Tạm dừng là đúng!

GD&TĐ - Vừa bước vào tiết Xuân phân, người Hà Nội còn đang tiếp tục đưởng hưởng khí trời mát mẻ giữa mùa xuân trước khi bước những cơn nắng nóng đổ về thì không khí bỗng nóng hừng hực bởi “chiến dịch” ra quân chặt 6.700 cây xanh của Công ty công viên cây xanh.

Tạm dừng là đúng!

Người dân phản ứng, hàng loạt cơ quan ngôn luận đưa ra ý kiến phản đối của người dân. Nhưng cơ quan quản lý thì lại bảo việc nhỏ.

Nhỏ sao được với người Hà Nội khi mỗi con phố gắn với từng hàng cây, đứng đơn côi che chắn nắng mưa giá rét cho người dân, cây cũng là chứng tích lịch sử ghi lại những dấu ấn đổi thay của Hà Nội.

Một thời gian dài, Hà Nội được mệnh danh là thành phố của cây xanh và hồ ao.

Người Pháp khi quy hoạch và xây dựng Hà Nội đã tính rất kỹ việc trồng những loại cây gì ở những con phố nào, như hàng cây sao đen trên đường Lò Đúc, dãy bàng ở phố Phùng Hưng, hàng sấu tỏa bóng mát trên những con đường lớn như Phan Đình Phùng và đường Trần Hưng Đạo, rồi những hàng bằng lăng không chỉ tỏa bóng mát mà còn báo hiệu mùa hè về với những chùm hoa rực rõ.

Ai cũng biết là hồ ao đang mất dần, cây xanh là một bộ phận quan trọng cấu thành nên những giá trị văn hóa của Hà Nội, nó đã đi vào thơ ca và âm nhạc cũng không còn nhiều nữa, thế nên bức xúc với chủ trương chặt hạ tới 6.700 cây của những người Hà Nội và yêu Hà Nội cũng là điều dễ hiểu.

Có ai dám chắc những nghiên cứu của Sở Xây dựng Hà Nội và Công ty Công viên cây xanh hơn được những gì mà người Pháp đã tính toán để lại bằng những dấu ấn văn hóa, những hàng cây con phố ở Hà Nội.

Có thể nói việc chặt cây xanh với Hà Nội luôn phải được coi là một việc rất lớn, và nó sẽ trở nên quá lớn khi có tới 6.700 cây xanh được lên danh sách chặt hạ. Thật hiếm khi mà đồng loạt một chủ trương đưa ra mà nhận được quá nhiều ý kiến phản đối của người dân đến như vậy.

Từ những nhà khoa học, chuyên gia về đô thị, nhà nghiên cứu lịch sử hay người dân phố... Người ta còn thành lập cả website lấy chữ ký gửi lên lãnh đạo Hà Nội để bày tỏ quan điểm phản đối.

Nhà báo Trần Đăng Tuấn khuyến nghị nên công khai cây nào bị chặt để dân bàn, Nhà sử học - đại biểu quốc hội Dương Trung Quốc cho rằng cần lắng nghe ý kiến các chuyên gia các nhà khoa học về việc đốn hạ số lượng lớn cây xanh như trên, việc trồng mới cũng phải có cơ sở khoa học, hợp lý chứ không phải thực hiện ồ ạt.

Chỉ ra bấp hợp lý của việc lựa chọn cây gỗ vàng tâm để thay vào những cây chặt hạ, GS.Nguyễn Lân Dũng cho rằng vàng tâm là cây gỗ quý, có giá trị tương đương với cây sưa, thường mọc ở rừng sâu trong độ cao khoảng 100 – 700m, ưa đất chua và lớn rất chậm đòi hỏi độ cao và không khí lạnh mới có thể phát triển.

Còn nhớ cách đây mấy năm khi Hà Nội rộ lên những vụ chặt trộm cây sưa, lúc đó một sáng kiến “mặc áo giáp” cho những cây này nhằm bảo vệ việc bị chặt trộm khiến đã được đưa ra thực hiện khiến cho dư luận được một phen cười ngả nghiêng, việc này sau đó phải dẹp bỏ. Cứ tưởng tượng vài chục năm nữa, nếu Hà Nội những cây vàng tâm có giá trị đã phương trưởng thì không biết có lo phải bị chặt trộm nữa không...

Nói ra chuyện này cho vui thôi, chứ Hà Nội cũng đã thay đổi, đã yêu cầu phải rà soát lại danh sách những cây bị chặt và lấy ý kiến người dân, ở một số cây nằm trong diện chặt hạ đã có biển xin ý kiến.

Nhưng kể ra, nếu trước khi thực hiện, những người đưa ra chủ trương trên đặt mình vào vị trí người dân, nếu chưa hiểu hết những giá trị văn hóa lịch sử của Hà Nội, thuộc tính của từng loài cây… thì lấy ý kiến của người dân và các nhà khoa học thì hay biết mấy!  

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