(GD&TĐ) - Có thể nói, liên kết đào tạo (LKĐT) là mô hình đào tạo khá ưu việt nhằm tạo cơ hội học tập tốt nhất cho toàn xã hội. Không chỉ riêng ở Việt Nam, LKĐT đã từ lâu trở thành mô hình đào tạo quen thuộc trên toàn thế giới.
>>>Xử phạt hành chính 6 đơn vị đào tạo có yếu tố nước ngoài
>>>Phạt 80 triệu đồng do vi phạm liên kết đào tạo
>>>Xử lý sai phạm liên kết đào tạo của hàng loạt trường ĐH, CĐ
Ở Việt Nam, LKĐT ngày càng phát triển do nhu cầu học tập của các cá nhân ngày một cao. LKĐT đã đóng vai trò không nhỏ trong việc cung cấp nguồn nhân lực theo nhu cầu xã hội. Tuy nhiên, trong những năm qua, việc triển khai LKĐT ở nước ta cũng còn không ít bất cập.
(ảnh MH: Internet) |
Những bất cập trong LKĐT ở nước ta
Để mô tả bức tranh LKĐT ở nước ta, không ít ý kiến cực đoan đã dùng cụm từ "loạn liên kết đào tạo". Cũng chẳng trách họ được, chỉ lướt qua những sai phạm trong hoạt động LKĐT của ĐH Y Hải Phòng với các trường Trung cấp Y dược Văn Hiến (Thanh Hóa), CĐ Y tế Ninh Bình, Trung cấp Y dược Thăng Long (Bắc Ninh), ĐH Y dược Thái Nguyên mà Thanh tra Bộ GD-ĐT công bố mới đây, người đọc cũng phải giật mình. Từ thông báo tuyển sinh không nêu rõ hình thức đào tạo, thâm niên công tác chưa đúng quy định theo Thông tư số 06/2008? TT-BYT ngày 26/5/2008 của Bộ Y tế hướng dẫn tuyển sinh đào tạo liên thông trình độ ĐH, CĐ Y dược, đối tượng tuyển sinh không đúng quy định, nội dung hợp đồng và việc Trường Đại học Y Hải Phòng thực hiện giảng dạy và đánh giá là trái quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT của Bộ Giáo dục và Đào tạo quy định về liên kết đào tạo đại học, trung cấp chuyên nghiệp...đến việc tổ chức LKĐT khi chưa có văn bản cho phép của Bộ GD-ĐT, thậm chí, danh sách 28 thí sinh trúng tuyển chương trình LKĐT giữa ĐH Y Hải Phòng và Trung cấp Y dược Văn Hiến có chữ ký photo của Bộ trưởng, đóng dấu đỏ của Bộ GD&ĐT; chữ ký và dấu photo của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hoá, được cơ quan Công an khẳng định là có hành vi làm giả chữ ký của Bộ trưởng Bộ GD&ĐT; có dấu hiệu vi phạm Điều 267 Bộ Luật Hình sự Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Những sai phạm trong LKĐT của ĐH Y Hải Phòng và các trường Y dược nêu trên không phải là hiện tượng cá biệt. Những năm gần đây, "phong trào LKĐT" phát triển rầm rộ về số lượng và hết sức đa dạng về hình thức. Hết các trường ĐH, CĐ từ các thành phố lớn đổ xô về tỉnh lẻ, vùng sâu, vùng xa để chiêu sinh đến các trường từ tỉnh lẻ "tấn công" lên thành phố. Không chỉ các trường ĐH lớn, các trường công lập mà các trường ngoài công lập cũng đua nhau mở các trung tâm LKĐT. Trong bối cảnh ấy, hàng loạt các trung tâm GDTX, các cơ sở dạy nghề bỗng chốc "lột xác" trở thành nơi đào tạo ĐH, CĐ với số lượng tuyển sinh không hề nhỏ. Nhiều trường ĐH, đặc biệt là những trường thuộc khối kinh tế có cả hàng chục, thậm chí cả trăm cơ sở LKĐT rải khắp từ Nam chí Bắc, từ thành thị đến nông thôn, vùng sâu, vùng xa...Trong bối cảnh nhiều trường ĐH, CĐ của ta còn thiếu cán bộ giảng dạy, đào tạo kiểu như thế sao có thể đảm bảo được chất lượng?!
