(GD&TĐ)-Ngày 1/6/2011, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục có quyết định tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ đối với các tổ chức tín dụng
Tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng đồng nghĩa với một lượng vốn bị hút khỏi lưu thông. |
Cụ thể, theo Quyết định số 1209/QĐ-NHNN, tỷ lệ dự trữ bắt buộc đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng bằng ngoại tệ áp dụng như sau:
Đối với tiền gửi không kỳ hạn và có kỳ hạn dưới 12 tháng: Áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc 7% với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam - Agribank), ngân hàng TMCP, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, tăng 1% so với mức 6% áp dụng từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 5/2011.
Tỷ lệ này là 6% đối với Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam, Quỹ Tín dụng nhân dân Trung ương, tăng từ mức 5% trước đó.
Đối với tiền gửi từ 12 tháng trở lên: Áp tỷ lệ dự trữ bắt buộc là 5% đối với các ngân hàng thương mại nhà nước (không bao gồm Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam), ngân hàng TMCP, ngân hàng 100% vốn nước ngoài, ngân hàng liên doanh, chi nhánh ngân hàng nước ngoài, công ty tài chính, công ty cho thuê tài chính, tăng từ mức 4%.
Quyết định trên có hiệu lực thi hành kể từ kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 6/2011 và thay thế Quyết định số 750/QĐ-NHNN ngày 9/4/2011 của Thống đốc Ngân hàng Nhà nước.
Như vậy, việc tiếp tục tăng tỷ lệ dự trữ bắt buộc bằng ngoại tệ sẽ trực tiếp tác động đến chi phí huy động vốn bằng ngoại tệ của các tổ chức tín dụng; lãi suất cho vay ngoại tệ theo đó dự báo sẽ tăng trong thời gian tới, hạn chế nhất định cầu và tăng trưởng tín dụng ngoại tệ sau khi đã tăng rất mạnh kể từ đầu năm (trên 18%).
Với thị trường, tỷ lệ dự trữ bắt buộc tăng đồng nghĩa với một lượng vốn bị hút khỏi lưu thông. Tuy nhiên, mức tăng 1% nói trên là không quá mạnh.
Đây là lần tăng thứ hai liên tiếp của Ngân hàng Nhà nước, đúng một tháng sau lần điều chỉnh áp cho kỳ duy trì dự trữ bắt buộc tháng 5/2011.
Ngọc Lan