(GD&TĐ)-Theo Cục Thú y, Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cho biết: tính đến ngày 14/2, dịch lở mồm long móng trên gia súc đã xuất hiện tại 14 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Cán bộ thú y huyện Phổ Yên (Thái Nguyên) hướng dẫn bà con xã Trung Thành cách phun thuốc khử trùng cho đàn gia súc bị nhiễm bệnh LMLM |
Triệu chứng khi gia súc mắc bệnh lở mồm, long móng:Khi nhiễm bệnh, nhiệt độ cơ thể của gia súc khá cao (khoảng 40 °C). Đồng thời, gia súc trở nên kém ăn, ủ rũ, tiết nước bọt nhiều và nhiễu xuống; ở vùng miệng (miệng, lợi và lưỡi), vùng chân (kẽ móng và bờ móng chân) và vú xuất hiện các mụn nước chứa dịch màu vàng nhạt. Trong vòng 24 giờ, mụn nước sẽ tự vỡ, làm bờ móng sưng đau dẫn tới con vật đi lại khó khăn, phải nằm một chỗ. Nếu bệnh phát triển mạnh, khoảng từ 5 đến 6 ngày, con vật sẽ yếu, khó thở và chết. |
Đó là các tỉnh Sơn La, Quảng Ninh, Lạng Sơn, Bắc Kạn, Cao Bằng, Điện Biên, Thái Nguyên, Hà Giang, Kon Tum, Nghệ An, Hòa Bình, Tuyên Quang, Quảng Ngãi và Yên Bái.
Theo nhận định của Cục Thú y, dịch bệnh hiện diễn biến rất phức tạp, ngay sau Tết Nguyên đán đã có thêm 3 địa phương xuất hiện dịch lở mồm long móng là Yên Bái, Thái Nguyên và Quảng Ngãi.
Tại Thái Nguyên, dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh, đã có tới 6/9 huyện, thành thị chính thức công bố dịch. Ở các nơi khác, dịch đã xuất hiện nhỏ lẻ. Nguyên nhân là do vào dịp tết, nhu cầu mua bán, tiêu thụ gia súc của người dân tăng cao, nhiều người đã vận chuyển trâu, bò, lợn bị nhiễm bệnh từ các tỉnh khác vào địa bàn, tạo cơ hội cho dịch lở mồm long móng bùng phát mạnh trên diện rộng. Tính đến thời điểm hiện nay đã có hơn 1.000 con gia súc bị tiêu hủy vì dịch bệnh.
Từ cuối tháng 1, dịch lở mồm long móng xảy ra trên địa bàn 12 xã thuộc 4 huyện Trạm Tấu, Mù Cang Chải, Trấn Yên và Yên Bình của tỉnh Yên Bái, với tổng số gia súc mắc bệnh khoảng 600 con.
Tính đến chiều ngày 14/2, tổng số trâu, bò, ngựa bị chết trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn là 3.256 con.
Trong số đó, số gia súc chết rét là 2.972 con, chết do nguyên nhân khác là 284 con. Như vậy, chỉ tính từ ngày 07/02 đến nay toàn tỉnh có thêm 547 con gia súc bị chết.
Tại tỉnh Quảng Ngãi, tính từ đầu tháng 1 đến nay dịch lở mồm long móng xuất hiện ở bốn huyện gồm Ba Tơ, Trà Bồng, Đức Phổ và Sơn Tịnh với trên 300 con gia súc mắc bệnh. Để khống chế dịch lây lan trên diện rộng, ông Nguyễn Văn Thuận, chi cục phó Chi cục Thú y Quảng Ngãi, cho biết: chi cục thú y xuất văcxin để trạm thú y huyện phối hợp với xã triển khai tiêm phòng bao vây dập tắt các ổ dịch...
Để giúp đỡ các địa phương, Cục Thú y tiếp tục cử các đoàn công tác xuống cơ sở, phối hợp với chính quyền địa phương vận động người chăn nuôi tham gia phòng, chống dịch, không để dịch bệnh lây lan trên diện rộng, ảnh hưởng đến chăn nuôi cũng như nguồn cung thực phẩm trong thời gian tới.
Theo ông Văn Đăng Kỳ, Trưởng phòng Dịch tễ, Cục Thú y cho biết, đến nay virus lở mồm long móng ở Việt Nam chủ yếu là tuýp Ô, điều đáng lo ngại là không những dịch xuất hiện trên đàn trâu, bò mà còn lây lan sang đàn lợn. Vì vậy, cần tập trung tiêm phòng, khoanh vùng ổ dịch, đồng thời tiêu độc khử trùng ổ dịch.
Nguyên Phương