Không dừng lại ở đó, mô hình LKĐT còn vươn tay xuyên quốc gia với khá nhiều bất cập. Tính đến ngày 29/3/2012, Bộ GD-ĐT đã cấp phép cho 178 chương trình LKĐT của 58 trường ĐH, CĐ, các cơ sở đào tạo của Việt Nam với các đối tác nước ngoài. Tuy nhiên, những chương trình LKĐT với nước ngoài vi phạm quy định, thậm chí không phép vẫn cứ diễn ra. Cuối năm ngoái, Bộ GD-ĐT đã phải xử phạt, không công nhận bằng cấp của hàng loạt các cơ sở LKĐT trái phép với nước ngoài như Công ty TNHH Dạy nghề Đào tạo Quốc tế Raffles Việt Nam, Công ty TNHH Nghiên cứu và Giáo dục Việt Nam, Công ty TNHH ILA Việt Nam, Viện Kế toán Quản trị doanh nghiệp...do LKĐT không phép. Tháng 5 năm nay, Bộ GD-ĐT lại phải xử phạt 7 cơ sở LKĐT với nước ngoài trái phép gồm: Viện ĐH Mở Hà Nội, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp, Công ty TNHH đào tạo FTMS, Trường Đại học Hoa Sen, Viện Quản trị tài chính, Công ty TNHH 100% vốn nước ngoài Melior Việt Nam, Công ty TNHH Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore. Ngoài những lỗi phổ biến là đào tạo các chương trình chưa xin phép Bộ GD-ĐT hay giấy phép đã hết hạn, còn nhiều loại vi phạm khác mà các chương trình LKĐT thường xuyên mắc phải. Ví dụ, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp đã bị Bộ GD-ĐT yêu cầu không nhập nhằng về mặt văn bản và địa điểm đào tạo, gây hiểu lầm rằng nhà trường có tham gia LKĐT với Trường ĐH QueBec at Montreal (Canada) hay việc dựa dẫm vào thương hiệu của một trường uy tín còn thể hiện qua việc liên kết giữa những trường có nhiều chỉ tiêu song không tuyển đủ thí sinh với những cơ sở có tên tuổi để "sử dụng" các chỉ tiêu còn thừa đó.
Và quyết định mạnh tay của Bộ GD-ĐT
Ngày 4/5/2012, Bộ GD-ĐT ra Quyết định xử phạt hành chính và chấm dứt hoạt động LKĐT trái phép giữa ĐH Y Hải Phòng với Trường Trung cấp Y dược Văn Hiến, Trung cấp Y dược Thăng Long, CĐ Y tế Ninh Bình. Bộ GD-ĐT yêu cầu ĐH Y Hải Phòng phối hợp sửa đổi, bổ sung hợp đồng LKĐT với ĐH Y dược thuộc ĐH Thái Nguyên theo đúng quy định tại Quyết định số 42/2008/QĐ-BGDĐT ngày 28/7/2008 của Bộ trưởng Bộ GD-ĐT về việc Ban hành Quy định về liên kết đào tạo trình độ trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học. Ngoài ra, Bộ GD-ĐT yêu cầu các trường tổ chức kiểm điểm trách nhiệm cụ thể của các tổ chức, cá nhân để xảy ra sai sót trong việc xét tuyển, tổ chức liên kết trái phép, xử lý theo quy định của pháp luật, có văn bản báo cáo Bộ Giáo dục và Đào tạo và cơ quan quản lý cấp trên của trường trước ngày 15/6/2012. Cùng với những quyết định trên, Bộ GD-ĐT đề nghị Bộ Y tế, Uỷ ban nhân dân tỉnh Thanh Hoá, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bắc Ninh, Uỷ ban nhân dân tỉnh Ninh Bình, Đại học Thái Nguyên phối hợp theo dõi việc thực hiện quyết định của Bộ, chỉ đạo khắc phục hậu quả, chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm tập thể, cá nhân liên quan của các Trường đã để xảy ra sai phạm trong liên kết đào tạo; xử lý tập thể, cá nhân vi phạm theo thẩm quyền.
