(GD&TĐ) - Kiểm tra công tác tổ chức thi tại một số điểm thi ở khu vực Hà Nội, Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga - Trưởng Ban chỉ đạo tuyển sinh ĐH, CĐ 2013 - khẳng định: Đến nay công tác chuẩn bị thi tuyển sinh đã hoàn tất, đảm bảo các điều kiện và sẵn sàng cho công tác tổ chức thi.
Thứ trưởng Bùi Văn Ga kiểm tra công tác chuẩn bị thi của các Hội đồng |
Các Hội đồng thi đã sẵn sàng
Trước những thắc mắc từ các Hội đồng trong việc tổ chức thi nhờ, Thứ trưởng Ga cho biết: Tới đây, tại Hội nghị tổng kết công tác tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013, các trường sẽ cùng Bộ GD&ĐT bàn thảo để tìm cách điều chỉnh hợp lý. |
Trực tiếp thị sát tại 2 điểm thi của Đại học Công đoàn và Đại học Thủy Lợi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga đã kiểm tra từng thùng đựng giấy thi, túi đựng giấy thi, hỏi các cán bộ làm công tác tổ chức thi các kỹ năng cần thiết cho từng buổi thi, đồng thời kiểm tra việc làm thủ tục đăng ký thi của thí sinh ở 2 điểm thi. Thứ trưởng đã động viên cán bộ coi thi và chia sẻ với các thí sinh.
Tại hội đồng thi Đại học Công đoàn, TS. Phạm Gia Thảo - Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Công Đoàn - cho biết: Năm nay, trường có 27.000 thí sinh đăng ký dự thi, đông hơn năm trước, trường phải thuê thêm địa điểm thi, tăng cán bộ coi thi và phải huy động thêm sinh viên coi thi mới đủ.
Trong số 27.000 thí sinh dự thi thì có tới gần 6.000 thí sinh dự thi nhờ nên rất vất vả. Ông Thảo kiến nghị Bộ GD&ĐT có giải pháp nào để tháo gỡ hoặc giúp các trường việc này.
Còn tại Trường Đại học Thủy Lợi, Hiệu trưởng - Chủ tịch Hội đồng coi thi Nguyễn Quang Kim - cho biết: Số lượng thí sinh đăng ký dự thi vào trường năm nay ở trường là 9.595, giảm hơn so với năm trước. Để đảm bảo nghiêm túc và giữ nghiêm kỷ luật phòng thi, nhà trường yêu cầu cán bộ coi thi làm theo đúng quy chế tuyển sinh.
Ghi nhận chung ở cả 2 Hội đồng thi Đại học Công đoàn và Đại học Thủy lợi, các công việc liên quan đến thi đều đã sẵn sàng, giám thị được tập huấn kỹ nhằm tránh tuyệt đối những sai sót.
Theo thống kê của Bộ GD&ĐT, sáng nay (3/7), có khoảng 838.000 thí sinh đăng ký dự thi đại học khối A, A1. Năm nay thí sinh đến làm thủ tục ngày đầu tiên rất đông, có nhiều phòng thi tỷ lệ trên 90% thí sinh có mặt. Điều này cho thấy các em rất quan tâm đến Quy chế của kỳ thi tuyển sinh để tránh việc vi phạm.
Thí sinh đăng ký thi tại điểm thi Đại học Công đoàn |
Giám sát xã hội và trách nhiệm của giám thị
Tại 2 Hội đồng thi trên, các giám thị đều thể hiện băn khoăn, lo lắng về quy định mang thiết bị ghi âm, ghi hình vào phòng thi.
Như ở Đại học Công đoàn, để giúp giám thị hiểu rõ hơn về các thiết bị này, nhà trường đã mời cán bộ an ninh của PA83 đến tư vấn và tập huấn cho cán bộ coi thi về những tình huống nếu thí sinh sử dụng các thiết bị ghi âm, ghi hình không đúng với quy chế cho phép.
Còn Hội đồng thi Đại học Thủy lợi lại cho in hẳn một cuốn cẩm nang hướng dẫn giám thị những điều cần thiết, bên cạnh đó cũng huấn cho giám thị về việc thực hiện đầy đủ các kỹ năng làm thi theo đúng hướng dẫn.
Đối phó với việc sử dụng công nghệ ghi âm, ghi hình khi thi. Hội đồng này cũng nhắc giám thị phổ biến thường xuyên cho thí sinh là nhiệm vụ của các em đến là để đi thi, làm bài cho tốt, tránh tuyệt đối vi phạm quy chế để bị xử lý.
Về thắc mắc của các Hội đồng thi, chủ yếu là việc làm thế nào để phát hiện, ngăn chặn thí sinh sử dụng các thiết bị điện tử không được phép trong phòng thi. Thứ trưởng Bùi Văn Ga cho biết: “Kỳ thi tuyển sinh ĐH, CĐ về tính chất khác nhiều so với kỳ thi tốt nghiệp THPT, thí sinh dự thi là để làm bài, các cán bộ coi thi không nên quá lo lắng. Nếu yêu cầu Bộ GD&ĐT liệt kê hết các thiết bị công nghệ hiện đại là rất khó.
Có hội đồng thi yêu cầu nếu thí sinh mang thiết bị ghi âm ghi hình vào phòng thi phải kèm theo bản hướng dẫn sử dụng đi kèm, đây là điều không cần thiết, chỉ thêm căng thẳng cho cả thí sinh và người coi thi”.
Nhấn mạnh vai trò giám sát xã hội, minh bạch trường thi là cần thiết trong mỗi kỳ thi, Thứ trưởng Bùi Văn Ga khẳng định: “Công tác coi thi con người là quan trọng nhất, nếu một thí sinh nào đó sử dụng thiết bị công nghệ cao để quay cóp (như đồng hồ) thì giám thị sẽ dễ dàng phát hiện vì nếu thí sinh đó làm bài nhưng sẽ chăm chăm nhìn vào đồng hồ.
Chính vì vậy, trách nhiệm của người coi thi sẽ nhiều hơn vì phải quan sát, phát hiện những thí sinh có những hành động không bình thường ở trong phòng thi. Thế nên, việc tập huấn giám thị của các Hội đồng thi là rất quan trọng. Bởi có quy chế, nhưng nếu giám thị mà không thực hiện tròn trách nhiệm của mình thì sai sót là điều khó tránh khỏi".
Theo Thứ trưởng Bùi Văn Ga, năm nay là năm thứ hai thực hiện Quy chế tuyển sinh cho phép thí sinh mang thiết bị ghi âm, ghi hình, không có chức năng phát âm, phát hình tại chỗ cũng như không có truyền thông tin ra ngoài. Quy chế này nhằm tăng tính minh bạch của kỳ thi và làm tăng trách nhiệm, vai trò của giám thị. Hiện cán bộ coi thi đã có nhiều kinh nghiệm hơn trong việc phát hiện, xử lý sai phạm.
Bộ GD&ĐT chủ trương ra đề thi có tính phân loại cao, thí sinh có lực học trung bình cũng có thể làm được bài. Nội dung đề thi sẽ có những câu dễ, câu khó và rất khó để dành cho học sinh xuất sắc. Vì vậy, khi làm bài, các em phải xem lướt đề thi, chọn câu dễ làm trước, sau đó nếu còn thời gian thì quay lại làm câu khó. Tránh đương đầu ngay với những câu khó. Chúc các em thành công! Thứ trưởng Bùi Văn Ga |
Bạch Ngọc Dư