Tận diệt bò cạp núi

GD&TĐ - Khi ánh mặt trời bắt đầu ló rạng những ngày cuối năm, trên khắp các triền đồi ở miền rẻo cao thuộc xã Ia Pia (huyện Chư Prông, Gia Lai) bò cạp núi theo nhau về hang trú ẩn. 

Tận diệt bò cạp núi

Thời điểm ấy, cũng là lúc những người hành nghề săn bò cạp núi bắt đầu công việc của mình. Không biết từ đâu, lời đồn thổi rượu ngâm với bò cạp núi này ngoài tác dụng trị nhức mỏi, xương khớp còn là thần dược của đàn ông “một người uống hai người vui”. Cũng từ những lời rỉ tai nhau, bò cạp núi được săn lùng, có hẳn cả một đội quân chuyên đi săn cung cấp cho thị trường.

Theo chân thợ săn bò cạp núi

Sau nhiều lần ngỏ ý, cuối cùng tôi cũng được đoàn quân thợ săn bò cạp núi có tiếng trong xã Ia Pia do anh Nguyễn Văn Dũng làm trưởng nhóm cho theo chân. Vừa đi anh Dũng trò chuyện về nghề tay trái này. Ban đầu, dân trong xã và công nhân làm cà phê tại nông trường chỉ bắt về ngâm rượu, chế biến đồ nhắm. Thời gian sau, có nhiều người đến mua nên mới hình thành nên đội quân săn bò cạp núi.

Những lúc công việc trên nương rẫy nhàn rỗi, người săn bò cạp núi ở các làng hành quân vào rừng từ sáng sớm, mang theo một số dụng cụ như cuốc, đôi đũa dài, xô… Họ chia thành nhiều nhóm, mỗi nhóm khoảng 2 – 3 người, để săn cho có hiệu quả.

Dẫn chúng tôi lên lô cà phê dưới chân núi, anh Dũng giải thích: “Các rẫy cà phê là nơi có nhiều bò cạp núi chọn làm hang trú ngụ. Chúng chọn các rẫy cà phê gần núi vì ở đó có nhiều loại côn trùng là món mồi ngon của bò cạp. Để bắt được bò cạp, trước tiên phải biết phát hiện vị trí hang của nó. Khi chui sâu xuống hang, bò cạp luôn để lại dấu vết phía ngoài hang. Nếu trong hang có bò cạp sinh sống thì miệng hang thường láng lẫy, dấu hiệu chứng tỏ bò cạp hay ra vào hang. Chỉ cần vài nhát cuốc, thấy bên trong hang có vỏ ốc sên còn mới hay xác giun, dế hoặc rết thì chắc chắn có bò cạp. Nhưng để biết chính xác có con bò cạp trong hang hay không còn tùy thuộc vào kinh nghiệm của mỗi người”.

Theo các thợ săn, bò cạp núi ở đây có rất nhiều. Nhưng bắt được nhiều hay ít là còn kinh nghiệm của từng người. Do vậy, có người chỉ cần đi ngày bắt được vài trăm con là chuyện thường, nhưng cũng có người chỉ được vài con hoặc chục con.

Câu chuyện đang dở dang, chợt một người hô to: “Có rồi!”. Một con bò cạp đen trũi, bóng nhẫy đang huơ cặp càng rắn chắc. Bò cạp tỏ ra hung dữ dùng đôi càng bập mạnh đôi đũa đang chọc vào gắp nó. Chiếc đuôi dài nhọn hoắc cong lên hướng về phía trước để tự vệ. Thế nhưng, nó không hề biết điều này là vô nghĩa trước một tay săn bò cạp lão luyện như anh Dũng. Chiến lợi phẩm đầu tiên được nằm gọn trong xô.

