Tăng giá điện 8,36%, tác động thế nào đến đời sống, sản xuất?

Nhiều người dân lo ngại, không chỉ giá điện mà cả giá xăng tăng sẽ tạo cộng hưởng khiến giá hàng hóa “té nước theo mưa”.

Tăng giá điện 8,36%, tác động thế nào đến đời sống, sản xuất?
Keyword đầu tiên có dấu

Các chuyên gia cho rằng, nên có đơn vị độc lập đánh giá, xem xét khả năng bù đắp chi phí và lỗ lãi của ngành điện

Chưa đánh giá tác động đến đời sống người dân

Nếu tăng thêm 8,36%, giá bán lẻ điện sẽ tăng thêm 143,79 đồng/kWh lên 1.864,44 đồng/kWh. Nhiều người dân lo ngại, không chỉ giá điện mà cả giá xăng tăng sẽ tạo cộng hưởng khiến giá hàng hóa “té nước theo mưa”.

Chị Nguyễn Thanh Hoa (trú tại Cầu Giấy, Hà Nội) cho biết, tháng 2 (tính từ 15/2-7/3) gia đình chị (4 người) tiêu thụ hết 322 số điện, phải thanh toán 756.094 đồng. Đây là tháng gia đình chị dùng rất tiết kiệm khi chỉ sử dụng các thiết bị cơ bản như tivi, nồi cơm điện, đèn chiếu sáng, bình nóng lạnh… Nếu giá điện tăng từ cuối tháng 3 thêm 8,36% theo đề xuất của Bộ Công thương, mỗi tháng gia đình sẽ chi trả thêm ít nhất 60 nghìn đồng nữa. Và khi vào hè, phải dùng điều hoà thường xuyên, số tiền điện tăng thêm theo cách tính mới có thể lên 100-150 nghìn đồng/ tháng.

Ông Nguyễn Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Điều tiết điện lực (Bộ Công thương) cho biết, khi đề xuất phương án tăng giá điện, Bộ Công thương đã phối hợp với Tổng cục Thống kê đánh giá tác động của các phương án điều chỉnh đến CPI, GDP và PPI (chỉ số giá sản xuất). Cụ thể, các phương án điều chỉnh giá điện làm tăng CPI từ 0,26% - 0,31%, tăng PPI từ 0,15% - 0,19% và làm giảm GDP từ 0,22% - 0,25%. Tuy nhiên, Bộ Công thương vẫn chưa đưa ra đánh giá tác động đối với các hộ tiêu dùng điện lớn và đời sống người dân. Trước đó, đợt điều chỉnh giá điện gần nhất ngày 30/11/2017 (giá điện tăng 6,08%) tác động tới nhóm khách hàng kinh doanh dịch vụ 5-7%, khách hàng sản xuất 1,6-6% hay với nhóm khách hộ gia đình sinh hoạt tăng 3.200 - 34.800 đồng/tháng tùy lượng điện tiêu thụ.

Có một điểm đáng lưu ý, đợt điều chỉnh giá điện lần này với tỷ lệ cao hơn, cùng với giá xăng dầu vừa được điều chỉnh khá mạnh nên chắc chắn mức độ tác động sẽ lớn hơn so với hồi cuối năm 2017. Chính vì thế, anh Lương Xuân Trịnh (quận Hai Bà Trưng, Hà Nội) lo ngại, tiền điện tăng, giá xăng tăng sẽ khiến giá hàng hóa khác tăng theo. “Nên nếu tính tác động tới đời sống thì phải tính cả trực tiếp, gián tiếp và Nhà nước phải có chính sách kìm giá hàng hóa”, anh Trịnh đề xuất.

