Tầm xuân

Tầm xuân

"Nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
em đã có chồng anh tiếc lắm thay..."


 (ca dao)

Câu ca dao nhắc đến sắc lạ của một loài hoa quen. Đây là loài hoa bà con thân thuộc của hồng, có 5 cánh, xếp chồng lên nhau, mỏng manh và nhiều màu sắc...Khi nở bao giờ cũng từng chùm, với đủ các cung bậc sắc màu đan chen nhưng đầy vẻ phô diễn. Tầm xuân có sức sống mãnh liệt, thường mọc hoang bên lối đi, bên hàng giậu...

Ngày còn nhỏ, tôi nhớ, cha tôi trồng tầm xuân làm hàng rào. Mùa xuân, cả hàng rào hoa phô sắc khiến cho từ xa, căn nhà mái tranh của tôi như bị quây lại trong vòng tròn khép kín và rực rỡ của hoa.

Mong gặp lắm, một sắc tầm xuân-tất nhiên, không nở ở vườn cà...
Mong gặp lắm, một sắc tầm xuân-tất nhiên, không nở ở vườn cà...

Bên triền đồi, thảm hoa phủ và lan rộng như thể chứng minh cho muôn loài biết rằng, mọi vật sẽ trở nên đơn điệu nếu không có bóng dáng của chúng. Những cánh hoa nhỏ xíu nép mình vào bên nhau như một sự cộng hưởng, tôn vinh nhau trong sự rực rỡ và kỳ ảo của thiên nhiên, một thời đã khiến tôi nhói lòng trong ký ức.

Khi lớn lên đi học, đọc bài ca dao, tôi bâng khuâng trước cái tình của đôi trai gái, yêu mà không lấy được nhau đến nỗi sinh ra ngẩn ngơ tiếc nuối, nhờ cánh tầm xuân cất hộ  lời khó nói. Tôi biết chàng trai si tình trong bài ca dao cổ đã phải mượn cánh tầm xuân để trút nỗi đau tiếc nuối vì không lấy được người con gái mình yêu như thế nào. Nhưng nỗi đau mang màu sắc xanh rất lạ trong bài ca dao đã nói lên một nguyên lý rằng: Sự mất mát và đau đớn mãi mãi là có thật. Chàng trai –nhân vật trữ tình trong bài ca dao cổ đã phải nhờ đến sắc xanh không có của một loài hoa hoang dại để trút nỗi tiếc nuối và trải lòng mình:

“trèo lên cây bưởi hái hoa
bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân
nụ tầm xuân nở ra xanh biếc
em đã có chồng, anh tiếc lắm thay...”

Có lẽ chỉ trong ca dao nỗi nhớ mang một sắc xanh. Và chỉ trong ca dao, những cử chỉ, động tác bất bình thường mới được thừa nhận như nó không vốn có. Thì ra cội nguồn của việc “mù màu” màu sắc và những động tác bất thường như “trèo lên/bước xuống” của chàng trai kia có thể cắt nghĩa được. Khi yêu cũng như khi thất tình, mọi động thái bất thường đều có cội nguồn. Và chúng ta đừng nhìn mọi việc bằng cặp mắt duy lý đối với những kẻ đang yêu. Khi chàng trai quẩn quanh làm cái việc tưởng như trong trạng thái vô thức, mộng du là “trèo lên cây bưởi hái hoa”, rồi “ bước xuống vườn cà hái nụ tầm xuân”...thì cũng có nghĩa, tầm xuân không thể có hoa xanh, mà còn có thể ra rất nhiều màu sắc lạ nữa. Tìm gì ở vườn cà kia? Tìm và hái nụ tầm xuân. Hoa tầm xuân nở ở vườn cà. Đó mới là phi lý thứ nhất. Nụ tầm xuân lại nở ra xanh biếc. Tại sao lại có chuyện như vậy?  Cuối cùng, điều quan trọng nhất đã được bật ra: “Em đã có chồng, anh tiếc lắm thay”. Sự tiếc nuối của chàng trai có cần đến hoa tầm xuân để viện dẫn nguồn cơn hay không?  Sắc xanh lạ lùng của nụ và hoa là sự khiên cưỡng ép buộc của con người đã dành cho nó. Trên thực tế, sắc xanh ấy nhiều khi khiến người ta đau. Tôi nhớ đã có nhà thơ nói về nỗi đau mang màu xanh ngằn ngặt. Ấy là khi nhà thơ nghe tiếng cỏ khóc trên nấm mồ thanh minh của người cha đã sinh ra mình. Màu xanh biết nức nở. Màu xanh mang tính ẩn dụ muôn đời... Nó là cung bậc trải dài của hy vọng cho đến niềm đau.

Tôi đi qua rặng tầm xuân. Nhận ra những cánh tay leo của nó cũng run rẩy và mềm mại, dễ bị tổn thương chứ không mạnh mẽ như người ta tưởng. Dẫu có hoang dại đến đau, thì tầm xuân cũng vẫn là loài hoa có cái tên gợi về cõi yêu thương và nhắc ta đến sự bao dung và chở che cho sự yếu đuối, mảnh mai ẩn nấp đằng sau cái vỏ mạnh mẽ bởi sức lan tỏa ấy.

