(GD&TD)-Bộ Công thương đã có văn bản đề xuất Chính phủ các giải pháp kiềm chế nhập siêu, trong đó có việc tăng thuế tiêu thụ đặc biệt và phí trước bạ đối với mặt hàng ôtô dưới 9 chỗ ngồi từ năm 2012.
Bộ Công Thương đề nghị tăng phí trước bạ lên mức 20% đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM |
Theo thống kê của Bộ Tài chính, hiện nay, nguồn thu từ lệ phí trước bạ trung bình vào khoảng 7.000 tỷ đồng mỗi năm, chiếm 2,5% tổng thu ngân sách Nhà nước. Trong đó, năm 2006, số thu là 3.363 tỷ đồng, năm 2007 là 5.636 tỷ đồng, năm 2008 đạt 7.363 tỷ đồng, năm 2009, tổng số thu khoảng 7.565 tỷ đồng. Còn năm 2010, số thu lệ phí trước bạ là 9.209 tỷ đồng. |
Theo đó, Bộ Công thương cũng đề nghị tăng phí trước bạ lên mức 20% đối với 2 thành phố lớn là Hà Nội và TP HCM nhằm hạn chế xe cá nhân. Hai địa phương này đang là nơi tập trung mật độ giao thông cao nhất cả nước.
Hiện, thuế tiêu thụ đặc biệt đối với dòng xe dưới 6 chỗ ngồi có 3 mức 45%, 50% và 60%, căn cứ vào dung tích xi lanh của máy. Đối với ôtô loại 6-9 chỗ, thuế suất áp dụng 45%-60%, tùy loại.
Còn phí trước bạ áp dụng đối với Hà Nội là 12%, còn TP HCM 10%.
Theo Tổng cục Thuế, việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ôtô được thực hiện theo lộ trình của Luật Quốc hội.
Riêng đối với phí trước bạ, cả Tổng cục Thuế và Tổng cục Hải quan đều nhất trí với đề nghị áp mức cao nhất với Hà Nội, TP HCM là 20%. Lý do là, hai thành phố này đang có mật độ xe cao và tình trạng ùn tắc giao thông cũng ngày càng gia tăng.
Để đạt được mục tiêu giảm nhập siêu trong bối cảnh kinh tế hiện nay thì kiểm soát chặt chẽ các mặt hàng nhập khẩu không thiết yếu là cần thiết bởi điều này sẽ tạo cơ hội cho các doanh nghiệp trong nước vươn lên chiếm lĩnh thị trường nội địa, sản xuất trong nước có điều kiện giành thêm giá trị gia tăng.
Theo ông Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhằm hạn chế nhập siêu cần phải xây dựng hàng rào kỹ thuật, phân tích rõ cơ cấu nhập khẩu số lượng lớn hàng tiêu dùng không thiết yếu để biết được những mặt hàng nào trực tiếp phục vụ sản xuất và những mặt hàng gì chỉ phục vụ cho cuộc sống hằng ngày của người dân. Trên cơ sở đó, cơ quan quản lý sẽ định hướng chính sách rà soát để có cơ sở cấp vốn vay nhập hàng, cũng như sử dụng các biện pháp khác, trong đó có việc cấp giấy phép tự động, nhằm hạn chế nhập khẩu những mặt hàng tiêu dùng không thiết yếu.
Ông Võ Trí Thành phân tích: Để xử lý vấn đề nhập siêu là vấn đề rất phức tạp liên quan đến mô hình phát triển kinh tế, cách thức đầu tư; liên quan đến năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam; liên quan đến mạng sản xuất và chuỗi giá trị của khu vực và thế giới, liên quan đến chính sách vĩ mô của Việt Nam, (ví dụ chính sách tỷ giá). Để xử lý vấn đề này không phải là ngày một ngày hai mà liên quan đến tổng thế rất nhiều vấn đề từ bình ổn kinh tế vĩ mô đến cải tổ lại toàn bộ nền kinh tế...
Theo các điều khoản về cán cân thanh toán của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), các nước thành viên có quyền áp dụng biện pháp hạn chế nhập khẩu với những điều kiện nhất định nhằm bảo vệ tình hình tài chính đối ngoại và cán cân thanh toán. Trong trường hợp các nước đang phát triển, biện pháp này còn để bảo đảm mức dự trữ đủ để thực hiện các chương trình phát triển kinh tế. Việc mở cửa nền kinh tế Việt Nam, đặc biệt là gia nhập WTO và tham gia vào các Hiệp định thương mại tự do đã làm gia tăng nhập khẩu. Nếu nhập khẩu tăng làm nảy sinh những vấn đề mới cho nền kinh tế trong nước thì Việt Nam hoàn toàn có đủ điều kiện để áp dụng các biện pháp hạn chế nhập khẩu, miễn là phù hợp với luật pháp trong nước và các cam kết quốc tế.
Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Thành Biên cho rằng, nếu siết mạnh quản lý nhập khẩu sẽ gây trở ngại cho phát triển của nền kinh tế trên mọi phương diện, do đó việc xuất khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được tiến hành một cách thận trọng nhất là trong bối cảnh hội nhập hiện nay, khi sức cạnh tranh của nền kinh tế nói chung cũng như của doanh nghiệp nói riêng và của một số sản phẩm hàng hóa đã không cạnh tranh được với hàng nước ngoài, nếu chúng ta siết quá mạnh, quá đột ngột, sẽ làm tắc nghẽn hoạt động kinh tế trên mọi phương diện, tác động sẽ nguy hại hơn. Cho nên việc điều hành xuất nhập khẩu và kiềm chế nhập siêu phải được tiến hành rất thận trọng, có tính toán để giảm thiểu tác động đến kinh doanh và xuất nhập khẩu.
Để hạn chế nhập siêu trong bối cảnh kinh tế hiện nay, việc tăng rào cản thuế và phi thuế đối với hàng nhập khẩu không thiết yếu phục vụ sản xuất tiêu dùng cần phải tuân thủ lộ trình giảm thuế đã được cam kết. Cần rà soát lại các khoản thuế, dòng thuế với các hàng hóa nhập khẩu, nhất là nhóm hàng hạn chế nhập khẩu và áp dụng đến mức cao nhất mà lộ trình cam kết với Tổ chức thương mại thế giới.
Hải Minh