng dạy. Công tác kiểm định cần được triển khai thực hiện đến từng chuyên ngành, từng ngành của các trường đại học. Trường nào đủ điều kiện về giảng viên, về nội dung chương trình, cách thức tổ chức kiểm tra, đánh giá phù hợp, cơ sở vật chất, thiết bị đủ điều kiện thì trường đó được phép triển khai đào tạo chuyên ngành đó, còn nếu không đủ điều kiện thì không được đào tạo. Đó là nguyên tắc, nhằm tránh trường hợp một số ngành bắt buộc phải có giờ thực hành và phải có thiết bị thực hành nhưng trường lại không có thiết bị thực hành, đào tạo xong, các em sinh viên vẫn không làm việc được.
"Chẳng hạn như các ngành liên quan đến du lịch, nhà hàng khách sạn, nếu sinh viên không được tham gia thực hành thì khi ra trường sẽ không thể làm việc được” – đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết chia sẻ.
Ngoài ra, theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, chính các trường phải duy trì chất lượng và những điều kiện để phục vụ cho đào tạo của trường mình. Tránh tình trạng, các trường chỉ đảm bảo điều kiện ban đầu, sau đó không làm tiếp kiểm định định kỳ nữa.
Liên quan đến vấn đề này, đại biểu Quốc hội Lê Thu Hà - đoàn Lào Cai cho rằng, Chính phủ hoặc Bộ trưởng Bộ GD&ĐT cần quy định chuẩn quốc gia về các tổ chức kiểm định, chuẩn kiểm định viên và chuẩn đạo đức nghề nghiệp hoặc quy tắc ứng xử của kiểm định viên. Đây sẽ là điều kiện tiên quyết cho tự chủ và các quyền khác của nhà trường. Qua đó nhằm tránh tiêu cực trong công tác kiểm định.
Ngoài ra, cần có cơ chế giám sát các tổ chức kiểm định. Chẳng hạn như: Hoa Kỳ có vai trò của Hội đồng kiểm định giáo dục đại học, Bộ Giáo dục châu Âu thì có Hiệp định đảm bảo chất lượng châu Âu. “Tiến tới sẽ có Luật Kiểm định chất lượng giáo dục. Đây là một công cụ rất mạnh nhằm hướng đến một nền giáo dục thật sự chất lượng và lành mạnh” - đại biểu Lê Thu Hà đề xuất.
Xếp hạng, tiến tới chuẩn đào tạo quốc tế
Đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí (đoàn Tiền Giang) |
Về xếp hạng cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo; theo đại biểu Quốc hội Lê Quang Trí – đoàn Tiền Giang, việc này là rất cần thiết nhằm tạo động lực cho các cơ sở giáo dục đại học phấn đấu, nâng cao chất lượng đào tạo, giúp người học có thêm thông tin để chọn trường.
Tuy nhiên, để đảm bảo việc xếp hạng trung thực, khách quan, minh bạch, đại biểu đề nghị cần quy định về các tổ chức xếp hạng như: Điều kiện thành lập, tiêu chí, tiêu chuẩn xếp hạng, trách nhiệm và quyền hạng của tổ chức... Vì nếu các tổ chức xếp hạng này không trung thực, không khách quan thì ảnh hưởng rất lớn đến uy tín của các cơ sở, tổ chức giáo dục đại học cũng như quyết định chọn trường của sinh viên.
Đồng quan điểm, đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết cho rằng, nếu như các trường đạt ở một mức nào đó, thứ hạng nào đó thì chất lượng đào tạo đương nhiên sẽ phải tương ứng. Mục đích của chúng ta là sẽ có được một lực lượng nhân lực tốt. Do đó, việc xếp hạng các cơ sở giáo dục đào tạo, ngành đào tạo là rất cần thiết và quan trọng.
Qua đó nhằm tạo động lực để các trường phấn đấu, từ đó có thể đạt được thứ hạng mà mình mong muốn. Khi đó, các trường có thể tự tin về chất lượng đào tạo của mình và thu hút được nhiều sinh viên giỏi. Đồng thời, sinh viên sau khi tốt nghiệp ra trường có thể làm được việc ngay mà không cần đào tạo lại và đáp ứng yêu cầu công việc của nhà tuyển dụng.
Đặc biệt, tới đây các trường được tự chủ toàn diện thì yếu tố này càng cần phải được phát huy. Cùng với đó, các trường phải bắt tay liên kết với doanh nghiệp trong phương diện đào tạo và việc làm. Từ đó các trường sẽ có được những "đơn đặt hàng" đào tạo nguồn lao động từ các doanh nghiệp.
Cũng theo đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết, các trường đại học cần hướng đến chuẩn quốc tế. Bởi trong bối cảnh hội nhập không thể có chuyện, sinh viên tốt nghiệp ra trường đi làm rồi nhưng mãi làm ở một số vị trí thông thường nhất định, tức là không thích nghi với nhu cầu chuyển dịch lao động. "Do đó tôi thiết nghĩ trong điều kiện di chuyển lao động tự do, đặc biệt là trong khu vực ASEAN, thì các trường càng cần phải có tâm thế vững vàng để đào tạo nguồn nhân lực có chất lượng, đáp ứng được nhu cầu hội nhập quốc tế" - đại biểu Văn Thị Bạch Tuyết nhấn mạnh.