Rặng tầm xuân trĩu mình nép vào bờ rào  bằng tre dài đan chen vào nhau  quây lấy ngôi nhà. Vào mùa xuân từng chùm hoa tung mình phô sắc. Những bông hoa nhỏ xếp vào nhau với muôn màu trắng, hồng, phớt đỏ...Đây là loại hoa không bao giờ cam chịu vẻ khiêm nhường và cô độc. Mà nó có muốn cô độc cũng không thể. Từng chùm hoa nở bung như muốn nói lên một điều viên mãn và duyên phô tới độ lộ liễu. Thân tầm xuân mềm và đầy gai. Nếu hồng là họ hàng gần với tầm xuân bởi dáng hoa và sắc hoa giống nhau thì sự thân leo lại cho con người biết nó vượt xa các bậc tiền bối của mình nhờ sự mềm dẻo, kiên quyết  và phô diễn này. Lấp ló trong tán lá xanh, những chùm hoa tầm xuân nhô lên, hóng gió và nắng ban mai. Nó chờ đợi gió đến để nhờ gió mang đi làn hương nồng nàn nhưng không tới độ quyến rũ như hoa hồng. Cái duyên của loài hoa này không mặn mà như hồng. Nhưng nó dễ hớp hồn con người bởi sự nhiệt tình phô sắc rực rỡ và hào phóng  của mình. Vẻ đẹp ấy khiến  đất trời nôn nao và bầy ong bướm rộn rã đến sục sạo và chiêm ngưỡng ...

Đã có lần tôi nhìn thấy thân tầm xuân đu mình từ bờ rào bằng tre lan tỏa xuống đất. Hình như nó muốn vượt qua con đường ngoằn ngoèo để quyết tâm bò sang hàng rào nhà hàng xóm. Loài hoa đến lạ. Không bao giờ cam chịu sự bình yên mà số phận đã an bài cho chúng.

Bạn tôi bảo, tên chính của loài hoa là tầm xuân,  nhưng nó cũng được mang thêm những cái tên khác: tường vi, giả tường vi, thất tỉ muội, thập tỉ muội… Bí ẩn và hoang dại, ngay cả cái tên của loài hoa…

Nhưng tôi biết, nó có thể là hoa hồng, hoặc hoa đậu biếc như một số người gán cho. Nó cũng có thể là tên một loài hoa chưa có trên đời. Khi con người thường sống trong nỗi ám ảnh mơ hồ và phỏng đóan này nọ về duyên phận, thì loài hoa tầm xuân với tên gọi nguyên sơ của nó, vẫn gợi cảm xúc cho thi ca và hội họa...

Nhưng tên gọi tầm xuân vẫn mang lại cho hoa một sự thân thiện, yêu mến và gần gũi –từ bao đời nay, khi nó còn lan man phô sắc ở đồng nội và quên đi vẻ đẹp dịu dàng nhưng cũng rất đỗi hoang dã của mình…

Ai đó đớn đau dùng tầm xuân trải lòng.  Và tầm xuân vẫn còn có hồn hoa để thi sĩ đồng quê ngày xưa cũng như thi sĩ đời nay gửi chút thiêng vào cõi thơ   bất tận. Điều mà Lưu Quang Vũ bâng khuâng và mải miết đi tìm không giống như thi sĩ Hoàng Cầm mê mải trong chiếc lá diêu bông lạ trong tâm thức. Nếu lá diêu bông của Hoàng Cầm  gợi đến miền nhớ và những nghi thức tâm linh của một tình yêu cả đời không gặp thì Lưu Quang Vũ lại trăn trở đi tìm hồn hoa đã từng được biết đến:

...Hoa tầm xuân suốt đời không gặp
Anh suốt đời chẳng gặp sắc tầm xuân...

(Hoa tầm xuân)

Đã nhiều lần, tôi làm một cuộc lãng du trở về xứ sở sau những tháng năm đằng đẵng xứ người. Chỉ có điều, sự lãng du này không phải ở trong  những chuyến đi, mà là trở về trong ký ức. Mà sự trở về trong ký ức bao giờ cũng khiến con người ta bay bổng, hoài vọng và tiếc nuối hơn cũng như ngọt ngào hơn. Mái nhà tranh với tia khói ngoằn ngoèo bay lên vào buổi trưa và xế chiều gọi mọi người trở về đoàn tụ cũng như rặng tầm xuân chìa những bàn tay hoa từng chùm vẫy gió chỉ thích làm duyên với lũ bướm ong.

Tầm xuân đi vào thơ ca và cuộc đời bởi những nguyên do như thế. Khi tình yêu bỏ đi và hạnh phúc không kết trái đơm bông ...hoặc cả khi viên mãn cuộc đời, thì con người vẫn rất cần đến loài hoa này để viện dẫn và lý giải cho sự thất vọng và mất mát ấy.

Tôi yêu tầm xuân, vì chợt nhận ra nỗi buồn được hóa giải bởi một loài hoa đồng nội, ngỡ như bị bỏ quên trong cõi nhớ...

Mong gặp lắm, một sắc tầm xuân-tất nhiên, không nở ở vườn cà...

Chu Thị Thơm

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ảnh minh họa ITN.

Café chủ nhật: Cõi nhớ

GD&TĐ - Nắng đầu Đông yếu ớt hai ngày qua đã phải nhường chỗ cho đợt gió mùa tràn về.

Chuyên gia khuyến cáo bệnh nhân cao huyết áp nên ăn ít muối. (Ảnh: ITN)

Những cách tự nhiên giúp hạ huyết áp

GD&TĐ - Khi già đi, chúng ta cần đặc biệt chú ý đến huyết áp. Theo giới chuyên gia, chế độ ăn uống chắc chắn có hiệu quả trong việc kiểm soát huyết áp.

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

Văn khấn rằm tháng 11 âm lịch năm 2024

GD&TĐ - Theo truyền thống, vào ngày 15/11 âm lịch, các gia đình thường chuẩn bị lễ cúng gia tiên cùng bài văn khấn để nguyện cầu sức khỏe, bình an.