Về nguyên lý thị trường, nếu càng tiêu dùng nhiều thì giá sẽ giảm. Nhưng điều này chỉ nên áp dụng đối với những nhóm hàng khuyến khích tiêu dùng. Còn với những mặt hàng không khuyến khích tiêu thụ nhưng gây tác động nhiều tới môi trường thì lại phải có chính sách hạn chế. Ở nước ta, sản xuất điện chủ yếu vẫn dựa vào thủy điện và nhiệt điện. Tuy nhiên, điện là ngành đầu vào của cả nền kinh tế. Do đó, một số chuyên gia cho rằng, không khuyến khích hoặc phải tính với mức giá cao hơn đối với những hộ tiêu dùng điện nhiều như luyện thép hay xi măng bởi bản thân những ngành này đã tác động tiêu cực trực tiếp đến môi trường, khi sử dụng quá nhiều điện lại thêm một tầng tác động gián tiếp nữa tới môi trường.

Giá điện chỉ tăng, không giảm?

Mỗi năm, sau mỗi lần báo cáo kinh doanh của EVN được kiểm toán, người dân lại lo lắng về việc tăng giá điện. Bởi việc công bố kết quả kinh doanh (điện) lỗ được dư luận cho là một bước “dọn đường” để EVN đề xuất tăng giá điện.

Theo chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh, chi phí đầu vào sản xuất tăng lên thì đương nhiên giá bán cũng phải tăng theo bởi không có ngân sách nào mang ra bù lỗ cho việc này. Thêm nữa, muốn kêu gọi đầu tư vào ngành điện thì phải nâng giá bán lẻ mới hấp dẫn các nguồn vốn.

Trước khi thông tin tăng giá điện được đưa ra, Bộ Công thương đã công bố báo cáo kết quả kinh doanh của EVN đã được kiểm toán, kiểm tra liên ngành xem xét. Tuy nhiên, chuyên gia Ngô Trí Long vẫn cho rằng, cần có đơn vị độc lập đánh giá, xem xét tới cả khả năng bù đắp chi phí và lỗ lãi.

Cuối năm 2017, lãnh đạo Cục Điều tiết điện lực cho biết, cho tới năm 2020 sẽ còn phải tăng giá điện bởi ngành kinh doanh chính luôn lỗ cũng như “quả bom” chênh lệch tỷ giá “treo” lơ lửng hàng năm. Khoản chênh lệch tỷ giá xuất phát do hầu hết nhà máy điện được xây dựng bằng vốn vay ngoại tệ. Ngoại tệ trong mấy năm qua đều theo chiều tăng giá nên hàng năm khoản vay này đều đặn tạo ra một khoản phải hạch toán là chênh lệch tỷ giá. Năm nào tỷ giá tăng cao, đồng nghĩa với việc khoản chênh lệch này sẽ tăng theo. Và tỷ giá những năm này chắc chắn sẽ không giảm bởi lộ trình tăng lãi suất của đồng USD. Chính vì vậy, đơn cử như năm 2016, khoản chênh lệch tỷ giá lên tới 9.000 tỷ đồng. Khi đưa ra phương án tăng giá điện cuối năm 2017, Bộ Công thương cũng đã “đánh tiếng” khoản chênh lệch này sẽ dần được phân bổ vào giá thành các năm cho tới năm 2020. Riêng năm 2018 không tăng giá điện nên việc phân bổ các khoản chênh lệch tỷ giá của 2016 còn lại, cộng với khoản chênh lệch của năm 2017 (mới được công bố), năm 2018 (chưa có báo cáo tài chính kiểm toán) sẽ vẫn còn “treo” lơ lửng để chờ phân bổ.

Ông Hồ Nghĩa Dũng, Chủ tịch Hiệp hội Thép Việt Nam:
Tính toán mức tăng để thị trường có thể chấp nhận được

