Phát biểu khai mạc Hội thảo, Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển khẳng định: Xuyên suốt lịch sử 70 năm dạy tiếng Nga cho hàng triệu người Việt Nam, đội ngũ GV tiếng Nga trong nước đã không ngừng phấn đấu nâng cao trình độ, đáp ứng yêu cầu của công việc, đưa nền văn hóa Nga kỳ vĩ gần gũi hơn với người Việt Nam.
Tuy nhiên, công vuộc đổi mới căn bản và toàn diện nền GD&ĐT của nước ta hiện đang đặt ra những thách thức lớn cho đội ngũ giáo viên và giảng viên các cơ sở GD trên toàn quốc nói chung và đội ngũ giảng dạy tiếng Nga nói riêng, đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng dạy và học.
Theo Thứ trưởng Nguyễn Vinh Hiển, Hội thảo nhằm tạo diễn đàn để các thầy cô giáo tiếng Nga chia sẻ kinh nghiệm sáng tạo trong quá trình dạy học, đồng thời đưa ra giải pháp nhằm đổi mới phương pháp dạy và học, đổi mới kiểm tra đánh giá, nâng cao chất lượng dạy và học tiếng Nga hiệu quả trên toàn quốc, giai đoạn 2016-2020, đáp ứng hợp tác chiến lược toàn diện giữa hai nhà nước Việt Nam và liên bang Nga, đáp ứng sự nghiệp đổi mới căn bản và toàn diện GD&ĐT của nước ta.
Còn bà Elena Zubsova - Tham tán Đại sứ quán Liên bang Nga tại Việt Nam - chỉ rõ: Đổi mới dạy và học tiếng Nga trong các cơ sở GD&ĐT tại Việt Nam là một đề tài rất cấp thiết. Tôi nghĩ đã đến lúc cần phải đổi mới.
Hiện nay nhiều chương trình, sách giáo khoa, giáo trình tiếng Nga không còn phù hợp với nhu cầu hiện đại, và chất lượng sinh viên tốt nghiệp chưa được tốt lắm.
Thật tiếc, việc các sinh viên tốt nghiệp tại các trường sư phạm, thậm chí cả với tấm bằng loại xuất sắc nhưng lại không thể nói và viết tiếng Nga thành thạo.
Tại Hội thảo, các chuyên gia, đội ngũ giáo viên tập trung nêu bật các vấn đề như: Thực trạng dạy và học tiếng Nga; Cần thiết đưa tiếng Nga trở lại dạy ở cấp THCS, làm tiền đề cho Hs học chuyên tiếng Nga ở cấp THPT; Cần có chính sách thu hút người học, khen thưởng HSG và Gv dạy giỏi; Cần xây dựng khung chương trình tiếng Nga thống nhất toàn quốc; Đề xuất đổi mới dạy và học tiếng Nga; Biên soạn giáo trình tiếng Nga chuyên ngành…
Trước đây tiếng Nga ở Việt Nam được dạy hầu hết ở tất cả các trường THCS, nhưng hiện nay chỉ còn lại ở một số các trường THPT chuyên. Các trường ĐH có dạy tiếng Nga giảm một cách đáng kể, số lượng giờ học dần bị rút ngắn.
Ở khối các trường ĐH, CĐ chuyên ngữ từ năm 2010 đến nay chỉ còn 7 trường trọng điểm đào tạo tiếng Nga chuyên. Tính đến năm 2015, khối các học viện, trường ĐH, CĐ, trung cấp dạy tiếng Nga không chuyên ngữ chỉ còn 22 cơ sở dạy tiếng Nga không chuyên (trước đây là 93 trường).
Đặc biệt, khối các trường phổ thông, hiện tiếng Nga chỉ dạy ở 11 trường THPT chuyên trên toàn quốc. Tính đến thangs9/2015 toàn quốc chỉ còn gần 250 GV tiếng Nga, trong đó có 36 GV phổ thông.