Tăng tuổi nghỉ hưu cần xét đến yếu tố đặc thù ngành nghề như giáo viên

GD&TĐ - Thảo luận tại hội trường, nhiều đại biểu tán thành với đề xuất tăng tuổi nghỉ trong dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi). Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng lao động và ngành nghề đặc thù như giáo viên.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Góp ý tại hội trường, đại biểu Võ Đình Tín (đoàn Đắk Nông) thống nhất với phương án 1 của dự thảo là: Kể từ năm 2021, tuổi nghỉ hưu của người lao động trong điều kiện lao động bình thường là đủ 60 tuổi 3 tháng đối với lao động nam; đủ 55 tuổi 4 tháng đối với lao động nữ; sau đó cứ mỗi năm tăng thêm 3 tháng đối với lao động nam và 4 tháng đối với lao động nữ.

Đại biểu cho rằng, việc điều chỉnh tăng tuổi nghỉ hưu theo phương án trên là phù hợp với tinh thần Nghị quyết số 28 ngày 23/5/2018 của Hội nghị lần thứ VII, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khoá XII về cải cách chính sách bảo hiểm xã hội.

Tuy nhiên, mức tăng và lộ trình tăng tuổi nghỉ hưu phải xem xét các yếu tố đối tượng, lĩnh vực ngành nghề và cần được thiết kế linh hoạt hơn. Theo đó, cần cân nhắc đến các đối tượng là công nhân lao động trực tiếp trong khu vực sản xuất dịch vụ và một số ngành nghề đặc thù như: giáo viên mầm non, tiểu học; người làm trong lĩnh vực nghệ thuật v.v...

Đại biểu Võ Đình Tín
Đại biểu Võ Đình Tín

“Cần giao cho Chính phủ quy định chi tiết theo hướng xem xét để không tăng hoặc có lộ trình tăng chậm hơn và có các chính sách hỗ trợ linh hoạt, không gây tác động tiêu cực đến thị trường lao động” – đại biểu Võ Đình Tín nói.

Đồng ý với đề xuất tăng tuổi nghỉ hưu tại Điều 169 dự thảo Bộ luật Lao động (sửa đổi), đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai (đoàn Hưng Yên) nêu ý kiến: Từ năm 2021 thực hiện điều chỉnh tuổi nghỉ hưu theo mục tiêu tăng tuổi nghỉ hưu chung, thu hẹp dần khoảng cách về giới trong quy định tuổi nghỉ hưu.

Cùng với sự phát triển của đất nước, có thể thấy rằng, sức khoẻ của người dân ngày càng được chăm lo tốt hơn, tuổi thọ cũng được nâng lên dần. Tuy nhiên, có một thực trạng là đối với các lao động trí thức, lao động việc làm trong các khu vực văn phòng, lĩnh vực nghiên cứu, giảng dạy, tài chính, y tế, việc kéo dài tuổi nghỉ hưu có thể khả thi vì họ vẫn còn đủ sức khoẻ, kinh nghiệm, độ chín nghề nghiệp để làm việc.

Bên cạnh đó vẫn tồn tại một số bộ phận lao động có mức tiền lương thấp, điều kiện sống chưa đảm bảo, nhất là đối với những công nhân lao động trực tiếp trong những ngành nghề thâm dụng lao động, như: dệt may, da giày, chế biến thuỷ hải sản hoặc môi trường lao động nặng nhọc, độc hại, thường có sự suy giảm sớm về sức khoẻ và năng lực lao động. Việc tăng tuổi nghỉ hưu sẽ không đảm bảo an toàn lao động cho họ.

Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai
 Đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai 

“Do đó, cần cân nhắc việc kéo dài tuổi nghỉ hưu của đối tượng này. Tôi cho rằng việc điều chỉnh tuổi nghỉ hưu cần có tầm nhìn dài hạn và có lộ trình phù hợp với tính chất, loại hình lao động, đặc thù của mỗi ngành nghề, lĩnh vực” – đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai đề xuất.

"Để đảm bảo các quy định của Bộ luật Lao động kịp thời đi vào cuộc sống, khi Bộ luật có hiệu lực thi hành, tôi đề nghị quy định lộ trình điều chỉnh tuổi nghỉ hưu của người lao động kể từ ngày 1/1/2021, căn cứ theo ngành nghề, tính chất công việc, môi trường và điều kiện lao động, địa bàn và cung cầu của thị trường lao động, xu hướng già hoá dân số ngay trong dự thảo luật này”- đại biểu Đoàn Thị Thanh Mai.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