(GD&TĐ) - Chiều nay 03/01 tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã trao tặng Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” cho Ngài Helmut Kutin, Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế nhân dịp chuyến công tác của ngài Helmut Kutin tại Việt Nam. Chủ trì và trao tặng Kỷ niệm chương cho ngài Helmut Kutin là Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa, tham dự có đại diện Bộ Lao động, Thương binh & Xã hội, Làng trẻ SOS Quốc tế và Làng trẻ SOS Việt Nam.
|
Các đại biểu dự Lễ trao KNC |
Ngài Helmut Kutin sinh ra trong một gia đình nông dân nghèo ở tỉnh Bolzano thuộc Italia. Bố và mẹ đều mất sớm, năm 1953 Helmut Kutin được gửi vào nuôi dưỡng tại Làng trẻ em SOS Inns thuộc thành phố Innsbruck, tỉnh Tyrol miền tây nước Áo (đây là ngôi Làng trẻ em SOS đầu tiên trên Thế giới được xây dựng vào năm 1949). Ông tốt nghiệp đại học kinh tế, trường đại học Innsbruck năm 1965 sau đó làm việc cho một hãng du lịch của Áo.
Năm 1967, Helmut Kutin được ông Hermann Gmeiner (Chủ tịch đương nhiệm lúc đó và là người sáng lập ra tổ chức Làng trẻ em SOS) mời về làm việc cho tổ chức Làng trẻ em SOS với công việc đầu tiên là xây dựng Làng trẻ em SOS Gò Vấp, Việt Nam. Năm 1968, Helmut Kutin được bổ nhiệm là Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp (ngôi Làng trẻ em SOS lớn nhất Thế giới lúc đó với 40 nhà gia đình SOS). Năm 1971, Helmut Kutin được bổ nhiệm là Trưởng đại diện của Làng trẻ em SOS Quốc tế tại Châu Á kiêm Giám đốc Làng trẻ em SOS Gò Vấp (1968-1976). Từ năm 1985 đến nay, ngài Helmut Kutin liên tục được Đại hội đồng Làng trẻ em SOS Quốc tế bầu giữ chức Chủ tịch Làng trẻ em SOS Quốc tế. Và sau ngày Hiệp định được ký (1987) đến nay, với cương vị là Chủ tịch, Ngài Helmut Kutin đã có nhiều quyết định tài trợ cho Việt Nam liên quan đến công tác giáo dục của Việt Nam, như:
- Tài trợ kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị, phương tiện và hàng năm cấp toàn bộ kinh phí cho vận hành của 13 trường mẫu giáo SOS. Các trường này đã tiếp nhận và dạy cho 31.000 lượt học sinh, bình quân mỗi năm có khoảng 2.100 học sinh trong đó 95% là con em dân cư quanh trường, 5% là học sinh đến từ Làng trẻ em SOS;
- Tài trợ kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị, phương tiện và hằng năm cấp toàn bộ kinh phí cho hoạt động của 11 trường phổ thông Hermann Gmeiner (trường liên cấp từ lớp 1 đến lớp 12 mang tên người sáng lập ra tổ chức Làng trẻ em SOS). Các trường này đã tiếp nhận 131.600 lượt học sinh, bình quân mỗi năm có 10.500 học sinh. Trong đó 15% là học sinh từ Làng trẻ em SOS; 85% học sinh là con em của cộng đồng dân cư quanh trường.
- Cấp “Học bổng SOS“ cho học sinh nghèo, học giỏi để tiếp tục theo học 3 năm bậc THPT. Bình quân mỗi năm khoảng 100 học sinh. Đây là loại học bổng toàn phần gồm tiền ăn, ở, tiền quần áo, tiền học phí, đi lại, tiêu vặt... giá trị mỗi suất 10 triệu đồng/năm.
