Tâm sự đẫm nước mắt của người phụ nữ mang gương mặt "quỷ"

“Kêu gương mặt cho “oai” rứa thôi chớ tui làm gì có gương mặt. Mọi người ở đây, ai thương thì gọi tôi là bà “Méo”, còn lại, ai cũng kêu tôi là… “quỷ”

Tâm sự đẫm nước mắt của người phụ nữ mang gương mặt "quỷ"

Cả đời “không dám” soi gương

Đó là những lời tâm sự của bà bà Lê Thị Kim Thoa (SN 1964, trú 222 đường Chi Lăng, phường Phù Cát, TP.Huế).

Lúc chào đời, nhìn thấy đứa con đỏ hỏn có gương mặt dị dạng, “chẳng giống mặt người”, mẹ bà Thoa đau đớn đến ngất xỉu.Ngày vui chào đón thiên thần nhỏ chào đời bỗng chốc trở nên u ám, xót xa và đầy nước mắt. “Hồi mới sinh hắn, hắn bụ bẫm, khỏe mạnh, khóc to lắm. Nhưng khi bà mụ đỡ đẻ bồng hắn trên tay, nhìn vào gương mặt hắn thì liền hoảng hồn, suýt chút nữa là đánh rớt con bé. Rứa là từ khi lọt lòng, con bé đã bị nhiều người ác mồm ác miệng nói là “quái thai”", bà Mưu (dì ruột của bà Thoa) kể với PV báo Người Đưa Tin.

Tâm sự đẫm nước mắt của người phụ nữ 40 mang gương mặt

Bà Lê Thị Kim Thoa với gương mặt “quái nhân” của chính mình

Cha mất sớm, còn mẹ vì không chịu nổi “miệng lưỡi thế gian” nên cũng bỏ bà Thoa lại cho người chị ruột (là bà Mưu) để đi lấy chồng khác. Sống cùng khuôn mặt dị thường chẳng giống người hơn nửa cuộc đời lại bị xa lánh, hắt hủi đã khiến người phụ nữ ấy dường như bế tắc trong từng suy nghĩ. Bà nói: “Cũng như nhiều người phụ nữ khác, tui cũng thích được làm đẹp, thích được soi gương chớ. Nhưng cứ nghĩ đến gương mặt gớm ghiếc của mình là tui lại thấy buồn cười. Cả bản thân tui còn sợ khi nhìn mình trong gương nói gì người khác!”.

Năm lên 6 tuổi, cô bé Thoa được dì đưa đến trường để học chữ, mong sau này đỡ khổ. Nhưng rồi, bạn bè khi vừa thấy Thoa đã khóc thét lên và xua đuổi. Không những thế, phụ huynh của bạn bè còn trực tiếp nói với dì Mưu rằng, không muốn để con họ học chung với Thoa. Đau đớn, xấu hổ, chỉ sau buổi học đầu tiên, Thoa đành khép lại ước mơ học hành của mình.

Không được đến trường, Thoa đành đi làm thuê để kiếm tiền trang trải cuộc sống. Tuy nhiên, ước muốn được làm “con người” đúng nghĩa của bà một lần nữa lại bị dập tắt bởi suy nghĩ: bà là “quỷ đột lốt người” của nhiều người. “Thuê tui làm được dăm ba bữa là họ lại tìm lý do để chửi mắng rồi đuổi việc tui. Tui cũng bực ghê lắm, nhưng nghĩ lại phận mình nên cũng đành im lặng chịu đựng”, bà Thoa nói.

Mong được làm mẹ nhưng không thể

Nói về cuộc đời mình, người phụ nữ ngoài 40 tuổi nghẹn ngào: “nhiều đêm không ngủ, nỗi cô đơn, tủi phận lại ùa về. Không muốn khóc nhưng nước mắt cứ chảy dài. Ở tuổi tui, nhiều người đã lên chức ông, chức bà, con cháu đuề huề. Chỉ có tui là vẫn cô độc”.

Tâm sự đẫm nước mắt của người phụ nữ 40 mang gương mặt

Bà Thoa và bà Mưu trong căn phòng nhỏ chưa đầy 10 mét vuông

Thương bà Thoa, một số người thân thiết cũng khuyên bà nhắm mắt “làm liều” để kiếm đứa con mà nuôi, sau này có đứa con để cậy nhờ. Nghe vậy, bà cố vượt qua nỗi khát khao làm mẹ, lặng lẽ lắc đầu.

Bà bảo: “Những lúc ra đường gặp mấy đứa con nít đùa vui với nhau vui vẻ, tui lại muốn khóc, nghĩ về bản thân mình không có nỗi một mụn con lại tủi thân hơn. Nhưng buồn hơn nữa là những lúc mấy cháu nhỏ thấy mặt tui là sợ hãi, la hét, những lúc đó tui chỉ biết ngậm ngùi mà bước đi nhanh, thật nhanh cho khuất mắt. Chưa kể đến chuyện, bản thân mình còn không lo được thì làm sao cho con cuộc sống yên bình, hạnh phúc mà sinh con”.

Vượt qua những nỗi đau, niềm an ủi duy nhất của bà Thoa chính là tình thương vô bờ bến của người dì mà bà coi còn hơn cả mẹ ruột. Và ngược lại, dì Mưu từ lâu cũng coi bà Thoa là con gái.Dù tuổi cao nhưng tinh thần của dì Mưu vẫn còn rất minh mẫn.

Tin nhanh với PV, bà Mưu nói: “Tuy mặt mũi nó như thế nhưng hiếu thảo lắm, việc gì cũng dành làm thay cho tui. Nhiều người trong xóm biết nên cũng thương nó lắm, nhưng số người sợ hãi, xa lánh nó thì nhiều hơn. Sau này tui mất đi, không biết nó sẽ nương tựa vào đâu”.

Dứt lời, một dòng nước mắt chợt rơi trên gò má gầy hóp của dì Mưu.

Tạo điều kiện tốt nhất để giúp đỡ bà Thoa

Bà Đặng Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch UBND Phú Cát (Tp. Huế) cho biết “Bà Lê Thị Kim Thoa và bà Nguyễn Thị Ngu (tên thật của dì Mưu) là hai hoàn cảnh đặc biệt khó khăn tại địa phương. Ngoài số tiền hỗ trợ hằng tháng, phía chính quyền cũng liên tục tạo điều kiện cũng như giúp đỡ cho gia đình bà Thoa. Không những thế, chính quyền đã vận động bà con bỏ qua định kiến không tốt và bà Thoa để bà vượt qua mặt cảm bệnh tật, sớm hòa nhập với cộng đồng, xã hội”.

Theo Nguoiduatin

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