“Tam bảo” trong ngôi nhà 100 tuổi đẹp nhất Châu Đốc

Đến TP  Châu Đốc hỏi thăm “nhà lớn” gần như ai cũng biết đó là ngôi nhà của dòng họ Lê Công.

“Tam bảo” trong ngôi nhà 100 tuổi đẹp nhất Châu Đốc

Không chỉ nổi tiếng vì có tuổi thọ trên 100 năm với những cổ vật quý báu, ngôi nhà còn là niềm hãnh diện của dòng họ bởi những giá trị tinh thần chẳng có gì thay thế được.

Độc đáo từ kiến trúc…

“Ngôi nhà được khởi công từ năm 1909, đến năm 1912 thì hoàn tất. “Nhà lớn” là tên những người phu xe ngày đó đặt cho vì ngôi nhà thời đó được xem là lớn nhất ở đây” – ông Lê Công Thời (sinh năm 1944, phó tộc trưởng dòng họ Lê Công đời thứ 7) cho biết.

Được tận mắt “mục sở thị”, chúng tôi mới cảm nhận được lời đồn đây là ngôi nhà đẹp nhất ở TP. Châu Đốc quả không sai. Thoạt nhìn bề ngoài, ngôi nhà với kiến trúc Pháp dựng lên khá uy nghi trong nội ô thành phố. Những ô cửa sổ kiên cố, mái ngói, hoa văn chạm nổi tinh xảo và có độ bền rất cao.

Điều đáng nói, ngôi nhà không phải được xây dựng bằng xi măng mà chỉ từ những vật liệu: Vôi, ô dước, đường chảy, cát. Thế nhưng, hơn 10 thế kỷ qua, nó vẫn rất vững chãi trước “phong ba”. 

Bên trong phủ thờ vẫn có sự hiện diện của những đồ trang trí phương Tây: Đèn treo trần nhà, gạch lót nền. Nhưng chúng lại có sự hài hòa với lối kiến trúc phương Đông vô cùng độc đáo.

Toàn bộ vật dụng bằng gỗ trong nhà đều được cẩn ốc xà cừ. Theo ông ba Thời, gỗ để dựng nhà được mua từ Lào – Campuchia, vận chuyển đường sông về. 

Tất cả ốc xà cừ được đưa từ miền Bắc vào (chỉ lấy ốc sống, ốc chết bỏ), và người cẩn cũng chỉ toàn là thợ miền Bắc. Vì thời ấy, nghề cẩn xà cừ trong Nam chưa phát triển. Nơi chính diện là bàn thờ Cửu huyền thất tổ của dòng họ Lê Công. Hai bên, là bàn thờ các vị tổ tiên đời kế tiếp.

Trên mỗi cây cột và các tấm vách đều có những bài thơ khác nhau (cẩn ốc xà cừ) bằng chữ Nôm. “Mỗi bài thơ mang ý nghĩa dạy bảo, khuyên răn con cháu đạo lý làm người. 

Đã có nhiều nhà nghiên cứu từ Trường đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn đến xin tìm hiểu những bài thơ của gia tộc. Nhưng hầu như, họ chưa thống nhất ý kiến với nhau khi dịch từ tiếng Nôm sang tiếng Việt. 

Mỗi sáng, tôi phải dậy sớm để lau chùi và thắp hương tất cả các bàn thờ. Cứ đến ngày giỗ của ông bà, toàn thể con cháu khắp nơi lại tụ về, cử hành nghi thức truyền thống để hiếu kính tổ tiên” – ông ba Thời bày tỏ.

… đến “Tam bảo” gia tộc

Lê Công phủ có ba bảo vật được xem là mang lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phồn thịnh của gia tộc – ngàn vàng không đổi. Đứng đầu “Tam bảo” là Sắc thần Lễ Thành hầu Nguyễn Hữu Cảnh (người có công mở cõi trời Nam). 

Theo đó, Sắc thần chỉ được vua phong đối với những vị thần, thành hoàng hay người có công lớn đối với đất nước (thờ ở đình, chùa). Ngoài ra, chỉ những người có uy tín, lập nhiều công trạng mới được vinh dự thờ Sắc ấy.

