Có thể nói, đến bây giờ tôi phần nào thở phào nhẹ nhõm về sự thay đổi của con mình. Nó giống như một “cuộc cách mạng” của tôi vậy. Bởi năm học trước, cả hai mẹ con đã vô cùng vất vả để tìm được một tiếng nói chung. Nhiều lúc, tôi gần như bất lực và tuyệt vọng hoàn toàn.
Năm con vào học lớn Một, mỗi lần con bị điểm kém tôi sợ sẽ bị mang tiếng là không biết dạy con, sợ bị cô giáo và phụ huynh khác chê cười nên luôn áp đặt suy nghĩ của mình lên con. Cứ thế dẫn đến tình trạng mẹ khủng hoảng tâm lý, thường xuyên cáu gắt, con thì sợ học, sợ cả mẹ.
Khi con đi học về, câu đầu tiên tôi sẽ hỏi “Hôm nay con được mấy điểm? có thua bạn nào trong lớp không?”. Hôm nào con được điểm cao thì tôi vui vẻ và khen con rối rít, còn hôm nào con bị cô chê trách thì hôm đó xác định là bị nhốt ở nhà, không đi đá bóng hay xem hoạt hình nữa. Thay vào đó là thời gian luyện chữ theo những cuốn vở hoặc làm toán cao cấp.
Việc dạy con của tôi khiến bầu không khí trong nhà trở nên căng thẳng. Chồng tôi có góp ý: "Em nói nhỏ tiếng thôi, quát to thế hàng xóm họ cười cho đấy". Tôi cao giọng: "Anh giỏi thì đi mà dạy con!". Thế là hai vợ chồng lại giận dỗi, chẳng ai nói với ai câu nào, “chiến tranh lạnh” vì chuyện học của con.
Tôi đã tìm ra được phương pháp đặc biệt để dạy con học vô cùng hiệu quả.
Tình trạng ấy cứ liên tiếp kéo từ ngày này qua ngày khác, chữ viết con vẫn xấu, không có hàng lối. Môn Toán con học kém đi rất nhiều nên thường xuyên bị cô giáo nhắc nhở. Tôi buồn hơn khi đến giờ học con lại khóc, hỏi lý do vì sao sợ học cũng không nói. Nhiều lần nó chỉ dám nói thầm với bố “con sợ mẹ mắng”.
Có lần, dạy con học, trả lời sai đúng một câu mà tôi cáu, bực bội và cho rằng con không thông minh. Tôi liền cầm cây bút đánh mạnh vào tay con. Khi ấy, con đã khóc rất to và nói: "Con ghét mẹ! Con ghét mẹ!". Sau đó chạy thẳng vào nhà vệ sinh và khóa trái cửa mặc kệ cho vợ chồng tôi gọi, xin lỗi để con ra ngoài.
Nghe con khóc, lòng tôi quặn đau, lúc này tôi mới nhận ra rằng, từ trước giờ mình đã quá nặng lời và chưa baogiờ nghe con trải lòng mình. Mãi sau chồng tôi đã “dụ” được con ra, tôi ôm lấy con trai mình mà khóc. Kể từ đó, tôi tự hứa với bản thân sẽ không bao giờ đánh mắng con nữa. Nhưng cũng không biết phải làm gì với con lúc này.
Quá mệt mỏi vì những phương pháp dạy con, tôi đem câu chuyện của mình chia sẻ với Phương – cô bạn thân từ thời nhỏ. Phương nhìn tôi cười: “Đây là tình trạng của khá nhiều bà mẹ dạy con học bài hiện nay. Luôn dùng một tâm thế bực bội, áp đặt vào việc học của con”.
Phương nói, cô cũng dạy con học thêm ở nhà, thế nhưng, cô đã dạy theo phương pháp “Chọn yêu thương thay kỷ luật”. Con gái Phương từ không thích học đã ngoan ngoãn nghe lời mẹ ngồi học bài. Khi con được điểm thấp thì Phương động viên con, chỉ cần con cố gắng sẽ đạt được thành tích cao. Nghe Phương phân tích tôi thấy như bừng sáng. Tôi về áp dụng đúng phương pháp này với con trai tôi, dần dần Minh đã học hành tiến bộ hơn rất nhiều, con thật sự hứng thú và chủ động trong việc học cả ở trường và ở nhà.
Ngày nào cũng vậy, từ khi năm học mới bắt đầu, cứ đúng 7h tối là bé Minh lên phòng học bài. Bạn bè hàng xóm quanh nhà tôi hết sức ngạc nhiên vì sao mới đầu năm học mà bé đã thay đổi và chăm học đến vậy. Mọi chuyện đã thay đổi hoàn toàn kể từ 6 tháng nay. Tôi không cần ngồi cạnh con những giờ học bài mà con tôi tự lấy sách vở ra học bài. Giờ tôi tự hào về con mình không phải vì học giỏi mà vì con đã hứng thú với việc học bài, làm bài tập về nhà.