Trường Tiểu học thị trấn Cao Lộc đạt chuẩn Quốc gia năm học 2011-2012 |
Mặc dù gặp nhiều khó khăn trong giai đoạn cuối của việc thực hiện Đề án Kiên cố hóa (KCH) trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 2008-2012, song hiệu quả mà Đề án mang lại đã có tác dụng rõ rệt cho việc cải thiện điều kiện dạy và học ở tỉnh ta.
Hướng dẫn chúng tôi tham quan cơ ngơi của nhà trường, cô Trần Thị Yến, Hiệu trưởng Trường Tiểu học xã Yên Trạch (Cao Lộc) nói, với 2 dãy lớp học 2 tầng khang trang 14 phòng học, phòng chờ cho giáo viên, phòng vệ sinh khép kín với tổng mức đầu tư gần 3,8 tỷ đồng được xây dựng từ năm 2008 đến năm 2010 từ nguồn vốn KCH, cán bộ giáo viên và học sinh nhà trường đã cố gắng vươn lên phấn đấu đạt các tiêu chí để được công nhận trường đạt chuẩn quốc gia (QG) năm 2010.
Gần đó, Trường Mầm non Yên Trạch cũng đã được đầu tư 1 dãy nhà học với quy mô 2 tầng 6 phòng học, 2 phòng vệ sinh khá khang trang. Cô giáo Định Thị Đoàn, Hiệu trưởng nhà trường nói rằng, phòng học khang trang đã góp phần thu hút đông đảo người dân đưa con đến trường; mặc dù điều kiện địa hình phân tán, song tỷ lệ huy động trẻ độ tuổi nhà trẻ ở địa phương đã đạt 42,6%, độ tuổi mẫu giáo đạt 99,5% (trong đó trẻ 5 tuổi đạt 99,7%). Hiện nay tỉnh đang đầu tư xây dựng thêm một dãy nhà học 5 phòng để nhà trường đủ điều kiện đạt chuẩn QG vào năm tới.
Sau chương trình KCH trường lớp học và nhà ở công vụ cho giáo viên giai đoạn 1 (2004-2006), bước sang giai đoạn 2 (2008-2012) tỉnh Lạng Sơn được phê duyệt đầu tư xây dựng 2.453 phòng học và 1.639 phòng công vụ cho giáo viên với tổng mức đầu tư 416,9 tỷ đồng (giá thời điểm 2007) từ nguồn trái phiếu chính phủ (TPCP) để thay thế phòng học nhờ, mượn, phòng học tạm và phòng học cũ đã xuống cấp. Bằng sự nhạy bén với tình hình, ngành GD&ĐT đã tham mưu cho UBND tỉnh xây dựng các công trình cho các nhà trường một cách bền vững theo tính chất tập trung, đồng bộ, hiện đại hóa để thúc đẩy tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn QG.
Nắm bắt thời cơ này, một mặt ngành đề xuất với tỉnh xin phép Trung ương được đẩy nhanh tiến độ xây dựng, mặt khác tham mưu phân công hợp lý các chủ đầu tư để có thể huy động năng lực của các nhà thầu. Sức sáng tạo, tỉnh thần vượt khó của các địa phương, các nhà trường đã khắc phục nhiều ách tắc về mặt bằng xây dựng, đường vận chuyển nguyên vật liệu, đảm bảo hài hòa giữa xây dựng mới và phòng học cho việc giảng dạy và học tập bình thường.
Huy động cao độ tinh thần trách nhiệm và năng lực của các nhà thầu, nhất là công tác tư vấn lập báo cáo kinh tế kỹ thuật, thiết kế, giám sát thi công, kiểm định chất lượng công trình và nhà thầu xây dựng. Do tiến độ nhanh, các công trình nằm rải rác trên nhiều địa bàn, trong đó có địa bàn các xã khó khăn và đặc biệt khó khăn, nên HĐND, UBND, các đơn vị chức năng của tỉnh, các huyện thành phố đã tăng cường công tác giám sát, thanh tra, kiểm tra để các công trình đạt tiến độ và đảm bảo chất lượng.
Thời gian thực hiện Đề án cũng là giai đoạn mà nền kinh tế đất nước có những biến động mạnh, năm thì lạm phát tăng cao, năm lại giảm phát, giá cả các mặt hàng, nhất là vật liệu xây dựng như sắt, thép, xi măng, gạch...biến động mạnh. Để giúp các doanh nghiệp xây dựng yên tâm thi công, đảm bảo tiến độ, việc ứng vốn theo khối lượng xây lắp, giải ngân theo tiến độ, thanh quyết toán được thực hiện kịp thời theo đúng quy định.
Vì vậy, đến cuối năm 2010 (thời điểm mà Chính phủ quyết định tạm dừng nhiều hạng mục công trình, đề án), toàn tỉnh đã xây dựng xong, hoặc khởi công xây dựng 1.393 phòng học và 693 phòng công vụ cho giáo viên; đến hết tháng 12/2012 đã đưa vào sử dụng 1.369 phòng học và 693 phòng công vụ giáo viên, so với tổng số công trình được duyệt đạt 57% về phòng học và 42% số phòng công vụ. Toàn tỉnh đã giải ngân 458,742 tỷ đồng, đạt 98% tổng số vốn được phân bổ. Tổng nợ khối lượng hoàn thành chưa có vốn thanh toán đến nay là 59,18 tỷ đồng.
Tuy mới triển khai được 57% tổng số phòng học và 42% số phòng công vụ cho cả giai đoạn, song Đề án đã mang lại diện mạo mới cho các nhà trường trên địa bàn Lạng Sơn và có ý nghĩa quyết định trong tiến độ xây dựng trường học đạt chuẩn quốc gia. Đề án cũng tạo sức hút cho công tác xã hội hóa giáo dục, tạo thành nguồn lực quan trọng xây dựng khuôn viên, tường rào, cổng trường, vườn hoa cây cảnh... đưa phòng trào “Xây dựng trường học thân thiện, học sinh tích cực” phát triển rộng rãi và có chất lượng. Nếu cuối năm học 2007- 2008, toàn tỉnh mới có 49 trường chuẩn QG, thì kết thúc học kỳ I năm học 2012-2013 đã có 105 trường chuẩn QG.
Chưa hoàn thành Đề án của giai đoạn cũng có nghĩa là còn hàng ngàn phòng học chưa được xây dựng và các nhà trường vẫn gặp nhiều khó khăn. Hy vọng rằng giai đoạn 2013-2015, Đề án được tiếp tục triển khai và những khó khăn về phòng học, nhất là phòng học cho mầm non sẽ được cải thiện để phục vụ tốt hơn kế hoạch xây dựng trường đạt chuẩn QG và phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 5 tuổi.
Theo baolangson.com.vn