Tại sao tình trạng bạo lực, hành hung bác sĩ phần lớn xảy ra ở bệnh viện công?

GD&TĐ - Đại biểu quốc hội đặt câu hỏi khi thảo luận trực tiếp tại hội trường của Quốc hội.

Ảnh minh họa/internet
Ảnh minh họa/internet

Ngành Y tế trước hết cần phải thay đổi từ chính mình

Hiện nay tình trạng người nhà bệnh nhân gây bạo lực, hành hung bác sĩ tại bệnh viện đang đặt ra vấn đề. Chúng ta cần xem xét thấu đáo nguyên nhân vì đâu để có một giải pháp hữu hiệu.
Đại biểu Phan Thái Bình 

Đại biểu Phan Thái Bình – đoàn Quảng Nam băn khoăn, hành động tấn công bác sĩ và nhân viên y tế của người nhà bệnh nhân là không thể chấp nhận được, dù nguyên nhân dẫn đến hành động này là gì đi nữa. Các hành động này phải được xử lý nghiêm theo quy định của pháp luật.

Hành động này ảnh hưởng đến tâm lý chung của người nhà bệnh nhân và các y bác sĩ điều trị tại bệnh viện, cần phải có giải pháp nghiêm túc, theo dõi trên các phương tiện thông tin đại chúng, thời gian qua cũng như đánh giá và ý kiến cử tri.

“Chúng tôi thấy thời gian qua các vụ bạo lực, hành hung đều diễn ra ở các bệnh viện, nhưng phần lớn ở các bệnh viện công. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy ngẫm vì sao và thường diễn ra ở các trường hợp cấp cứu bệnh nhân là chính” - Đại biểu Phan Thái Bình đặt vấn đề.

Cũng theo Đại biểu Phan Thái Bình, có ý kiến cho rằng, người nhà bệnh nhân chưa hiểu hết quy trình cấp cứu, xử lý bệnh nhân nên đề ra yêu sách, yêu cầu bác sĩ, nhân viên y tế làm trái quy trình.

“Tại sao cùng với quy trình đó, nhưng lại ít xảy ra hơn ở các bệnh viện tư. Tôi đề nghị ngành y tế hết sức quan tâm tháo gỡ vấn đề này. Theo tôi ngành y tế trước hết cần phải thay đổi từ chính mình hơn là sử dụng các công cụ pháp luật, tăng cường lực lượng bảo vệ cho các y bác sĩ tại các bệnh viện như hiện nay” - Đại biểu Phan Thái Bình nhấn mạnh.

Đại biểu Phan Thái Bình: Thời gian qua các vụ bạo lực, hành hung đều diễn ra ở các bệnh viện, nhưng phần lớn ở các bệnh viện công
 Đại biểu Phan Thái Bình: Thời gian qua các vụ bạo lực, hành hung đều diễn ra ở các bệnh viện, nhưng phần lớn ở các bệnh viện công

Nguyên nhân do đâu?

Đồng tình với ý kiến của Đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Ngô Thị Kim Yến – đoàn TP Đà Nẵng nêu ý kiến: Nhận định của đại biểu Bình là tại sao tất cả các vụ bạo hành lại xảy ra ở bệnh viện công mà không xảy ra ở bệnh viện tư. Tôi muốn phải khách quan hơn một chút, hiện nay chúng ta nhìn thấy với hệ thống y tế của chúng ta phần lớn là bệnh viện công.

Số lượng bệnh viện tư rất hạn chế. Trong một môi trường làm việc ở bệnh viện công hiện nay rất quá tải, bệnh viện tư tình hình quá tải gần như không có. Vấn đề này khi nhận định, chúng ta phải đưa ra 2 phía để có tính khách quan hơn.

Tranh luận thêm với Đại biểu Phan Thái Bình, đại biểu Ngô Thị Kim Yến cho rằng, ở các bệnh viện công hiện nay, vấn đề chất lượng dịch vụ và bạo hành đối với thầy thuốc có rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên, với các bệnh viện công, tình trạng quá tải, thu nhập của cán bộ y tế, đặc biệt là đội ngũ y, bác sĩ rất thấp.

“Chúng ta thử phân biệt 1 bác sĩ ra trường ở bệnh viện công, thu nhập tất cả các khoản chỉ trên dưới 5 triệu. Trong đó, một bác sĩ ở bệnh viện tư có thể là 30, 50, thậm chí là 100 triệu. Điều đó không thể lý giải cho việc chất lượng dịch vụ của bệnh viện công vì lương thấp mà chất lượng thấp. Tuy nhiên, nó cũng là một khía cạnh để chúng ta xem xét. Đặc biệt, ngành y tế là ngành được tuyển dụng, đào tạo, sử dụng và ưu đãi đặc biệt.

Đại biểu Ngô Thị Kim Yến: Vấn đề chất lượng dịch vụ và bạo hành đối với thầy thuốc có rất nhiều yếu tố
 Đại biểu Ngô Thị Kim Yến: Vấn đề chất lượng dịch vụ và bạo hành đối với thầy thuốc có rất nhiều yếu tố

Hiện nay, sau khi 6 năm ra trường, 18 tháng thực hành ở bệnh viện mới được cấp chứng chỉ hành nghề. Tuy nhiên ngành y tế không hề có thâm niên công tác. Đây là một vấn đề ngành Y tế rất khó khăn để cùng với khó khăn chung của đất nước mà nâng cao chất lượng dịch vụ khám, chữa bệnh” – đại biểu Ngô Thị Kim Yến nêu ý kiến.

"Một vấn đề cử tri hết sức quan tâm, đó là chất lượng thuốc chữa bệnh và các loại thực phẩm chức năng tràn lan, khó quản lý. Từ vụ sản xuất thuốc giả vinaca, trước đó là vụ án ở Công ty Dược Pharma, người dân rất nghi ngờ về chất lượng thuốc chữa bệnh hiện nay. Nhưng tất cả phải trông chờ vào sự quản lý của nhà nước.

Thuốc chữa bệnh không như các loại sản phẩm hàng hóa khác, sự lựa chọn cũng như đánh giá chất lượng của người sử dụng rất khó. Do vậy, trách nhiệm của ngành Y tế và các ngành chức năng trong việc quản lý chất lượng thuốc rất lớn. Người dân hoài nghi nhưng khi vào bệnh viện chữa bệnh thì phải chấp nhận sử dụng loại thuốc đó" - Đại biểu Phan Thái Bình.

Tin tiêu điểm

Minh họa/INT

Chính thức hóa thực tế

Thế giới
GD&TĐ - Đúng 5 ngày sau khi ông Vladimir Putin tái đắc cử Tổng thống lần thứ 5, Chính phủ Nga chính thức coi đất nước đang ở trong tình trạng chiến tranh.

Đừng bỏ lỡ