Tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai

GD&TĐ - Những năm gần đây, tình hình thiên tai ở nước ta diễn biến ngày càng phức tạp, bất thường.

Các vùng, miền trong cả nước đã phải hứng chịu hầu hết các loại hình thiên tai (trừ sóng thần), gây tổn thất nặng nề về người và tài sản,ảnh hưởng lớn đến môi trường, đời sống, sản xuất của nhân dân và sự phát triển bền vững của đất nước. 

Công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai và những nhiệm vụ trọng tâm

Trước những thách thức từ biến đổi khí hậu và thiên tai, Đảng và Nhà nước ta đã có nhiều chủ trương lãnh đạo và tập trung chỉ đạo nhiều giải pháp đồng bộ, quyết liệt phòng ngừa, ứng phó; khắc phục hậu quả thiên tai, đạt được nhiều kết quả quan trọng. Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật từng bước được hoàn thiện; tổ chức bộ máy bước đầu được kiện toàn; chất lượng công tác dự báo, cảnh báo thiên tai được cải thiện; vai trò của Mặt trận Tổ quốc, đoàn thể nhân dân và các tầng lớp nhân dân ngày càng được phát huy, góp phần giảm thiểu thiệt hại, từng bước xây dựng xã hội an toàn trước thiên tai. Ngày 24/3/2020, thay mặt Ban Bí thư, đồng chí Trần Quốc Vượng, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư đã ký ban hành Chỉ thị số 42-CT/TW về tăng cường sự lãnh đạo của Đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai.

Những năm gần đây, tình hình thiên tai nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.
Những năm gần đây, tình hình thiên tai nước ta ngày càng diễn biến phức tạp, bất thường.

Theo đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội, các tổ chức quần chúng quán triệt và thực hiện nghiêm túc, có hiệu quả một số nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm .

Trước hết, cần tăng cường sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng đối với công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Các cấp ủy, tổ chức đảng cần xác định công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai là nhiệm vụ quan trọng, cấp bách, thường xuyên của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội; quán triệt sâu sắc quan điểm chủ động phòng ngừa là chính, kết hợp với các biện pháp thích ứng phù hợp, tôn trọng quy luật tự nhiên, thay đổi tư duy phát triển, bảo đảm phát triển bền vững.

Các cấp ủy, tổ chức đảng cần tập trung lãnh đạo, chỉ đạo phân công, phân cấp, xác định rõ trách nhiệm, đặc biệt là người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai theo phương châm “4 tại chỗ” gắn với xây dựng cộng đồng an toàn; chú trọng lãnh đạo, chỉ đạo công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất cả về nhận thức và hành động trước tình hình, tác động tiêu cực ngày càng phức tạp của thiên tai.

Đối với việc hoàn thiện hệ thống pháp luật, cơ chế, chính sách về phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền sửa đổi hệ thống pháp luật theo hướng khắc phục các chồng chéo, xung đột, bổ sung các quy định mới, tạo môi trường pháp lý đầy đủ, khả thi; hoàn thiện cơ chế để tăng cường hiệu lực, hiệu quả trong công tác chỉ đạo, chỉ huy; có chính sách đặc thù cho lực lượng làm công tác này.

Bên cạnh đó, Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương tổ chức nghiên cứu, quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị tới cán bộ, đảng viên và mọi tầng lớp nhân dân; xây dựng chương trình, kế hoạch thực hiện Chỉ thị. Tổ chức kiểm tra, giám sát, khen thưởng, biểu dương đối với những tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc; kiểm điểm, xem xét trách nhiệm đối với cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên để xảy ra thiệt hại nặng nề về người và tài sản trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai...

Công tác phòng ngừa, khắc phục hậu quả thiên tai cần phù hợp từng địa phương

Ban Bí thư yêu cầu các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội huy động và sử dụng hiệu quả nguồn lực cho phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Cụ thể, đối với khu vực miền núi phía Bắc và Bắc Trung Bộ, cần đảm bảo an toàn nơi ở cho đồng bào; tăng cường quản lý, kiểm soát, không để người dân làm nhà lấn chiếm lòng sông, suối, khu vực rủi ro thiên tai, giảm nguy cơ xảy ra sạt lở đất, lũ quét. Đối với vùng đồng bằng Bắc Bộ và Bắc Trung Bộ, cần bảo đảm an toàn đê điều, hồ chứa. Đối với vùng duyên hải miền Bắc, miền Trung, cần nâng cao năng lực ứng phó lũ lớn, bão mạnh và siêu bão, sạt lở bờ biển. Đối với vùng Tây Nguyên, bảo đảm nguồn nước phục vụ sản xuất, sinh hoạt. Đối với vùng Nam Bộ, cần chủ động ứng phó, thích ứng với lũ lớn, hạn hán, xâm nhập mặn, sạt lở bờ sông, bờ biển, sụt lún đất…

Do tình hình tại mỗi địa phương là đặc thù và riêng biệt, để phát huy những thuận lợi và khắc phục những hạn chế còn tồn tại, Ban Bí thư đã yêu cầu công tác triển khai thực hiện chỉ thị 42 được triển khai cho phù hợp với tình hình thực tế tại mỗi địa phương.

