Tăng cường phối hợp nhằm đảm bảo chất lượng GD tiểu học

Tăng cường phối hợp nhằm đảm bảo chất lượng GD tiểu học

(GD&TĐ)- Hôm nay (13/4), tại Hà Nội, Bộ GD&ĐT đã tổ chức Hội nghị kiểm điểm 2 năm thực hiện Chương trình đảm bảo chất lượng giáo dục trường học (Chương trình SEQAP). Đến dự hội nghị có đại diện các nhà tài trợ quốc tế, đại diện các Bộ, ban ngành liên quan cùng lãnh đạo UBND, lãnh đạo sở Tài chính, sở GD&ĐT của 36 tỉnh tham gia SEQAP. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Vinh Hiển chủ trì hội nghị.

cxcxcx
Hội nghị kiểm điểm 2 năm thực hiện Chương trình SEQAP. Ảnh: gdtd.vn

SEQAP là một chương trình do Ngân hàng thế giới, DFID và Vương quốc Bỉ tài trợ theo mô hình hỗ trợ ngân sách có mục tiêu. Với tổng nguồn vốn đầu tư khoảng 186 triệu USD, thực hiện trong 6 năm kể từ 03/2010 đến 12/2015, Chương trình nhằm cải thiện chất lượng giáo dục tiểu học ở Việt Nam; góp phần nâng cao kết quả học tập của học sinh, tạo cơ hội học tập bình đẳng trong các nhóm đối tượng có điều kiện kinh tế - xã hội khác nhau; tăng tỷ lệ hoàn thành cấp học; hỗ trợ các trường tiểu học chuyển sang dạy – học cả ngày (FDS).

Kết quả dự kiến, chương trình sẽ xây thêm khoảng 4.650 phòng học (quy đổi) cho các trường (gồm: bổ sung 2,800 phòng học mới, 2,400 VS và 500 phòng đa năng); Phụ cấp thường xuyên cho 2,500 GV do dạy thêm giờ; cấp kinh phí cho các Quỹ hỗ trợ nhà trường và HS; Chuyển từ dạy học nửa ngày sang FDS cho (ít nhất) 1.600 trường tiểu học với khoảng 450.000 HS; Xây dựng năng lực QLCT và quy trình thực hiện cho các CBQLGD ở cấp tỉnh và huyện ở 36 tỉnh và 268  huyện tham gia.

Đánh giá hiệu quả chương trình, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển cho biết, hiện đã có 845 trường tiểu học với khoảng 315 nghìn học sinh của 268 huyện của 36 tỉnh tham gia SEQAP đã chuyển từ học nửa ngày sang học cả ngày, trong đó có 254 trường tiểu học thuộc các xã có điều kiện khó khăn.

Bên cạnh đó, đã có khoảng 50.000 giáo viên tiểu học được bồi dưỡng nâng cao năng lực giảng dạy và 3.100 cán bộ quản lý trường học được bồi dưỡng nâng cao năng lực quản lý.

UBND các tỉnh tham gia SEQAP đã chỉ đạo cơ quan chức năng triển khai kịp thời những hoạt động trong khuôn khổ chương trình. Tất cả các tỉnh đã bổ nhiệm cán bộ kiêm nhiệm tại các Sở GD&ĐT và thành lập các Ban quản lý SEQAP huyện...

Tuy nhiên, bên cạnh những thành tựu ban đầu, trong thực tế, quá trình triển khai thực hiện SEQAP còn nhiều tồn tại, như việc phối hợp thực hiện giữa các cơ quan quản lý nhà nước ở cấp trung ương và địa phương còn thiếu đồng bộ. Nhiều địa phương thực hiện việc giao vốn cho các đơn vị thụ hưởng rất muộn dẫn tới một số hoạt động triển khai và tiến độ giải ngân của Chương trình chậm so với kế hoạch đề ra.

