Nhà giáo Vũ Tự Lân chuyên ngành Nghệ thuật, nguyên là giảng viên trường ĐH Sư phạm Hà Nội - là người cao tuổi nhất được công nhận đạt tiêu chuẩn chức danh PGS năm 2014.
Công lớn là của bạn bè
Những ngày vừa qua, ngôi nhà nhỏ nằm sâu trong phố Ngõ Chợ Khâm Thiên (Hà Nội) của nhà giáo Vũ Tự Lân luôn đầy ắp tiếng cười và tràn ngập niềm vui. Biết tin ông được phong PGS, các con cháu ở nước ngoài, bạn bè gần xa và các thế hệ học trò liên tục gọi điện, nhắn tin chúc mừng.
PGS tâm sự: “Tôi được phong chức danh PGS công lớn là nhờ bạn bè. Thật ra, ban đầu tôi không có ý định làm hồ sơ gửi Hội đồng chức danh GS Nhà nước, một phần vì tuổi tôi đã cao, phần nữa tôi muốn dành thời gian để cống hiến cho âm nhạc và nghiên cứu khoa học ở tuổi “xế chiều”.
Thế nhưng bạn bè, người thân động viên mãi, rồi tôi mới quyết định làm. Ngẫm đi ngẫm lại, giờ tôi mới thấy các bạn ấy nói đúng, chức danh PGS không phải hoàn toàn vì cá nhân mà là để cho con cháu, các bạn trẻ noi gương về tinh thần học tập, lao động, sáng tạo và nghiên cứu khoa học. Vì thế, việc tôi được phong chức danh PGS đợt này, công lớn là từ bạn bè, người thân đã động viên, khích lệ tôi suốt thời gian dài”.
Có gặp gỡ và trực tiếp trò chuyện với nhà giáo Vũ Tự Lân mới thấy hết được tinh thần hăng say lao động, nghiên cứu khoa học của ông. Hiện nay, ông vẫn vào Nam, ra Bắc để giảng dạy cho các trường sư phạm có đào tạo về chuyên ngành về âm nhạc. Thời gian rảnh rỗi, ông lại đến các vùng miền của đất nước để nghiên cứu về nghệ thuật và văn hóa dân tộc.
Tính đến thời điểm hiện tại, ông đã có trên 20 bài báo khoa học được đăng tải trên các tạp chí trong nước và quốc tế; hàng trăm bài viết, tiểu luận đăng tải trên báo chí Trung ương và địa phương, thu và phát trên làn sóng phát thanh và truyền hình Trung ương và địa phương, đóng góp có hiệu quả cho công tác truyền bá âm nhạc trong nước.
Ông cũng trực tiếp dịch thuật nhiều sách giáo khoa và chuyên môn âm nhạc dùng cho các trường âm nhạc và đã xuất bản các cuốn sách như: Những ảnh hưởng của âm nhạc châu Âu trong ca khúc Việt Nam giai đoạn 1930-1950; Phương pháp dạy hát và dàn dựng, chỉ huy hát tập thể; Câu chuyện giao hưởng; Vai trò giáo dục âm nhạc; Lý thuyết cơ bản âm nhạc; Phối khí cho dàn nhạc và ban nhạc nhẹ, Âm nhạc Việt Nam – Tác giả - tác phẩm.
Tân PGS Vũ Tự Lân và vợ rạng ngời niềm vui khi ông được phong PGS đúng vào dịp Tết đến, Xuân về |
Truyền nghề qua môi trường sư phạm
Hiện nay, nhà giáo Vũ Tự Lân đang làm giảng viên cho rất nhiều trường sư phạm đào tạo về âm nhạc. Lý giải cho sự lựa chọn này, ông chia sẻ: “Tôi không học sư phạm nhưng tôi muốn truyền nghề cho các thế hệ trẻ qua môi trường sư phạm. Bởi nghệ thuật âm nhạc phải được thẩm thấu dần dần, từ chỗ biết, đến yêu, đến thích rồi đam mê, thể hiện và nghiên cứu, cuối cùng quảng bá.
Mà muốn thẩm thấu dần dần thì môi trường sư phạm là thuận lợi nhất vì ngay từ bậc mầm non các em đã được học môn nghệ thuật này. Vì vậy tôi lựa chọn cách truyền nghề cho những giáo viên tương lai, để sau khi ra trường các em lại tiếp tục truyền nghề cho các thế hệ trẻ”.
Có lẽ đó chính là lý do mà rất nhiều trường nghệ thuật mời ông đến giảng dạy, nhưng lúc nào ông cũng ưu ái nhận lời mời của các trường sư phạm nghệ thuật.
Nhà giáo Vũ Tự Lân tâm niệm: “Qua môi trường sư phạm, các thế hệ học sinh mới tiếp cận nghệ thuật âm nhạc một cách bài bản, nghiêm túc, có học thuật và mỹ học nhất.
Như thế âm nhạc Việt Nam mới không bị biến tấu, lai căng. Từ đó các em hiểu được giá trị của nghệ thuật âm nhạc và có ý thức, hành động để bảo vệ, bảo tồn và phát triển âm nhạc Việt Nam.