Tam giác địa chính trị Moscow - Ankara - Berlin có thành hiện thực?

GD&TĐ - Các biện pháp trừng phạt do Mỹ áp đặt đối với Nga và Thổ Nhĩ Kỳ cũng như việc áp thuế thương mại chống lại EU đã kích hoạt cho sự hình thành tam giác địa chính trị Moscow - Ankara - Berlin. 

Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara hôm 14/8
Ngoại trưởng Nga S.Lavrov và Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu tại Ankara hôm 14/8

Tổng thống Nga V.Putin và Thủ tướng Angela Merkel vừa gặp nhau ở Đức để ủng hộ Thổ Nhĩ Kỳ khi đồng lira sụp đổ vì xung đột với Washington. Và vào tháng 9 tới, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan sẽ có chuyến công du quan trọng tới Berlin.

Từ chuyến công du đặc biệt của S.Lavrov

Hôm thứ Ba (14/8), tại thủ đô của Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov và người đồng cấp Mevlut Cavusoglu chia sẻ với nhau trên hầu hết các vấn đề (bao gồm cả Syria) và chỉ trích chính sách của Washington. Theo họ, Washington đang hù dọa toàn bộ châu Âu.

Đây là lần thứ năm Sergei Lavrov gặp Mevlut Cavusoglu trong năm nay. Chuyến thăm của ông đến Ankara được sắp xếp bởi phía Thổ Nhĩ Kỳ để không ai có thể nghi ngờ rằng quan hệ giữa Ankara và Moscow đã đạt đến hoàng kim thực sự.

Đặc biệt, nó đã được chứng minh bởi sự hiện diện của ông Lavrov trong sự kiện thuần túy nội bộ của Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ - cuộc họp của các đại sứ Thổ Nhĩ Kỳ ở nước ngoài và các đại sứ của các tổ chức quốc tế. Diễn đàn như vậy được tổ chức hàng năm bởi Bộ Ngoại giao Nga, nhưng người nước ngoài tuyệt đối không được mời. Ở Thổ Nhĩ Kỳ, khách nước ngoài đôi khi được mời, nhưng chỉ trong trường hợp đặc biệt. Sergei Lavrov nhận được lời mời như vậy. Ông Lavrov đã có buổi diễn thuyết trước các nhà ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ, và sau đó nói chuyện với họ thêm một giờ nữa trong điều kiện không có báo chí tham dự.

Trong bối cảnh các cuộc cãi vã và chiến tranh thương mại gần đây giữa Washington và Ankara - đồng minh của Mỹ ở NATO, việc Thổ Nhĩ Kỳ trở nên thân thiết với Nga hơn cũng là lẽ thường.

"Đây là một xác nhận nữa về mức độ quan hệ mật thiết giữa Ankara và Moscow"- Đại sứ Nga tại Thổ Nhĩ Kỳ Alexei Erkhov không giấu sự hài lòng của mình trong cuộc trò chuyện với Kommersant.

Sergei Lavrov cũng đánh giá cao cử chỉ của đối tác: "Đây là một ví dụ rõ ràng về mức độ tin tưởng lẫn nhau, mối quan hệ của chúng tôi đang phát triển cùng với quỹ đạo ngày càng tăng". Đặc biệt, Ngoại trưởng Nga đã cám ơn Ankara đã không tham gia vào các biện pháp trừng phạt chống lại Moscow do Mỹ khởi xướng.

Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ Mevlut Cavusoglu khẳng định: "Quan hệ song phương của chúng tôi trong mọi lĩnh vực đang phát triển tích cực". Đặc biệt, ông Mevlut Cavusoglu đã nói rõ rằng một sự thỏa hiệp có thể xảy ra ngay cả ở tỉnh Idlib của Syria, nơi đang gây ra những bất đồng sâu sắc giữa Ankara và Damascus. Chính quyền Syria muốn thành phố này phải hoàn toàn đặt dưới quyền kiểm soát của họ, còn Thổ Nhĩ Kỳ lại kịch liệt phản đối điều này.

Tại một cuộc họp báo chung, ông Cavusoglu bày tỏ sự tự tin rằng một giải pháp cho vấn đề này sẽ được tìm thấy. Đồng thời, ông phản đối giải pháp ném bom toàn bộ lãnh thổ của Idlib. "Đây là hành động tự sát, là mở ra một cuộc khủng hoảng mới. Các cuộc đụng độ trong tương lai có thể tiếp tục"- Mevlut Cavusoglu cảnh báo. Về phần mình, Sergey Lavrov cho rằng giữa ông và đồng nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đã có một cuộc trò chuyện "chuyên nghiệp", bao gồm cả vấn đề "thực hiện đầy đủ các thỏa thuận về các khu vực không leo thang".

Ngoài Syria, cả hai Ngoại trưởng đều hết sức quan tâm đến Hoa Kỳ, người áp lệnh trừng phạt với cả Moscow và Ankara.