Để bảo vệ mình, bò cạp núi có nhiều cách tự vệ. Anh Dũng chỉ vào cái đuôi đang hướng thẳng về phía người thợ săn, phần nguy hiểm nhất của loài bò cạp nằm ở phần đuôi chứa đầy nọc độc. Thợ săn lành nghề cũng ít có người dùng tay bắt bò cạp, mà chỉ dùng đũa để gắp, tránh xa cái đuôi đầy nọc độc chực mổ xuống bất cứ lúc nào. “Nhẹ thì không sao, nếu người có cơ địa yếu thì bị sốt, phải mua thuốc uống… mất 3 ngày. Còn như tôi, do bị chích nhiều quá rồi, nên mỗi lần bị nó tấn công bất ngờ, cũng chỉ có cảm giác như con kiến cắn” - anh Dũng cho biết.

Nhóm săn tiếp tục đi sâu vào trong rẫy cà phê. Lần này họ đào trúng hang có 4 con bò cạp núi, dân nghề gọi là tổ. Kinh nghiệm cho thấy những hang có tổ mối thì thường bọ cạp sẽ tập trung đông. Gặp những hang này phải đào nhẹ nhàng, nếu mạnh tay rất dễ đào trúng người bò cạp, xôi hỏng bỏng không. Gặp được tổ như vậy là chuyến săn trúng mánh. Vào đầu mùa mưa vừa rồi, anh Hưng ở trong nông trường cà phê đã đào trúng hang có 30 con bò cạp. Đây là hang có nhiều bò cạp nhất từ trước tới nay mà người đi săn gặp được.

Nạn nhân của sự đồn thổi thiếu căn cứ

Phía bên kia triền núi, anh Trần Hùng Hào sau khoảng 3 giờ đồng hồ đã bắt được khoảng 50 con bò cạp. Ngồi nghỉ trong gốc cà phê, anh Hào cho biết thêm, bò cạp núi ở khu vực nông trường cà phê ở đây rất nhiều. Đêm đến chúng bò ra đi ăn, không cẩn thận dẫm lên chúng là bị chích ngay. Nhưng thay vì đốt đèn đi bắt, người dân ở đây cứ chờ sáng ra là đi đào hang, dễ bắt hơn. Người đi bắt cũng rất ý thức, họ chỉ bắt con to, còn con nhỏ lại thả về núi.

Anh Hào chia sẻ: “Để có được một hũ rượu bò cạp ưng ý, khoảng 5 lít cần ít nhất khoảng 100 con bò cạp. Bản thân con bò cạp có độc. Trước khi ngâm rượu phải rửa sạch sẽ. Sau đó, đem bò cạp xử lý bước đầu như ngâm phèn chua cho nhả ra hết chất độc. Chưa hết, ngâm tiếp bò cạp với một số vị thuốc Bắc để khắc chế mùi tanh. Rượu ngâm càng để lâu, càng ngon. Rượu khi ngâm sẽ có màu vàng và mùi thơm dễ chịu. Không quen, uống vào người sẽ rất nóng. Do rượu ngâm bò cạp có tính nóng nên chỉ uống ít”.

Khi mặt trời lên cao, ánh nắng chiếu gắt qua từng tán cây, cũng là lúc các nhóm thợ săn ra về. Hôm nay xem ra nhóm nào cũng “thu hoạch” tốt; mỗi người trong giỏ lúc nhúc ít nhất cũng chừng trăm con bò cạp núi đen trũi, mập mạp.

Chị Nguyễn Thị Thu Hà - người cung cấp bò cạp núi tại khu vực huyện Chư Prông - cho biết: Đơn đặt hàng chủ yếu từ phía Bắc. Trước Tết khoảng hơn 1 tháng, đơn hàng đặt bò cạp về ngâm rượu đón Xuân tăng lên đáng kể. Với đơn đặt hàng số lượng lớn chị huy động thêm những người dân địa phương đi đào. Chỉ cần trong vòng 3 - 4 ngày là chị đã có hàng cung cấp, số lượng bao nhiêu cũng có. Giá bán dao động khoảng 10.000 đồng một con.

Mặc dù chưa có ai đứng ra kiểm chứng những lời đồn thổi về loại rượu ngâm bò cạp núi, nhưng sinh vật này đã trở thành nạn nhân của con người, khi liên tục bị săn lùng và mang bán với mức giá khá cao.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