Một dược sĩ tại Bắc Kinh cho biết: "Chúng tôi sử dụng da lừa để tạo ra một loại si rô, có tên là Ejiao. Với chất gelatin tìm thấy trong da của con lừa, chúng tôi sản xuất một loại thuốc bổ máu có thể chữa tất cả các loại bệnh như thiếu máu, ho khan hoặc những rối loạn của thời kỳ mãn kinh,... kể cả chứng mất ngủ hoặc mệt mỏi mãn tính. Chúng tôi đã sử dụng loại thuốc này ở Trung Quốc trong nhiều năm qua".
Mặc dù công dụng của loại “dược liệu” này chưa được khoa học chứng minh nhưng nhu cầu sử dụng vẫn ngày càng tăng. Hậu quả là ½ số lượng lừa ở Trung Quốc bị giết mổ để dùng làm thuốc. Xem ra “cung” không đủ “cầu”, thương lái Trung Quốc sang tận châu Phi “vơ vét”. Với tình hình như hiện nay, Tổ chức phi chính phủ Donkey Sanctuary (nơi bảo vệ những chú lừa) vừa gióng lên hồi chuông báo động về nguy cơ tuyệt chủng của loài động vật này.
Theo báo cáo được công bố vào đầu năm nay, Donkey Sanctuary kêu gọi ban hành lệnh cấm buôn bán các sản phẩm được điều chế từ những con lừa trước khi chúng bị tuyệt chủng như nhiều loài động vật khác ở châu Phi cùng những hình phạt khắt khe. Tại vùng đồng bằng trên khắp châu Phi, các băng nhóm buôn lậu đã tàn sát gần hết đàn gia súc. Xác của những con vật được chặt ra theo từng bộ phận, da được lọc ra và bán cho thương nhân Trung Quốc.
Loại siro có tên gọi Ejiao (sản xuất từ da lừa) được cho là có thể chữa tất cả các loại bệnh như thiếu máu, ho khan hoặc những rối loạn của thời kỳ mãn kinh... kể cả chứng mất ngủ hoặc mệt mỏi mãn tính.
Theo Hội Phòng chống ngược đãi thú vật (SPCA) tại Nam Phi, những con vật thường bị trộm từ các trang trại, sau đó bị đánh chết bằng búa và đôi khi chúng bị lột da khi còn sống.
Nếu ở châu Phi, da động vật không có giá trị về thương mại, thì ngược lại ở Trung Quốc da động vật chứa chất gelatin được mua bán khá phổ biến. Theo ước tính gần đây được công bố trên báo chí Trung Quốc, hằng năm, nước này sản xuất 5.000 tấn Ejiao, tức là cần khoảng 4 triệu tấm da lừa. Bởi vì việc buôn bán da động vật ngày càng đắt đỏ mà giá bò ở Nam Phi đã tăng lên (do da bò cũng nằm trong danh sách những loài động vật được dùng làm dược liệu), từ đó mà những tổ chức buôn lậu cũng hoạt động tích cực hơn.
Giá của những con bò đã tăng gấp 5 lần trong những tháng gần đây, mức giá hiện nay là 150 euro. Đầu năm nay, cảnh sát Nam Phi phát hiện một kho hàng chứa đến 5.000 tấm da chuẩn bị bán sang Trung Quốc.
Năm nay, trang web bán hàng trực tuyến Gumtree ở Nam Phi đã cấm buôn bán lừa với mục đích giảm đi sự tàn sát với loài động vật này. Bên cạnh quy định cấm buôn bán lừa trong nước, cũng cần ban hành các điều luật quy định về thời gian đối với việc xuất khẩu các sản phẩm có nguồn gốc từ lừa. Trung Quốc phủ nhận mọi liên can đến hoạt động buôn bán lừa. Vào tháng 1-2017, Đại sứ quán Trung Quốc tại Nam Phi cho biết: "Không có công ty Trung Quốc nào chính thức nhập khẩu da lừa của Nam Phi".
Để ngăn chặn những tổ chức buôn lậu, các cơ quan chức năng trên địa bàn vùng Tây Bắc (nơi có số lượng lừa nhiều nhất Nam Phi) đã bắt đầu đàm phán một thỏa thuận về xuất khẩu da và thịt lừa với tỉnh Hà Nam, Trung Quốc. Nhưng trong bước đầu thực trong kế hoạch hợp pháp hóa việc buôn bán lừa đã vấp phải sự phản đối từ các tổ chức bảo vệ động vật.
Cộng hòa Botswana và Kenya hiện đang xuất khẩu da động vật một cách hợp pháp sang Trung Quốc. Trong thời gian tới, Cộng hòa Namibia sẽ mở thêm lò mổ để xử lý da và thịt trước khi xuất sang châu Á. Ngược lại, Burkina Faso, Mali, Sénégal và Niger đưa ra luật cấm xuất da động vật sang các nước châu Á. Nhưng liệu sẽ kéo dài trong thời gian bao lâu?
Với nhịp độ hiện nay, Trung Quốc sẽ kiếm được nhiều da lừa từ châu Phi, và đây có thể trở thành một loại “dược liệu quý” mới trong các đường dây buôn lậu từ châu Phi sang Trung Quốc.