Lavrov mô tả các hành động của Mỹ là: “Mong muốn thống trị ở khắp mọi nơi và trong mọi lĩnh vực, áp đặt chính sách, đặt nhạc hiệu trong các vấn đề của thế giới mà không đoái hoài đến quan điểm của người khác để đạt được lợi thế trong thị trường toàn cầu, lợi ích một chiều cho doanh nghiệp của họ".

Trong đó có việc trừng phạt các đồng minh của họ như Thổ Nhĩ Kỳ chẳng hạn - Ngoại trưởng Nga khẳng định. "Một chính sách như vậy không thể là cơ sở cho một cuộc đối thoại bình thường. Các đòn trừng phạt bất hợp pháp, làm suy yếu tất cả các nguyên tắc của thương mại thế giới" - Ngoại trưởng Nga nhấn mạnh: Sự lạm dụng vai trò của đồng đô la có thể dẫn đến thực tế rằng nó sẽ giảm, nhiều quốc gia sẽ từ bỏ đồng đô la.

Chia sẻ với những suy nghĩ của người đồng cấp Nga, Mevlut Cavusoglu cho rằng các biện pháp trừng phạt của Mỹ làm không chỉ các quốc gia chống lại họ lo ngại. Mọi người đều lo lắng về việc trừng phạt. Tổng thống của chúng tôi (Recep Tayyip Erdogan - ND) đã nói thẳng với Tổng thống Mỹ Donald Trump rằng hành vi như vậy là sai lầm và không phù hợp.

Đến ý tưởng liên kết với các nước EU

Liên minh châu Âu hiểu rằng, "hôm nay Thổ Nhĩ Kỳ là đối tượng của biện pháp trừng phạt của Mỹ, và ngày mai, nối tiếp Thổ Nhĩ Kỳ có thể là bất kỳ quốc gia châu Âu nào khác".

Thời gian gần đây, Washington tiến hành các biện pháp trừng phạt chống lại người đứng đầu của Bộ Nội vụ và Bộ Tư pháp, cũng như áp thuế xuất khẩu đối với kim loại của Thổ Nhĩ Kỳ. Động thái này đã gây ra sự phản ứng gay gắt của Ankara. Moscow không bỏ lỡ cơ hội này khi có các động thái xích lại gần với Thổ Nhĩ Kỳ. Không phải ngẫu nhiên mà bên lề Hội nghị Thượng đỉnh BRICS tại Nam Phi vừa rồi, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan đề nghị các thành viên BRICS kết nạp Thổ Nhĩ Kỳ vào khối. Nên nhớ, Thổ Nhĩ Kỳ đang là thành viên chính thức của NATO.

Việc gia nhập BRICS của Thổ Nhĩ Kỳ quả là câu chuyện dài. Điều làm giới phân tích hết sức quan tâm là những tín hiệu tích cực đang phát đi từ trục Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - Đức. Ngày13/8, Thổ Nhĩ Kỳ ủng hộ Thủ tướng Đức Angela Merkel, người có cuộc xung đột gần đây khá căng thẳng với Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan. "Đức muốn nhìn thấy một Thổ Nhĩ Kỳ thịnh vượng về kinh tế và đó là mối quan tâm của chúng tôi" - Bà Angela Merkel khẳng định. Thủ tướng Đức lặp đi lặp lại rằng chẳng ai vô tâm với bất ổn kinh tế của Ankara. Sự ấm lên trong quan hệ Đức - Thổ Nhĩ Kỳ được đánh dấu bởi chuyến thăm Berlin của Tổng thống Erdogan, dự kiến vào cuối tháng 9.

Đại sứ Nga tại Ankara Alex Erhov tin rằng biện pháp trừng phạt của Mỹ đã trở thành một chất xúc tác cho sự hình thành tam giác quan hệ Nga - Thổ Nhĩ Kỳ - EU. "Ngữ cảnh hiện tại kích thích các liên hệ đó. Cuộc sống quốc tế không trở nên dễ dàng hơn, có nghĩa là chúng ta phải gặp gỡ và đàm phán. Đây là bản chất của ngoại giao quốc tế" - ông Alex Erhov kết luận trong một cuộc phỏng vấn với Kommersant.

Các chuyên gia Thổ Nhĩ Kỳ cũng thu hút sự chú ý đến lợi ích chung của "bộ ba", nhưng họ nghi ngờ rằng sự gắn kết của ba nước khó có thể đủ mạnh. "Nga, Thổ Nhĩ Kỳ và Đức là những quốc gia bị ảnh hưởng từ chính sách của Mỹ hơn nhiều quốc gia khác trên thế giới" - Cựu Bộ trưởng Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ Yasar Yakysh khẳng định - hợp tác của họ là rất quan trọng, nhưng những khó khăn của họ trong quan hệ với Mỹ mang bản chất hoàn toàn khác nhau.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

Tiền đạo Tottenham lên chức bố

GD&TĐ - Tiền đạo Richarlison của Tottenham và tuyển Brazil vừa thông báo anh sắp được làm bố khi bạn gái Amanda Araujo đang mang thai.