(GD&TĐ) - Vụ khủng bố trên đường đua marathon ở Boston ngày 15/4 đang để lại cho nước Mỹ nhiều dấu hỏi: Động cơ khủng bố của anh em nhà Tsarnaev là gì? Họ có liên quan tới tổ chức khủng bố nào hay chỉ hành động đơn độc? Tại sao anh em nhà Tsarnaev lại tấn công nước Mỹ, nơi từng cưu mang họ và đang mở ra cho họ một chân trời tươi sáng?
Họ hành động tự phát
Các điều tra viên đang khẩn trương khai thác thông tin từ Dzhokhar Tsarnaev - nghi phạm thứ hai gây ra vụ khủng bố làm rung động nước Mỹ. Những lời khai của Dzhokhar sẽ lý giải phần nào những câu hỏi đang làm người Mỹ đau đầu. Ngày 24/4, báo The Washington Post có bài viết “Nghi can Boston thông báo rằng động cơ của hắn là do các cuộc chiến tranh của Mỹ gây ra”. Trích nguồn tin riêng từ các nhân viên điều tra, Washington Post viết: “Nghi can 19 tuổi kể với các điều tra viên rằng nguyên nhân phạm tội của anh em hắn chính là cuộc chiến của Mỹ ở Iraq và Afghanistan”. Trên giường bệnh, Dzhokhar Tsarnaev thú nhận rằng hắn đã tham gia cài đặt các thiết bị nổ trên đường cán đích của cuộc đua marathon ở Boston.
Các kết quả điều tra cũng cho thấy, Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev - người đã bị cảnh sát giết chết khi cố tình trốn thoát không có dấu hiệu nhận lệnh từ các tổ chức khủng bố nước ngoài. Đến thời điểm này, mọi bằng chứng thu thập được đều cho thấy họ dần trở thành những kẻ cực đoan vì đọc nhiều thông tin về tội ác do Mỹ gây ra với thế giới Hồi giáo.
Anh em nhà Tsarnaev |
Tổng thống Barack Obama kêu gọi cải thiện quan hệ của Mỹ với thế giới Hồi giáo. Đây là một trong những ưu tiên trong đường lối đối ngoại của Mỹ. Tuy nhiên, trên thực tế Mỹ liên tục tiến hành những chiến dịch tấn công vào người Hồi giáo ở Afghanistan, sử dụng máy bay không người lái do thám và tấn công ở Pakistan và các nước khác gây bức xúc trong cộng đồng Hồi giáo. Dzhokhar Tsarnaev khai với các điều tra viên chưa nhiều, nhưng đủ khẳng định một điều: Hắn và anh trai không nhận lệnh tổ chức đánh bom từ bất cứ tổ chức khủng bố nào mà hành động hoàn toàn tự phát. Tuy nhiên, dưới cái nhìn của các nhà phân tích, hành động khủng bố tự phát mới là điều đáng lo ngại. An ninh Mỹ dù có “trăm tay, ngàn mắt” cũng khó có thể nhận ra.
Sống chung với “lũ”
Số người theo đạo Hồi ở Mỹ không nhỏ. Điều quan trọng là họ sẽ sống ra sao trong lòng nước Mỹ. Tờ American Thiner đặt câu hỏi: Thế giới Hồi giáo có sẵn sàng sống chung?
Báo này dẫn từ hồi đấng tiên tri Mohammed còn chưa gia nhập đạo Hồi, ông là “hàng xóm tốt”. Tuy nhiên khi trở thành nhà tiên tri của thánh Allah ông là “người hàng xóm chuyên khiêu khích” ở Mecca.
Trở lại câu chuyện về anh em nhà Tsarnaev, họ xác định kẻ thù số 1 là nước Nga chứ không phải Mỹ. Nước Mỹ đã cưu mang anh em nhà Tsarnaev và mở cho họ một chân trời mới. Nếu không tổ chức đánh bom marathon Boston rất có thể Tamerlan Tsarnaev sẽ thành thành viên đội tuyển Olympic đấm bốc Mỹ. Còn Dzhokhar Tsarnaev đang là sinh viên tài năng, được nhận học bổng của chính quyền Cambridge.
Tuy nhiên, không phải người theo đạo Hồi nào cũng bị liệt vào nhóm khủng bố. Báo Star gazete của Thổ Nhĩ Kỳ phải thốt lên rằng chủ nghĩa khủng bố đang tấn công vào chính thế giới Hồi giáo.
Tại sao không? Phần còn lại của thế giới đang nhìn người Hồi giáo với ánh mắt không thiện cảm. Đây là một sai lầm lớn mà trách nhiệm không nhỏ thuộc về phương Tây.
Những ngày này báo chí phương Tây đang rùm beng chuyện khủng bố và khẳng định khủng bố là “thuộc tính” của đạo Hồi. Họ dẫn, vụ khủng bố kinh hoàng nhất trong lịch sử loài người 11/9/2001 cướp đi sinh mạng gần 3000 người do các phần tử cực đoan Hồi giáo gây ra. Vụ khủng bố ở London cách đây chưa lâu cũng do người Hồi giáo thực hiện. Ngay sau vụ khủng bố trên đường cán đích marathon Boston 2013, một vụ khủng bố khác ở Canada cũng liên quan đến người Hồi giáo...
Không thể phủ nhận rằng khủng bố là hành động của kẻ yếu. Dư luận không chấp nhận kiểu hành xử “đê hèn” như vậy. Tuy nhiên, “con giun xéo lắm cũng quằn”. Nếu các cường quốc ỷ vào sức mạnh của họ mà “hành hạ” kẻ yếu một cách không thương tiếc thì mọi phản ứng đều có lý của nó.
Luật đời là như vậy.
Duy Long