Keyword đầu tiên có dấu
Ông Hồ Nghĩa Dũng

Tăng giá điện là hoạt động cần thiết nhằm bảo đảm lợi ích quốc gia khi giá điện trong nước đang thấp hơn so với khu vực và thế giới. Các doanh nghiệp trong lĩnh vực sản xuất lâu nay sử dụng nhiều điện cũng phải chia sẻ chứ không thể cứ kiếm lời mãi trên nền giá năng lượng rẻ. Tuy nhiên, trong bối cảnh xu hướng các nguyên liệu đầu vào ngành thép đều có dấu hiệu tăng giá giờ lại thêm giá điện tăng chắc chắn các doanh nghiệp nội địa sẽ phải đương đầu với tình cảnh khó khăn, thắt lưng buộc bụng, tiết kiệm chi phí tối đa mới có thể thích nghi và sống được. Đáng nói, giá thép nhập khẩu từ các nước, đặc biệt thép Trung Quốc vào nước ta đang hết sức cạnh tranh, nhiều loại còn rẻ hơn thép sản xuất trong nước. Do đó, tăng giá điện ảnh hưởng tới giá thành thép buộc các nhà sản xuất phải tăng giá bán. Song cũng phải tính toán thận trọng mức tăng sao cho thị trường có thể chấp nhận được.

Chuyên gia kinh tế Ngô Trí Long:
Phải có cơ quan độc lập đánh giá chi phí ngành điện

Keyword đầu tiên có dấu
Ông Ngô Trí Long

Điện là lĩnh vực độc quyền. Nếu đã độc quyền thì Nhà nước kiểm soát, quản lý bằng cách định giá. Trong bối cảnh hiện nay, yếu tố đầu vào của ngành điện cơ bản đã tăng và đáng lý giá điện tăng cuối 2018 nhưng do kiểm soát lạm phát nên đã hoãn lại. Nay với lý lẽ giá thành sản xuất cao hơn giá bán, nếu không điều chỉnh thì chắc chắn ảnh hưởng tới hoạt động của ngành điện. Mà ngành điện cung cấp năng lượng đầu vào quan trọng của kinh tế nên khi xem xét tăng thì phải hết sức thận trọng, khách quan, phải có cơ quan độc lập kiểm tra, đánh giá chi phí, giá thành bao nhiêu để trên cơ sở đó xem yếu tố bù đắp chi phí hợp lý, lỗ lãi như thế nào.

Còn với câu chuyện mở cửa thị trường, tạo thị trường cạnh tranh thì hiện có ba khâu: Phát điện, truyền tải và phân phối. Trong ba khâu đó, Nhà nước đã từng bước thực hiện thị trường phát điện cạnh tranh. Nhưng vấn đề bất cập ở đây là bên bán có nhiều đơn vị nhưng bên mua chỉ có một mình EVN. Khi chỉ có một người mua thì sẽ tạo độc quyền nhóm, gây bất lợi cho người bán và không khuyến khích sản xuất. Nên cần phải tạo điều kiện để có nhiều đơn vị tham gia mua điện. Thứ hai là truyền tải điện, không có nước nào đưa cạnh tranh được mà phải độc quyền và cũng không tư nhân nào đủ năng lực thực hiện khâu truyền tải. Còn khâu phân phối, hiện ngành điện cũng đang tiến hành thực hiện thị trường bán buôn cạnh tranh và chính thức vận hành từ năm 2019.

Trong ba khâu đó, hai khâu đang tiến tới thị trường cạnh tranh theo cách tương đối đầy đủ và tiến tới thực hiện cả thị trường bán lẻ điện cạnh tranh, khi đó mới đảm bảo lợi ích người tiêu dùng, nhà sản xuất mới cố gắng nâng cao năng lực, nâng cao chất lượng.

Ông Nguyễn Quang Cung, Chủ tịch Hiệp hội Xi măng:
Thị trường cùng điều chỉnh

Keyword đầu tiên có dấu
Ông Nguyễn Quang Cung

Thực chất các DN trong ngành xi măng cũng đã có sự chuẩn bị từ trước khi biết giá điện trong năm nay chắc chắn sẽ tăng lên. Theo tính toán, giá điện tăng với mức 8,3% thì giá thành sản xuất 1 tấn xi măng sẽ tăng khoảng 14-15 nghìn đồng/tấn. Giá thành tăng thì chắc chắn các DN xi măng sẽ đồng loạt tăng giá bán. Một khi thị trường cùng điều chỉnh thì hoạt động sản xuất tại các DN cũng không đáng lo ngại.

Theo baogiaothong

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