Tấm Cám: Chuyện chưa kể... trên phim

Tấm Cám: Chuyện chưa kể là phiên bản được chờ đón bởi nhiều khán giả tò mò muốn biết các nhà làm phim biến tấu câu chuyện quá đỗi quen thuộc này như thế nào mà tốn kém đến khoảng 20 tỷ đồng như công bố.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể... trên phim
Tam Cam: Chuyen chua ke... tren phim - Anh 1

Kỹ xảo trong phim có nhiều tiến bộ, trong ảnh là nhân vật ông bụt được xây dựng khá hài hước, dễ thương

Hiếm có câu chuyện cổ tích Việt Nam nào gây nhiều hứng thú cho những người làm nghệ thuật như Tấm Cám. Đã có phiên bản nhạc kịch Tấm Cám, kịch Tấm Cám và giờ là phim. Tấm Cám: Chuyện chưa kể (khởi chiếu từ ngày 19/8) là phiên bản được chờ đón bởi nhiều khán giả tò mò muốn biết các nhà làm phim biến tấu câu chuyện quá đỗi quen thuộc này như thế nào mà tốn kém đến khoảng 20 tỷ đồng như công bố.

Câu chuyện của sự sáng tạo

Vẫn trung thành với những tình tiết trong cổ tích: Tấm bị mất con cá bống, ông bụt hiện ra giúp sức mỗi khi Tấm khóc, lễ hội thử giày, Tấm trèo cây cau ngã chết, Tấm hết biến thành chim vàng anh, cây xoan đào rồi tới trái thị. Phần cải biên nằm ở chỗ nhân vật trung tâm của phim không nằm ở Tấm hay Cám mà là thái tử. Chàng thái tử trong phim vừa phải giữ vững biên cương bờ cõi, vừa phải đối đầu với thế lực thù địch bên trong triều đình. Để làm đầy đặn và kịch tính cho phần cải biên này, hàng loạt nhân vật xuất hiện: sát thủ Thạch Biền giết người không gớm tay, võ tướng Trần Bằng và Nguyễn Lực - hai người bạn thân của thái tử, thái giám Thuận Nô, thừa tướng - kẻ muốn tiếm ngôi vua của thái tử.

Lý do chọn Tấm Cám và nhào nặn thêm các nhân vật, đặc biệt là bộ tứ Thạch Biền, Trần Bằng, Nguyễn Lực, Thuận Nô, theo đạo diễn Ngô Thanh Vân là vì yêu thích thông điệp nhân văn ở hiền gặp lành, ác giả ác báo của câu chuyện và muốn bộ tứ Isacc, ST, Will, Jun Phạm của nhóm 365 có cơ hội thử sức diễn xuất. “Các nhân vật trong chuyện cổ tích Tấm Cám đã rõ ràng nên khó nhất là làm sao “nhét” bốn anh em 365 vào mà vẫn thuyết phục người xem. Ê kíp quyết định viết thêm các tình tiết để giải quyết những điểm mấu chốt đã quen thuộc”.

Năm biên kịch cùng Ngô Thanh Vân dành ra ba tháng để cùng viết, chỉnh sửa, thêm thắt, dựng nên một nội dung mang phong cách mới trên nền câu chuyện quen thuộc. Tấm Cám: Chuyện chưa kể khá hiện đại với ông bụt rất nhí nhảnh; những võ tướng với mái tóc nhuộm, tết rất cầu kỳ; ba mẹ con Tấm Cám ăn vận lộng lẫy, cầu kỳ, lệch tông hẳn với những nhân vật xung quanh; nhân vật nói giọng Bắc, Trung, Nam và cả giọng người dân tộc thiểu số lơ lớ…

Một sáng tạo đáng chú ý khác là cảnh hai con quái vật đánh nhau dữ dội ở gần cuối phim. Để đưa con quái vật Cự Yết Tinh tạo bằng công nghệ 3D này vào phim, ê kíp làm kỹ xảo Cyclo Animation phải mất một năm lên mẫu, thiết kế và thử nghiệm. Kỹ xảo trong phim như cảnh hoa rơi, hệ thống thác nước - cầu đường, phối cảnh cung đình nhìn từ trên cao… chưa thật tự nhiên. Nhưng những “hạt sạn” kỹ thuật này và cả “sạn” trong nội dung phim có thể được thông cảm. Bởi đây được xem là một “bom tấn” thuần Việt trong thời buổi tràn ngập phim ngoại và không ít phim Việt mời chuyên gia nước ngoài tham gia.

