Chiều chiều, dưới chân cầu Calmette thuộc Quận 4, Tp.HCM luôn xuất hiện hình ảnh hai bà cháu bé gái mắc bệnh down ngồi gọn bên vệ đường cạnh chiếc xe đạp đã cũ chở đầy ve chai. Người dân xung quanh chỉ rằng: Đó là bà nội và cô cháu gái 12 tuổi nhưng thường xưng hô má-con. Họ ngồi chờ ở đó đợi người quen mang vỏ lon bia đến hoặc người qua đường cho hộp cơm, cái bánh.
Thấy có người dừng xe, bé Nga (12 tuổi) có gương mặt khờ khạo tiến lại gần, nở nụ cười và chỉ tay vào những tấm hình chụp 2 "má con" do một nhiếp ảnh gia trẻ tuổi thực hiện. Thi thoảng, em ú ớ vài câu nói trò chuyện với "má".
Mồ cô cả cha lẫn mẹ
Hướng ánh mắt về phía cô cháu gái đang chăm chú ngắm những tấm ảnh, bà Đinh Thị Thúy Hằng (57 tuổi, Trà Vinh) buồn rầu: “Tôi chỉ có một thằng con trai. Khi vợ nó mang bầu, gia đình tôi mừng lắm! Tôi mong cháu nội cất tiếng khóc chào đời từng ngày. Nào ngờ, đứa trẻ sinh ra không bình thường, mắc bệnh down. Không chịu nuôi đứa con khờ, con dâu tôi đã bỏ đi, mặc đứa con thơ cho chồng. Thương con xót cháu, tôi đã đón cháu nội về bế bồng, chăm sóc”.
Mẹ bỏ đi, bé Nga dần lớn trong vòng tay ấm áp của bà nội và người cha nghèo. Ngày ngày, cha bé Nga đạp xích lô chở hàng thuê kiếm tiền trang trải nuôi cả gia đình. Khi bé lên 2, cha bé bị trúng gió chết ngoài đường không mảnh chăn đắp thân. Không bao lâu, mẹ bé gặp tai nạn và ra đi.
Kể từ đó, đứa trẻ 2 tuổi mắc bệnh down chưa biết gọi tiếng cha tiếng mẹ đã trở thành đứa trẻ mồ côi đáng thương. Những tháng ngày tập tễnh biết bò, biết đi chỉ có bà ở bên. Có lẽ, tuổi thơ trong em chỉ đọng lại tiếng hát ru à ơi của người bà.
Lên 2, bé Nga trở thành đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ
Bà nội là mẹ, là cha soi bước cuộc đời bé thơ
Con trai, con dâu ra đi, bà Hằng nén nỗi đau vào trong, gắng gượng nuôi đứa cháu gái thành người. “Cháu gái lớn khôn từng ngày nhưng trí não mãi như đứa trẻ 1-2 tuổi khiến tôi buồn lắm. Ông trời thật bất công, đã lấy đi của con bé sự nhận thức, ba mẹ. Giá như, nó có thể phát triển bình thường như những đứa trẻ khác thì tốt biết mấy. Khi tập tọe biết nói, tôi đã dạy nó gọi tôi là má để nó có thể cảm nhận được tình mẫu tử”, bà Hằng tâm sự.
Thấy má trò chuyện cùng người lạ, đứa trẻ 12 tuổi ngờ nghệch ấy quay sang gọi “Má ơi! Đói” khiến tôi giật mình. Bởi, tôi chỉ nghe rõ duy nhất tiếng “má ơi”. Phải chăng, tiếng gọi lưu loát ấy chất chứa bao tình cảm của đứa trẻ mắc bệnh down dành cho người bà vừa là mẹ, vừa là cha.
Trước kia, bà Hằng và cô cháu gái lang thang nơi gầm cầu, ngủ đêm chỗ cho mái che ngoài đường,…Từ khi bé Nga bệnh nhiều, bà Hằng đã dành tiền thuê 1 căn phòng trọ trong hẻm sâu để hai bà cháu có chỗ trú mưa, tránh sương khi đêm về.
