Tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và ASIAN để giảm nhập siêu

Tăng xuất khẩu sang Trung Quốc và ASIAN để giảm nhập siêu
Cao su, sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang tăng giá nhờ các dấu hiệu tăng trưởng của nước này. (Ảnh minh hoạ, internet)
Cao su, sản phẩm xuất khẩu truyền thống của Việt Nam sang thị trường Trung Quốc đang tăng giá nhờ các dấu hiệu tăng trưởng của nước này. (Ảnh minh hoạ, internet)

Theo số liệu được công bố tại Hội thảo cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc và các nước ASEAN do Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương (Bộ Công thương) tổ chức hôm qua 15/ 4, kể từ năm 2004, Trung Quốc liên tục là đối tác thương mại lớn nhất của Việt Nam. Năm 2009 thương mại song phương Việt-Trung đạt 21,3 tỷ USD, tăng 6% so với năm 2008; kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào khối ASEAN năm 2009 đạt 8,7 tỉ USD.

Phấn đấu năm 2010, thương mại hai nước đạt 25 tỷ USD. Nhập siêu từ Trung Quốc chiếm tới 60% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam

Theo ông Đào Trần Nhân, Vụ trưởng Vụ Thị trường châu Á- Thái Bình Dương, hàng hóa của Việt Nam xuất khẩu sang Trung Quốc tập trung ở 3 nhóm hàng thế mạnh: nguyên, nhiên liệu và khoáng sản; nhóm hàng nông sản, thủy hải sản; nhóm hàng công nghiệp, chủ yếu là hàng dệt may, giày dép, dây điện và cáp điện, sản phẩm nhựa, sản phẩm điện tử và linh kiện…

Cũng theo ông Nhân: thời gian vừa qua, nhóm hàng nguyên, nhiên liệu chiếm tỉ trọng lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc, khoảng 55-60%, song trong những năm tới, việc xuất khẩu các mặt hàng khoáng sản, nhiên liệu thô sẽ được cắt giảm để đáp ứng cho công nghiệp nội địa. Ngược lại, nhóm hàng sản phẩm công nghiệp sẽ là động lực tăng trưởng cho xuất khẩu của nước ta trong tương lai, bởi đây là nhóm hàng gắn chặt với đầu tư nước ngoài và đầu tư trong nước phục vụ sản xuất xuất khẩu.

Trong những năm gần đây, do giá các yếu tố đầu vào của sản xuất cũng như giá nhân công ở Trung Quốc ngày càng tăng, các nhà đầu tư nước ngoài, thậm chí cả nhà đầu tư Trung Quốc có xu hướng chuyển nhà máy sản xuất sang Việt Nam để sản xuất hàng tái xuất trở lại thị trường Trung Quốc.

Ông Nhân nhận định: "Đây chính là cơ hội thuận lợi để các doanh nghiệp Việt Nam liên doanh liên kết với các nhà đầu tư nước ngoài để xuất khẩu sang thị trường đầy tiềm năng này. Thêm nữa, tuy xuất khẩu của Việt Nam sang Trung Quốc chiếm khoảng 8,59% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhưng hàng Việt Nam chỉ chiếm chưa đầy 0,48% tổng kim ngạch nhập khẩu của Trung Quốc. Con số đó nói lên dung lượng thị trường Trung Quốc còn rất lớn, như vậy cơ hội cho hàng Việt Nam xuất khẩu sang thị trường này còn đang rộng mở

Riêng với thị trường ASEAN, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào khối này năm 2009 đạt 22,5 tỉ USD (nhập khẩu đạt 13,8 tỉ USD và xuất khẩu đạt 8,7 tỉ USD). Mặt hàng chủ lực của Việt Nam xuất khẩu sang các nước ASEAN là dầu thô và gạo, chiếm khoảng trên 42% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này. Ngoài gạo và dầu thô, các sản phẩm có thế mạnh xuất khẩu sang thị trường ASEAN còn có máy vi tính, sản phẩm điện và linh kiện; máy móc, thiết bị, dụng cụ và phụ tùng; sắt thép các loại; hàng thủy sản; hàng dệt may…

Đại diện Vụ Chính sách thương mại đa biên (Bộ Công thương) cho biết, bắt đầu từ 1-1-2010, cơ hội cho xuất khẩu hàng hoá của Việt Nam tiếp tục rộng mở khi khu vực mậu dịch tự do ASEAN- Trung Quốc (ACFTA) chính thức thực hiện với cam kết giảm thuế mạnh mẽ từ cả Trung Quốc và các nước ASEAN. Theo đó, hàng loạt các mặt hàng nhập khẩu từ Việt Nam vào Trung Quốc và các nước ASEAN 6 sẽ được hưởng mức thuế nhập khẩu từ 0 đến 5%. Trong khi đó, 4 nước ASEAN còn lại thuộc nhóm CLMV, bao gồm Cam-pu-chia, Lào, Mi-an-ma và Việt Nam, được thực hiện cam kết muộn hơn 5 năm, bắt đầu từ 2015.

Giang Đông

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