Với những sai phạm trong LKĐT có yếu tố nước ngoài, Bộ GD-ĐT tiến hành xử phạt hành chính hay buộc một số cơ sở đào tạo như Công ty TNHH Đào tạo FTMC, Công ty Trách nhiệm hữu hạn Đào tạo Công nghệ thông tin và Quản trị kinh doanh Singapore (Sibme), Công ty Trách nhiệm hữu hạn Melior Việt Nam, ĐH Hoa Sen, Trường Đào tạo quản lý doanh nghiệp (CBAM), Viện ĐH Mở Hà Nội chấm dứt các hoạt động quảng cáo tuyển sinh và đào tạo trái phép trên lãnh thổ Việt Nam, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của người học, giải quyết hậu quả (nếu có).
Những năm gần đây, trong bối cảnh Bộ GD-ĐT đang tích cực triển khai thực hiện Thông báo kết luận số 242-TB/TW ngày 15/4/2009 của Bộ Chính trị về Tiếp tục thực hiện Nghị quyết Trung ương 2 (khóa VIII), phương hướng phát triển giáo dục và đào tạo đến năm 2020 nhằm nâng cao chất lượng GDĐH, trong đó yêu cầu “không duy trì các trường đào tạo có chất lượng kém” và Nghị quyết số 50/2010/NQ-QH12 ngày 19/6/2010 của Quốc hội về việc thực hiện chính sách pháp luật về thành lập trường, đầu tư và bảo đảm chất lượng đào tạo đối với giáo dục đại học, trong đó yêu cầu “Thực hiện hậu kiểm, tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm khắc, tùy theo mức độ vi phạm để đình chỉ hoạt động, hạ cấp hoặc giải thể đối với những trường vi phạm quy định của pháp luật...”, những động thái cứng rắn của Bộ GD-ĐT nhằm chấn chỉnh hoạt động GD-ĐT nói chung, LKĐT nói riêng cũng là điều dễ hiểu. Năm 2011, Bộ GD-ĐT đã tiến hành thanh kiểm tra 24 trường và chỉ trong mấy tháng đầu năm 2012, 38 trường ĐH, CĐ trên cả nước đã được thanh kiểm tra. Kết quả thanh kiểm tra đã được Bộ GD-ĐT công bố công khai, những vi phạm của các trường, các cơ sở đào tạo đã được xử lý nghiêm minh, được đông đảo dư luận đồng tình. Thứ trưởng Bộ GD-ĐT Nguyễn Thị Nghĩa khẳng định, thực hiện thanh kiểm tra là việc làm thường xuyên của Bộ GD-ĐT, rằng không phải thanh kiểm tra chỉ để xử phạt mà nhằm mục đích chấn chỉnh, uốn nắn và hướng dẫn giúp đỡ các trường.
Nguồn nhân lực chất lượng cao đang là nhân tố quyết định sự thành công trên con đường công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước chúng ta. Nguồn nhân lực ấy không thể được "ra lò" từ những chương trình đào tạo trái phép, đặt lợi nhuận lên trên chất lượng đào tạo của các trường ĐH, CĐ, những cơ sở đào tạo vừa bị Bộ GD-ĐT xử lý trong thời gian qua.
Anh Phương