Tăng cường giám sát bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp

GD&TĐ - Cử tri tỉnh Ninh Thuận cho rằng: Việc đào tạo, cấp chứng chỉ bồi dưỡng nghề nghiệp giáo viên đang diễn ra phức tạp. Các chương trình đào tạo, thời gian đào tạo không thống nhất, có trường hợp đào tạo, bồi dưỡng chỉ với thời gian rất ngắn nhưng được cấp chứng chỉ. Cử tri đề nghị Bộ GD&ĐT tăng cường công tác quản lý đối với việc đào tạo, cấp chứng chỉ nêu trên.

Ảnh Internet
Ảnh Internet

Về vấn đề này, Bộ GD&ĐT cho biết: Theo quy định tại Luật Viên chức và Nghị định số 29/2012/NĐ-CP của Chính phủ về tuyển dụng, sử dụng và quản lý viên chức, chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn chức danh nghề nghiệp (CDNN) là một trong những điều kiện, tiêu chuẩn để bổ nhiệm, thay đổi chức danh nghề nghiệp của viên chức.

Thực hiện quy định tại Luật Viên chức, Nghị định số 29/2012/NĐ-CP, Bộ GD&ĐT đã ban hành các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập và Thông tư số 13/2017/TT-BGDĐT quy định điều kiện để các cơ sở giáo dục được tổ chức bồi dưỡng và cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập.

Đây là căn cứ để Bộ GD&ĐT thống nhất với các đơn vị giao nhiệm vụ tổ chức bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng đủ điều kiện, đúng yêu cầu của các chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập.

Ngày 1/9/2017, Chính phủ ban hành Nghị định số 101/2017/NĐ-CP về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ, công chức, viên chức (Nghị định 101) và có hiệu lực thi hành từ ngày 21/10/2017.

Tại Khoản 5, Điều 27 Nghị định 101 quy định: “Các bộ, cơ quan ngang bộ, cơ quan thuộc Chính phủ, tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN; chương trình bồi dưỡng theo yêu cầu của vị trí việc làm, kiến thức, kỹ năng chuyên ngành của viên chức cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu có đủ điều kiện theo quy định thuộc thẩm quyền quản lý và gửi danh sách về Bộ Nội vụ để tổng hợp, theo dõi, quản lý”. Mặt khác, Khoản 8, Điều 40 Nghị định số 101 quy định: “Các bộ quản lý viên chức chuyên ngành quy định điều kiện các cơ sở đào tạo, nghiên cứu được tổ chức thực hiện các chương trình bồi dưỡng viên chức chuyên ngành”.

Căn cứ Nghị định 101, Bộ GD&ĐT đã ban hành Công văn số 40/BGDĐT-NGCBQLGD năm 2018 về việc bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Trong đó nhấn mạnh: “UBND các tỉnh thực hiện việc giao nhiệm vụ tổ chức thực hiện chương trình bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức ngành Giáo dục cho các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng, cơ sở đào tạo, nghiên cứu thuộc thẩm quyền quản lý theo đúng các quy định điều kiện của Bộ GD&ĐT”.

Năm 2018, Bộ GD&ĐT đã triển khai Kế hoạch số 131/KH-BGDĐT về việc kiểm tra, đánh giá công tác tổ chức và triển khai thực hiện bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN viên chức giảng dạy trong các cơ sở giáo dục công lập. Trong thời gian tới, Bộ GD&ĐT sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra, giám sát việc tổ chức thực hiện bồi dưỡng, cấp chứng chỉ bồi dưỡng theo tiêu chuẩn CDNN giáo viên, giảng viên trong các cơ sở giáo dục công lập, đồng thời đôn đốc các địa phương, bộ/ngành tăng cường quản lý, kiểm tra, giám sát công tác bồi dưỡng nêu trên theo thẩm quyền được giao. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