Cụ thể, cho tới nay vẫn còn có  10 tỉnh chưa giao vốn năm 2012 cho các đơn vị thụ hưởng nhưYên Bái, Hòa Bình, Thanh Hóa, Ninh Thuận, Đăk Nông, Gia Lai, Lâm Đồng, Bình Phước, Bạc Liêu, Cà Mau

Tại hội nghị, nhiều đại biểu đã đưa ra những vướng mắc trong quá trình thực hiện SEQAP như  thủ tục đấu thầu xây dựng cơ bản theo quy định của Ngân hàng Thế giới yêu cầu phức tạp; vướng cơ chế, thủ tục trong việc chi phí mua sắm, trong hợp đồng xây dựng, trong công tác thanh, quyết toán; khó khăn trong triển khai dạy học cả ngày ở các trường tiểu học...

Đề cập đến vấn đề triển khai dạy học cả ngày ở tiểu học, đại diện tỉnh Đăk Nông cho hay, các trường tham gia SEQAP là những trường đông học sinh và nằm trong diện các trường khó khăn của tỉnh, trong khi đó tỉ lệ học sinh được hỗ trợ ăn trưa thấp, tỉ lệ học sinh nghèo và học sinh dân tộc thiểu số đông; số tiền Chương trình hỗ trợ cũng chưa đáp ứng được nhu cầu thực tiễn của địa phương. Ngoài ra, việc mua sắm các vật dụng như: màn, chiếu, gối… cho các em lại không có trong mục chi hỗ trợ của Chương trình, không có hướng dẫn chi từ nguồn nào, trong khi công tác xã hội hóa không thực hiện được vì gia đình các em quá nghèo.

Bà Emanuela di Gropello Đại diện Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam cũng cho rằng: Chương trình đã đạt được những tích cực lạc quan, có sự cam kết mạnh mẽ từ phía GV, địa phương và cha mẹ HS. Sau 2 năm thực hiện, vai trò của các bên tham gia có trách nhiệm hơn, có sự hiểu biết rõ hơn giữa các nhà trường, có những thông tin chính xác hơn về nguồn lực, cơ sở vật chất tại các trường. Các hoạt động nâng cao năng lực được diễn ra thường xuyên hơn và đã cải thiện cho việc thực hiện nâng cao chất lượng dạy và học. Tuy nhiên chương trình vẫn còn những hạn chế như: việc phân bổ nguồn vốn, phân bổ tài chính từ tỉnh xuống đến huyện và các nhà trường còn chậm. Vì vậy ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện tại các trường. Sự tham gia của cha mẹ HS vào chương trình dạy học cả ngày của con cái còn nhiều hạn chế…

Để đạt được mục tiêu đề ra, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển đề nghị các tỉnh tham gia SEQAP cần tập trung chỉ đạo các đơn vị thụ hưởng và các cơ quan quản lý nhà nước tại địa phương quan tâm, tăng cường phối hợp trong việc triển khai thực hiện, bố trí đủ vốn và kịp thời. Ban Quản lý SEQAP Trung ương cần phát huy hơn nữa tính chủ động trong công tác điều phối hướng dẫn các địa phương và các đơn vị thụ hưởng thực hiện các hoạt động theo kế hoạch, tuân thủ đúng các quy định hiện hành.

Thứ trưởng lưu ý, ngoài nguồn kinh phí hỗ trợ, chúng ta phải huy động thêm các nguồn vốn hỗ trợ khác để chương trình đạt hiệu quả cao. Chú ý lồng ghép các nguồn lực để góp phần cùng SEQAP làm tốt chương trình dạy học 2 buổi/ngày. Song song với đó chúng ta có thể vận dụng mô hình trường học mới vào trong quá trình thực hiện chương trình SEQAP. Công tác bồi dưỡng cán bộ quản lý và GV cần phải được làm tích cực và thường xuyên hơn.

Châu Anh - Đan Thảo

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