- Cấp học bổng Hermann Gmeiner để tạo điều kiện cho những học sinh nghèo tiếp tục học tập. Trị giá mỗi suất học bổng từ 1,5 triệu đến 3,0 triệu đồng (tuỳ theo bậc học, gồm học phí, sách, vở, học cụ, quần áo, đi lại và một số khoản tiền tiêu vặt khác). Tính đến nay đã có 6.328 lượt học sinh nghèo nhận học bổng Hermann Gmeiner với số tiền đã cấp là 16,15 tỷ đồng. Năm học 2011-2012 có 1.356 em (chiếm 13,07% tổng số học sinh của các trường phổ thông Hermann Gmeiner) đã nhận học bổng, học tập tại các trường Hermann Gmeiner với số tiền là 3.562.650.000 đồng.
- Hỗ trợ kinh phí để nuôi dưỡng và duy trì học tập cho 1.167 trẻ em nghèo đang sống ở cộng đồng với mức 300.000 đồng/tháng.
- Các trường mẫu giáo SOS và các trường phổ thông Hermann Gmeiner được trang bị hiện đại, đầy đủ phục vụ tốt cho công tác giảng dạy và học tập. Hiện có 620 cán bộ, giáo viên và nhân viên làm việc tại 13 trường mẫu giáo SOS và 11 trường phổ thông Hermann Gmeiner. Ngoài ra còn có gần 400 giáo viên thỉnh giảng và hợp đồng ngắn hạn.
Được biết đến nay, tổng số kinh phí Làng trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ cho các hoạt động giáo dục của Việt Nam nói trên khoảng 40 triệu USD. Trong những năm tới, Làng trẻ em SOS Quốc tế tiếp tục tài trợ cho Việt Nam xây dựng trường phổ thông Hermann Gmeiner Điện Biên Phủ (công suất 900-1000 học sinh); nhà bán trú cho trường phổ thông Hermann Gmeiner Nha Trang (350 chỗ ngủ); Trường mẫu giáo SOS Điện Biên Phủ, Pleiku và Thái Bình (mỗi trường có công suất 200 học sinh).
Vì những đóng góp cho trẻ em Việt Nam, ngài Helmut Kutin đã được trao tặng nhiều danh hiệu: Hai lần Chủ tịch nước tặng Huân chương Hữu Nghị (năm 1990 và 2007); Huy chương “Vì thế hệ trẻ” của Đoàn thanh niên cộng sản Hồ Chí Minh tặng (1992); Huy chương “Vì sự nghiệp Lao động-Thương binh và Xã hội” do Bộ LĐTBXH tặng (1995); Huy chương và Kỷ niện chương của UBND thành phố Hồ Chí Minh tặng (1990 và 2001); Kỷ niệm chương “Vì hoà bình, hữu nghị giữa các dân tộc” của Liên hiệp các tổ chức hữu nghị Việt Nam tặng (2009); cùng nhiều bằng khen của UBND các tỉnh và thành phố tặng.
Và đặc biệt nhân dịp này, ghi nhận những đóng góp to lớn của ông cho sự nghiệp GD&ĐT Việt Nam, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT đã trao tặng ông Kỷ niệm chương “Vì sự nghiệp giáo dục” của Bộ Giáo dục & Đào tạo (2011).
|
Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa: Bộ GD&ĐT đánh giá cao công lao đóng góp của Ngài đối với sự nghiệp GD&ĐT của nước CHXHCN Việt Nam |
Phát biểu tại buổi lễ, thay mặt lãnh đạo Bộ GD&ĐT Thứ trưởng Nguyễn Thị Nghĩa bày tỏ lời cảm ơn về sự hợp tác, giúp đỡ nhiệt tình và tích cực của ngài Helmut Kutin đối với ngành GD&T Việt Nam. Thứ trưởng nhấn mạnh: Chúng tôi đặc biệt ghi nhận việc tài trợ kinh phí đầu tư cho xây dựng cơ sở vật chất, mua sắm trang thiết bị và cấp kinh phí vận hành cho 13 trường mẫu giáo hội nhập của SOS; 11 trường phổ thông Hermann Gmeiner (trường liên cấp từ lớp 1 đến lớp 12 mang tên người sáng lập ra tổ chức Làng trẻ em SOS), 100 suất học bổng SOS mỗi năm cho học sinh nghèo học giỏi và 6.328 lượt học sinh nghèo nhận học bổng Hermann Gmeiner với số tiền đã cấp là 16,15 tỷ đồng, ....