Kể từ đó, em khôn lớn trong vòng tay ấm áp của người bà nội già yếu
“2-3 năm trước, tôi gửi cháu đi lớp để có thời gian bán vé số, nhặt ve chai kiếm tiền. Nhưng số tiền lời không đáng bao nhiêu, tôi đành xin phép cho cháu nghỉ học và chở cháu đi lượm ve chai. Kể từ đó, con bé cùng tôi rong ruổi khắp các con hẻm trên chiếc xe đạp”, bà Hằng cho hay.
Đứa trẻ mắc bệnh down càng lớn, đôi vai người bà già yếu sắp bước qua tuổi 60 càng nặng gánh bao nhọc nhằn, khó khăn. Thường ngày, bé Nga được bà nội chở đi khắp các con đường quanh Quận 1, Quận 4 lượm nhặt ve chai. Khoảng 4h chiều, hai bà cháu quay về chân cầu Calmette, ngồi vệ đường đợi người quen đến cho ve chai. Nếu có người thương, họ dừng xe cho bà cháu hộp cơm hay chiếc bánh ngọt.
Cô bé 12 tuổi ngờ nghệch và ngoan ngoãn
Dù ngờ nghệch và không nhận thức được mọi thứ xung quanh nhưng bé Nga khá nhanh và ngoan ngoãn. Người đi đường tấp lại cho đồ, Nga nhanh nhẹn đứng lên và xin bằng 2 tay. Sau đó, em ú ở câu nói cảm ơn và đưa cho má cất gọn vào bao nilong chờ tối về ăn.
Nghĩ đến tương lai, người bà già yếu tâm sự: “Nhiều đêm, tôi trăn trở về tương lai cho đứa cháu gái khờ người lắm. Nó càng lớn, tôi càng buồn và sợ. Tôi sợ, tôi chết đi sẽ không có ai chăm lo cho cuộc sống của nó. Nó sẽ lại ngủ ngoài đường và trúng gió chết như cha nó”.
Dạo gần đây, sức khỏe của bà Hằng dẫn yếu đi. Mỗi khi trái gió trở trời, đôi chân lại nhức mỏi từng cơn dài nhưng bà không có tiền đi khám, mua thuốc chữa trị. Bà cho hay, người ta cho tiền bà thường tiết kiệm, dành dụm mua thuốc cho đứa cháu gái nhỏ.
“Từ nhỏ, con bé rất hay bệnh tật. Khi lớn, nó khỏe lên chút ít nhưng cổ họng bị viêm amidan nên thường xuyên ốm vặt. Tôi có đưa cháu đi khám nhưng bác sĩ quyết định không mổ vì đụng tới dao kéo, con bé sẽ không bao giờ tỉnh lại. Tôi đành chấp nhận cho cháu đau đớn để giữ nó lại bên mình”, bà Hằng cho hay.
Ngờ nghệch, không nhận thức được mọi thứ xung quanh nhưng bé Nga khá nhanh và ngoan ngoãn.
Nhận chiếc đèn lồng và bánh nướng từ tay người lạ, tôi cảm nhận ánh mắt bé Nga vui hơn hẳn. Với em, Tết đoàn viên chỉ vậy là đủ. Mong rằng, chị Hằng, chú Cuội ở đâu đó sẽ luôn giúp đỡ cho hai má con em bớt cực khổ hơn phần nào!!!
Em vui vẻ chăm chú ngắm nhìn chiếc đèn lồng
Nụ cười hạnh phúc của cô bé 12 tuổi dành tặng cho người má thân thương
Bao nhọc nhằn, khó khăn trong cuộc sống đè nặng lên đôi vai người bà già yếu khi đứa cháu dần lớn lên
Hi vọng, cuộc sống của đứa ấy sẽ no đủ, ấm áp phần nào