(GD&TĐ)-Ngày 29/6, Tổng cục Dạy nghề Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội đã tổ chức hội nghị sơ kết 3 năm thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề (2008 - 2011).
Kiểm định chất lượng giúp cải thiện rõ rệt chất lượng dạy nghề (ảnh MH) |
Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dạy nghề Nghiêm Trọng Quý cho biết, sau ba năm thí điểm kiểm định chất lượng dạy nghề, Tổng cục đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung đầu tư cho các đơn vị đạt chất lượng kiểm định tốt.
Theo đó, trong số 76 cơ sở dạy nghề được lựa chọn thí điểm kiểm định chất lượng, có 53 cơ sở dạy nghề (chiếm 69,8%) đạt cấp độ 3; 15 cơ sở (chiếm 19,7%) đạt cấp độ 2 và 8 cơ sở (chiếm10,5%) đạt cấp độ 1.
Nội dung kiểm định là một trong những tiêu chí để xem xét, lựa chọn cơ sở dạy nghề được đầu tư tập trung từ chương trình mục tiêu quốc gia, dự án ODA.
Ngoài ra, theo Luật Dạy nghề, các cơ sở dạy nghề được công nhận đạt tiêu chuẩn kiểm định chất lượng dạy nghề sẽ được tham gia đấu thầu thực hiện chỉ tiêu dạy nghề theo đơn đặt hàng của Nhà nước.
Để hoạt động kiểm định ngày càng phát huy hiệu quả, cần thiết có hỗ trợ các cơ sở dạy nghề nâng cao chất lượng, các kiểm định viên đã đề xuất nhiều giải pháp cụ thể.
Trong quá trình kiểm định cho thấy, bộ tiêu chí tiêu chuẩn kiểm định hiện nay còn nhiều bất cập, cần chỉnh sửa cho phù hợp với thực tiễn.
Một số chỉ số trong bộ tiêu chí thiếu tính linh hoạt gây khó khăn cho cơ sở dạy nghề và kiểm định viên, chẳng hạn như diện tích về thư viện, ký túc xá. Có những trường đào tạo hàng nghìn học sinh nhưng nhu cầu ở ký túc xá rất ít vẫn buộc phải xây dựng để đáp ứng tiêu chí đảm bảo chỗ ở cho 50% học sinh, sinh viên. Diện tích thư viện cũng không phải vấn đề cốt yếu mà quan trọng là chất lượng thư viện, việc tạo điều kiện thuận lợi cho sinh viên.
Tổng cục Dạy nghề đặt mục tiêu năm 2015 sẽ có 60% trường cao đẳng, trường trung cấp nghề, 30% trung tâm dạy nghề, 50% chương trình dạy nghề được kiểm định chất lượng.
Thanh Xuân