(GD&TĐ)-Trước tình hình kinh tế cuối năm 2010 và đầu năm 2011 có nhiều diễn biến không thuận lợi ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống người lao động và hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội vừa có văn bản gửi chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường các biện pháp phòng ngừa, tranh chấp lao động.
Đình công ở KCN Đồng An, Thuận An, Bình Dương (ảnh MH) |
Theo đó, để phòng ngừa, hạn chế tranh chấp lao động và đình công không đúng trình tự pháp luật xảy ra tại doanh nghiệp, Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội đề nghị chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật lao động cho người lao động và người sử dụng lao động, đổi mới hình thức, phương pháp để nâng cao hiệu quả của công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật và ý thức chấp hành pháp luật lao động của người sử dụng lao động và người lao động.
Theo báo cáo của Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội, 6 tháng đầu năm, tranh chấp lao động và đình công diễn biến phức tạp. Tính đến ngày 30/6, cả nước đã xảy ra 440 cuộc đình công, tăng 18 vụ so với cả năm 2010. Các vụ đình công vẫn xảy ra nhiều ở các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, trong đó nhiều nhất là tại Đồng Nai với 104 cuộc, Bình Dương 102 cuộc, Tp.HCM 84 cuộc. |
Tăng cường công tác thanh tra việc chấp hành pháp luật lao động trong doanh nghiệp. Tập trung thanh tra đối với những doanh nghiệp thường xuyên vi phạm pháp luật lao động, xử lý nghiêm minh những trường hợp vi phạm pháp luật, đồng thời thông báo trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đồng thời, kịp thời hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai thực hiện chính sách tiền lương khi Chính phủ ban hành nghị định điều chỉnh mức tiền lương tối thiểu; xây dựng phương án điều chỉnh tiền lương, bảo đảm quan hệ tiền lương giữa lao động có chuyên môn kỹ thuật với lao động giản đơn, giữa người có nhiều thâm niên làm việc với người có ít thâm niên trong nội bộ doanh nghiệp.
Đặc biệt, UBND tỉnh tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành về tình hình thực hiện chính sách tiền lương, thu nhập và đời sống của người lao động; kiểm tra chất lượng bữa ăn giữa ca, điều kiện làm việc để khuyến nghị doanh nghiệp sớm có biện pháp chấn chỉnh; chỉ đạo ngành tài chính kiểm tra các doanh nghiệp kinh doanh phục vụ bữa ăn ca cho doanh nghiệp, tránh tình trạng tăng lợi nhuận bằng cách giảm chất lượng bữa ăn ca của người lao động.
Bên cạnh đó, các địa phương phải có biện pháp bảo đảm người lao động thuê nhà được mua điện theo giá sinh hoạt, thực hiện các biện pháp quản lý giá thuê nhà nhằm ổn định và hạn chế những biến động về chi phí thuê nhà của người lao động.
Tiếp tục duy trì và quản lý tốt các điểm bán hàng bình ổn giá một số mặt hàng thiết yếu cho công nhân các khu công nghiệp, đảm bảo các mặt hàng bình ổn giá của nhà nước đến tận tay người lao động.
Xuân Hương