Hiện, phủ Lê Công thờ tới hai Sắc thần Nguyễn Hữu Cảnh do vua Tự Đức và vua Minh Mạng ban. Ông ba Thời kể: “Tổ tiên là ông Lê Công Thoàn (gốc tỉnh Thanh Hóa) vào đây lập nghiệp. 

Đến Châu Đốc, ông quyết định chọn nơi đây làm nơi an cư và bắt đầu công cuộc khai hoang. Dần dần, ruộng đất của dòng họ Lê Công rộng khắp nơi. 

Những người nghèo khổ không có tiền thì được cho tiền, không có ruộng thì được cho ruộng để cày cấy. Dòng tộc Lê Công còn hiến đất xây đình, bệnh viện, trường học… Rồi có năm, lũ lụt hoành hành, người dân trong vùng đói, mất mùa liên miên.

Vợ thứ của ông Lê Công Thoàn là bà Huỳnh Thị Phú đã quyết định đi vay “một hột lúa” (một vựa lúa) của quan để cứu đói cho dân. Lúc đầu, các vị quan không cho, nhưng bà tổ Phú đã làm đơn bảo đảm: 

Nếu mùa lúa năm sau mà không trả đủ số lúa vay sẽ chấp nhận bị “tru di tam tộc”. Với tấm lòng nhân hậu đó, bà Phú đã vay được lúa cứu dân nghèo. 

Từ sự việc ấy, triều đình đã ban cho dòng tộc Lê Công vinh dự về triều nhận Sắc phong của Thượng đẳng Đại thần Nguyễn Hữu Cảnh về thờ”.

Từ đó đến nay, Sắc thần luôn được thờ trang trọng ở phía trên bàn thờ Cửu huyền thất tổ của tộc họ. Mùng 10 tháng 5 hàng năm (giỗ cụ Nguyễn Hữu Cảnh), con cháu Lê Công sẽ thỉnh Sắc thần xuống phơi nắng trước 2 ngày (tránh ẩm mốc) và rước về đình thần Châu Phú (TP. Châu Đốc) tổ chức nghi thức. Lễ xong, Sắc thần tiếp tục được thỉnh về phủ Lê Công thờ.

“Tam bảo” thứ hai là bức tranh “Cành vàng lá ngọc” (cành làm bằng vàng, hoa, quả làm bằng ngọc, cẩm thạch quý giá) hơn 100 năm tuổi. Vì giá trị đó, gia tộc Lê Công cất giữ báu vật rất kỹ, chỉ những sự kiện thật lớn mới được lấy ra. 

Ngày thường “Cành vàng lá ngọc” được cất trong một khung sắt với nhiều lớp cửa chắc chắn ở “mật thất” của gia tộc. Đứng vị trí thứ ba trong “tam bảo” là cuốn gia phả của tộc họ. 

Theo ông Ba Thời, cuốn gia phả được ghi đầy đủ tên tuổi, mối quan hệ tất cả những người thuộc dòng dõi Lê Công từ các đời đầu đến nay.

“Cuốn gia phả giúp con cháu biết và tưởng nhớ đến các đời tổ tiên của mình. Vì thế, giá trị tinh thần của nó rất to lớn, khó gì sánh bằng!” – ông ba Thời chia sẻ. Từ ba báu vật đó, con cháu đời sau dòng tộc Lê Công sẽ không bao giờ quên công lao to lớn của tổ tiên và lấy đó làm phương châm, đạo lý sống ở đời.

“TP. Châu Đốc hiện còn khoảng 10 ngôi nhà có tuổi thọ 100 năm tuổi. Song, giữ được giá trị nguyên vẹn thì chỉ còn nhà của dòng họ Lê Công và nhà ông Phủ Dị.

 Trước đây, Trung tâm Văn hóa TP. Châu Đốc đã đi khảo sát các ngôi nhà trên để đưa vào cổ vật của thành phố, có hướng bảo tồn, nhưng gia đình chưa đồng ý nên vấn đề còn bỏ ngỏ. 

Chúng tôi vẫn đang tuyên truyền, vận động họ hiểu, chấp nhận. Bởi, các ngôi nhà đều là di tích chứng minh một giai đoạn của lịch sử nên có giá trị tinh thần rất lớn” – Phó Trưởng phòng Văn hóa TP. Châu Đốc Lê Hồng Lĩnh cho biết.

Theo infonet.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