Từ câu chuyện Rủ nhau đi khám sức khỏe…
Người dân Việt Nam thường hay có câu “rủ nhau” để chỉ hành động cùng nhau đi đâu đó, làm việc gì đó mang tính chất cộng đồng. Ví như “rủ nhau xuống biển mò cua – đem về nấu quả mơ chua trên rừng” hay như đôi vợ chồng tình cảm “rủ nhau đi cấy đi cày, bây giờ khó nhọc có ngày phong lưu”…
Tính chất dân giã, sống đoàn kết, gần gũi với nhau là văn hóa, là bản sắc riêng của người dân Việt Nam. Cũng vì cái nét riêng ấy mà những câu chuyện “rủ nhau đi khám sức khỏe” trở nên lạ lẫm trong con mắt của bạn bè thế giới.
Đó là trường hợp của hai bệnh nhân Đinh Thị L.A (Hà Nội) và Đinh Thị T (Ninh Bình) đã điều trị tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt. Trong khi đưa chị T đi khám, chị L.A nhân tiện khám luôn. Vô tình hai chị em đều phát hiện chung bệnh U thùy tuyến giáp, nhập viện cùng một hôm, nằm cùng một phòng tại Hưng Việt.
Sau một thời gian điều trị, sức khỏe chị L.A khá hơn nên được xuất viện, chị T vì có kèm bệnh tiểu đường nên việc điều trị dài ngày hơn. Chị L.A tâm sự thật là may mắn khi quyết định khám sức khỏe, vì cơ thể vẫn chưa có biểu hiện gì rõ ràng. Nếu không đưa chị T đi khám thì chị L.A giờ vẫn còn đang sống với bệnh mà không biết.
Những câu chuyện như của hai chị L.A và T không phải là hiếm gặp. Bởi thói quen ở Việt Nam đó là có bệnh mới đi khám sức khỏe, không đau không yếu đến bệnh viện làm gì. Những quan niệm này ăn sâu vào tiềm thức của người dân Việt Nam, không chỉ là người dân quê ít tiếp xúc với xu thế hiện đại mà ngay cả giới văn phòng, thậm chí giới CEO cũng bị chi phối.
Chính vì điều này một trong những thực trạng đáng buồn ở nước ta hiện nay, căn bệnh ung thư đang dần trở nên tác oai, tác quái. Chúng luồn lách, len lỏi vào tận ngang cùng ngõ hẻm mỗi địa phương, phủ bóng đen xuống cuộc đời và gieo vào lòng người những nỗi sợ hãi. Ung thư đang trở thành một sát thủ nặng tay, gây ra biết bao cái chết cho người dân Việt Nam. Số lượng tử vong của ung thư hàng năm gấp 7 lần số lượng tử vong vì tai nạn giao thông.
Trên thế giới ung thư cũng là một mối nguy. Tuy nhiên, ở Việt Nam do thói quen ngại đi khám sức khỏe định kỳ, chỉ đi khám khi bệnh đã biểu hiện ra bên ngoài và thường là giai đoạn cuối nên số ca tử vong nhiều hơn.
Tại Nhật Bản, quốc gia có tuổi thọ trung bình cao nhất thế giới, khám sức khỏe định kỳ được thực hiện một cách nghiêm túc, kỷ luật. Vì đây là biện pháp bảo dưỡng cơ thể tốt nhất, hiệu quả nhất, giống như cơ chế bảo dưỡng động cơ vậy.
Còn ở Việt Nam khi khám sức khỏe chưa được quan tâm thì chính những hành động của nhóm nhỏ sẽ tạo nên xu hướng, tạo thành thói quen mới. Vì vậy, những đoàn khám “rủ nhau” có vẻ như bột phát kia cần được nhân rộng ra hơn.
Không chỉ là gia đình đi khám như câu chuyện của ba chị em, mẹ con từ Mộc Châu – Sơn La, hay một nhóm nữ nhân viên văn phòng của ngân hàng BIDV Hải Phòng, thậm chí bốn gia đình ở tỉnh Xiêng Khoảng – Lào … rủ nhau đi khám sức khỏe tại Bệnh viện Ung Bướu Hưng Việt đã và đang nhen lên ngọn lửa mới để khám sức khỏe định kỳ được phổ biến rộng rãi.
Vì sao người Việt Nam ngại đi khám sức khỏe?
Dẫu khoa học phát triển, người dân Việt được tiếp cận nhiều dịch vụ chăm sóc sức khỏe - đời sống tiên tiến hơn, song việc khám sức khỏe định kỳ vẫn bị nhiều người cho là tốn thời gian không cần thiết. Một số người cho rằng “bói ra ma, quét nhà ra rác”, đã khám thì kiểu gì cũng “bới” ra bệnh, tốn kém thêm nhiều chi phí, gây hoang mang lo lắng. Không ít người ngại đi khám tổng quát vì sợ bị bác sĩ “vẽ” ra nhiều xét nghiệm rườm rà, tốn kém...
Ngược lại không ít bệnh nhân chỉ vì không khám sức khỏe định kỳ do rất tin tưởng vào sức khỏe của mình (câu nói thường gặp là: “Tôi đang khỏe mạnh, cần đến bệnh viện làm gì!”). Rất nhiều bệnh lý khi ở thời gian ủ bệnh không hề có triệu chứng lâm sàng, song lúc bộc phát với các dấu hiệu điển hình thì bệnh đã ở giai đoạn trầm trọng, việc chữa trị tốn kém, phức tạp và thậm chí nhiều trường hợp vô phương cứu chữa.
Chính tâm lý ngại thực hiện các xét nghiệm tốn chi phí và thời gian, thiếu tin tưởng vào bác sĩ đã khiến nhiều người phải ân hận khi một ngày kia phát hiện ra mình bị ung thư giai đoạn trễ…
Đánh giá được điều này, trong chương trình mục tiêu quốc gia y tế về phòng và phát hiện sớm ung thư giai đoạn 2012-2015, Chính phủ kêu gọi người dân nâng cao kiến thức bảo vệ sức khỏe của chính mình. Phòng bệnh hơn chữa bệnh, điều này chưa bao giờ sai dù cho khoa học có phát triển thế nào.
Khám sức khỏe định kỳ chính là cách phòng bệnh tốt nhất để phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm, trong đó có ung thư. Nếu như còn ngại ngùng hãy đi khám sức khỏe cùng những người thân, cùng bạn bè, rủ nhau cùng chăm sóc sức khỏe… đó thực sự là hành động đúng đắn để bảo vệ cuộc sống của mỗi người…