Trong những năm qua, Ngài đã luôn quan tâm và hỗ trợ cho công tác GD&ĐT đối với những trẻ em có hoàn cảnh khó khăn tại Làng SOS nói riêng và ngành giáo dục Việt Nam nói chung. Bộ trưởng Bộ GD&ĐT tặng Ngài Kỷ niệm chương vì sự nghiệp giáo dục của Bộ GD&ĐT - phần thưởng cao quý nhất của ngành GD&ĐT Việt Nam dành cho những người có nhiều công lao đóng góp đối với sự nghiệp GD&ĐT của nước CHXHCN Việt Nam, là ghi nhận, đánh giá cao công lao đóng góp của Ngài đối với sự nghiệp GD&ĐT của nước CHXHCN Việt Nam.
|
Những học sinh của làng trẻ SOS chia sẻ n ềm vui với ngài Henmut Kutin |
Xúc động trước những tình cảm to lớn mà lãnh đạo Bộ GD&ĐT đã dành cho ông, Henmut Kutin nói: Tôi đã gắn bó với Việt Nam từ những ngày đầu đến với làng trẻ SOS, và tình yêu của tôi với đất nước bạn cứ lớn dần theo năm tháng. Hôm nay thật là vinh dự được Bộ GD&ĐT tao tặng Kỷ niệm chương đầy ý nghĩa này, tôi xin cảm ơn các bạn và hứa sẽ tiếp tục làm tốt hơn nữa trách nhiệm của mình. Tôi là Chủ tịch SOS quốc tế, nhưng là người nghèo về tiền bạc, những thứ chúng tôi có là của các nhà hảo tâm đóng góp để giúp đỡ các cháu nhỏ có hoàn cảnh khó khăn. Ở cương vị của mình, tôi mong muốn các cháu được hưởng một nền giáo dục công bằng, nhưng quan trọng hơn cả là việc các cháu học làm người, học yêu thương, chia sẻ và đùm bọc lẫn nhau. Đây chính là những giá trị SOS mong muốn đem đến cho các cháu.
Làng trẻ em SOS Quốc tế là tổ chức phi Chính phủ được thành lập từ năm 1949 tại Cộng hòa Áo, là tổ chức phi lợi nhuận, phi chính trị và phi tôn giáo hoạt động vì mục đích giúp đỡ trẻ em có hoàn cảnh khó khăn nói chung và trẻ em mồ côi, trẻ em bị bỏ rơi nói riêng. Năm 1987, thừa uỷ quyền của Hội đồng Bộ trưởng (nay là Chính phủ), Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội cùng Làng trẻ em SOS Quốc tế ký Hiệp định tiếp nhận tài trợ nhân đạo của tổ chức Làng trẻ em SOS Quốc tế để xây dựng các Làng trẻ em SOS tại Việt Nam và nuôi trẻ mồ côi, trẻ bị bỏ rơi theo mô hình gia đình thay thế với 4 nguyên tắc sư phạm của Làng trẻ em SOS Quốc tế là Bà mẹ, anh chị em, mái ấm gia đình và cộng đồng làng. Bên cạnh Làng trẻ em SOS là các dự án tài trợ chính, Làng trẻ em SOS Quốc tế đã tài trợ nhiều dự án hỗ trợ đi kèm cho Việt Nam như trường mẫu giáo SOS, trường phổ thông Hermann Gmeiner (trường đa cấp từ lớp 1 đến lớp 12 mang tên người sáng lập ra tổ chức Làng trẻ em SOS quốc tế), Trường trung cấp nghề, xưởng dạy nghề, cơ sở y tế tại 14 tỉnh, thành phố gồm Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh, Hải Phòng, Đà Nẵng, Điện Biên, Phú Thọ, Thanh Hóa, Nghệ An, Quảng Bình, Bình Định, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Bến Tre và Cà Mau.
Yên Thúy