“Ở hiền rồi sẽ gặp lành”

Cái hay và cái dở trong bộ phim đầu tay này của Ngô Thanh Vân đã được thể hiện. Nhưng hiếm có phim Việt chiếu rạp nào mà bản thân nội dung phim lại không gây chú ý nhiều bằng số phận của bộ phim như Tấm Cám: Chuyện chưa kể. Sau nhiều ngày râm ran thông tin phim sẽ không được vào hệ thống rạp CGV, đến ngày 17/8, số phận của phim đã được định đoạt khi phía BHD - đơn vị phát hành phim chính thức thông báo: “Việc không đưa phát hành Tấm Cám: Chuyện chưa kể tại hệ thống rạp CGV là một quyết định khó khăn của chúng tôi vì bất cứ nhà làm phim, nhà sản xuất, đạo diễn nào cũng mong muốn bộ phim của mình đến được với đông đảo khán giả nhất. Để có một sự công bằng trong việc phát hành phim Việt và đồng nhất trong tỷ lệ ăn chia với các cụm rạp trong cả nước, tại thời điểm này, chúng tôi rất lấy làm tiếc phải thông báo là bộ phim sẽ lỗi hẹn với khán giả yêu phim Việt tại các cụm rạp CGV”.

Khúc mắc khiến bộ phim không có mặt ở cụm rạp CGV nằm ở chỗ phía BHD muốn tỷ lệ ăn chia 50%-50% thay vì 45% (nhà sản xuấtphát hành) - 55% (chủ rạp) như lâu nay CGV áp dụng với phim Việt, nhưng CGV không chấp nhận. Lý lẽ BHD không đồng thuận với CGV là vì tỷ lệ lấy phim của CGV thấp hơn tỷ lệ của một phim Việt đầu tư trung bình do CGV phát hành và thấp hơn rất nhiều so với tất cả tỷ lệ mà BHD Star đã ký với các đối tác khác như Lotte, Galaxy và các cụm rạp khác.

Về phía CGV, trong thông cáo báo chí gửi đi vào tối 17/8 lập luận rằng: “Với suất chiếu lớn thì chi phí để vận hành rạp sẽ rất cao. Thực tế, trong việc phát hành phim, CGV và các đối tác sẽ cùng nhau xây dựng và thống nhất áp dụng tỷ lệ phân chia doanh thu phòng vé dựa trên chất lượng phim, số lượng rạp chiếu và phòng chiếu của đơn vị phát hành. Tỷ lệ này đã thống nhất từ trước tới nay cho tất cả các phim Việt Nam khi phát hành tại rạp CGV”.

Tấm Cám: Chuyện chưa kể mất cơ hội tìm kiếm 40% doanh thu từ các cụm rạp CGV (vì số rạp CGV chiếm 40% lượng rạp trên toàn quốc) rõ ràng là cú sốc rất lớn đối với nhà sản xuất Ngô Thanh Vân. Người tiên phong thường bao giờ cũng chịu thiệt thòi. Nhưng như triết lý “ở hiền gặp lành” trong câu chuyện Tấm Cám, biết đâu trong cái rủi sẽ có cái may. Tấm Cám: Chuyện chưa kể đang có nhiều lợi thế để hút khách: sự yêu thích cốt truyện cổ tích thân thuộc, lực lượng fan đông đảo của nhóm 365 và cả ồn ào rạp Hàn không nhận chiếu phim Việt.

Nhưng kéo khán giả đến rạp vẫn phải nằm ở chính chất lượng của bộ phim chứ không phải tiện nghi rạp chiếu. Không ít phim Việt được ưu ái chiếu khắp các rạp trên cả nước nhưng chất lượng không tương xứng nên vẫn thất bại về doanh thu.

Khi nữ chính”đơ”

Chỉ đạo diễn xuất dàn diễn viên chủ chốt hầu hết không chuyên trong Tấm Cám: Chuyện chưa kể là áp lực không nhỏ với đạo diễn Ngô Thanh Vân. Cô đã giúp lột xác thành công một Ninh Dương Lan Ngọc hiền lành trong các phim trước đây thành một Lan Ngọc “ác từ trong trứng”. Vẻ độc ác của nhân vật được Lan Ngọc thể hiện rất “ngọt” từ ánh mắt liếc sắc đến giọng nói đay nghiến. Ấn tượng nhất là đoạn Cám quỳ lạy xin thừa tướng tha mạng sau khi không hoàn thành nhiệm vụ. Đối nghịch với một nàng Cám sống động là một cô Tấm hiền lành đến mức nhạt nhòa. Hạ Vi có ngoại hình khá thích hợp với hình ảnh cô Tấm nhưng tiếc là khả năng diễn xuất có hạn nên dù lúc nhân vật cười, khóc, vui sướng hay tỏ thái độ hả hê khi trả được thù ở cuối phim thì biểu cảm gương mặt của cô chỉ có một kiểu: đơ

Theo Phụ Nữ TP.HCM

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