Ngay sau khi Chỉ thị 42 được ban hành, các tỉnh phía Bắc đã khẩn trương ban hành kế hoạch thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư. Trong đó, bám sát địa bàn, cụ thể hóa các nhiệm vụ cho ban chỉ huy phòng chống thiên tai các cấp theo phương châm “4 tại chỗ”. Nhiều  địa phương đặc thù đã có được những cách làm phù hợp, hiệu quả sâu rộng. Ví dụ như tỉnh Lạng Sơn, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Lạng Sơn đã ban hành Kế hoạch số 137-KH/TU  về thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư Trung ương Đảng.

Các cấp, ngành trên địa bàn tỉnh Lạng Sơn đã tăng cường tuyên truyền công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai trong các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội và các tầng lớp Nhân dân theo tinh thần Chỉ thị số 42-CT/TW.  Lạng Sơn đã ứng dụng mạng xã hội Zalo, Facebook để truyền tải các thông tin về phòng, chống, khắc phục hậu quả thiên tai; phổ biến, hướng dẫn cán bộ, công chức, viên chức của các sở, ban, ngành, các địa phương về ứng dụng “PCTT” trên điện thoại thông minh; phổ biến Trang Facebook “Thông tin phòng, chống thiên tai” của Ban Chỉ đạo Quốc gia về phòng chống thiên tai; lập Trang Facebook “Thông tin phòng chống thiên tai tỉnh Lạng Sơn”...

Lạng Sơn cũng tập trung công tác tập huấn kiến thức, kỹ năng và từng bước trang bị công cụ, phương tiện cần thiết để đảm bảo hiệu quả, an toàn cho lực lượng xung kích phòng chống thiên tai cấp xã khi thực hiện nhiệm vụ. Đồng thời bố trí ngân sách địa phương, các nguồn lực hợp pháp khác phục vụ công tác đào tạo, tập huấn và đảm bảo chế độ chính sách cho lực lượng xung kích khi thực hiện nhiệm vụ.

Ngay sau khi Chỉ thị 42 được ban hành, tỉnh Tiền Giang cũng đã ban hành Kế hoạch số 116-KH/TU của Tỉnh ủy về việc thực hiện Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư. Trong đó yêu cầu quán triệt, tuyên truyền sâu rộng nội dung Chỉ thị số 42-CT/TW của Ban Bí thư đến tận cơ sở; Thực hiện có hiệu quả Phương châm "4 tại chỗ" và nguyên tắc "3 sẵn sàng"; Triển khai công tác tuyên truyền, giáo dục về chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước liên quan đến phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, tạo sự thống nhất trong các cấp chính quyền và toàn xã hội về nhận thức và hành động trước tình hình tác động tiêu cực của thiên tai…

Theo đó, truyền hình Tiền Giang đã thường xuyên cập nhật tình hình, thông tin, ưu tiên dung lượng, thời lượng tuyên truyền về công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Ngoài ra, cơ quan, đơn vị địa phương tuyên truyền qua các ấn phẩm tuyên truyền (tờ rơi, sổ tay, bản tin thông báo nội bộ, bản tin thông tin thời sự, tài liệu tuyên truyền, tài liệu hỏi - đáp, video, clip, thơ ca, hò vè, các tác phẩm văn hóa, nghệ thuật,...).

Tại Lai Châu, qua công tác tuyên truyền, tạo sự chuyển biến mạnh mẽ về nhận thức, ý thức, trách nhiệm của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và lao động và xã hội trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Mỗi cán bộ, đảng viên phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu trong công tác phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, sạt lở bờ sông, bờ suối và giảm thiểu thiệt hại do thiên tai gây ra; có trách nhiệm tuyên truyền, vận động gia đình, người thân và nhân dân nơi cư trú thực hiện tốt các biện pháp phòng chốngthiên tai trên địa bàn tỉnh.

----

Đây là bài viết truyền thông về phòng, chống thiên tai – Chủ động thích ứng với biến đổi khí hậu từ cộng đồng của Bộ Thông tin và Truyền thông năm 2021

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