Tài năng ảo thuật Việt

GD&TĐ - Ảo thuật lâu nay thường bị coi là tiết mục phụ, như thêm chút gia vị cho các chương trình ca múa nhạc. Nhưng với những nghệ sĩ đã theo đuổi bộ môn nghệ thuật này thì ảo thuật như hơi thở cuộc sống, họ luôn trăn trở tìm hướng phát triển và mong muốn được cống hiến cho công chúng những màn biểu diễn lôi cuốn.  

Bằng xác lập kỷ lục do đại diện Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam trao cho ảo thuật gia Nguyễn Phương (bên phải ảnh)
Bằng xác lập kỷ lục do đại diện Hội đồng xác lập kỷ lục Việt Nam trao cho ảo thuật gia Nguyễn Phương (bên phải ảnh)

Loại hình chưa được coi trọng

Từng tham gia sân chơi “Kỳ tài lộ diện” dành cho những người làm nghề ảo thuật - xiếc, trong vai trò giám khảo, nghệ sĩ - Kỷ lục gia Hoàng Nghiêm bộc bạch nỗi trăn trở về nghề: “Những người theo nghề ảo thuật chịu nhiều thiệt thòi. Loại hình biểu diễn này chưa có trường đào tạo chính quy, cát-xê các tiết mục lại không cao, đôi khi không đủ tiền thuê vận chuyển những đạo cụ có kích cỡ lớn. Do đó, ảo thuật gia Việt Nam sống được với nghề nhưng để có thu nhập cao hoặc có thể làm giàu thì rất hiếm, may ra được khoảng 10%..”.

Cũng theo nghệ sĩ Hoàng Nghiêm: Nghề này chủ yếu tự phát do các cá nhân đam mê và tự tìm tòi, học hỏi từ nhiều nguồn sách báo, Internet, các chương trình của nước ngoài, nghề truyền nghề... Để có một tiết mục hoành tráng, hấp dẫn, ngoài việc khổ luyện người làm nghề còn phải đầu tư về đạo cụ. Khoản chi phí không nhỏ về đạo cụ gây trở ngại không nhỏ cho nhiều nhà ảo thuật trẻ...

Việt Hoàng - Quán quân cuộc thi “Ảo thuật siêu phàm”
Việt Hoàng - Quán quân cuộc thi “Ảo thuật siêu phàm”

Trở ngại còn nhiều

Theo nghệ sĩ Tống Toàn Thắng - Phó Giám đốc truyền thông marketing - Liên đoàn Xiếc Việt Nam thì nếu ảo thuật gia có ngoại hình, có gương mặt lôi cuốn và tạo được phong cách cuốn hút khán giả thôi thì người nghệ sĩ ảo thuật vẫn chưa thể bộc lộ được tài năng của mình.

Muốn khán giả đón nhận ảo thuật như một môn nghệ thuật thật sự thì còn cần phải đáp ứng nhiều điều kiện khác.

Từng đảm nhận vai trò đạo diễn sân khấu, dàn dựng và biên tập các tiết mục ảo thuật cho 18 thí sinh tham gia cuôc thi “Ảo thuật siêu phàm”, nghệ sĩ Tống Toàn Thắng cho biết: Các ảo thuật gia hiện nay đang thiếu kịch bản sân khấu, thiếu phong cách, thiếu bàn tay đạo diễn chuyên nghiệp giúp họ liên kết các trò lẻ lại thành một tác phẩm nghệ thuật. Màn biểu diễn không có chủ đề, rời rạc, thiếu logic sẽ giống như bài thơ thiếu tứ thơ, thiếu tầng bậc cảm xúc thì khó đáp ứng được nhu cầu giải trí và thưởng thức nghệ thuật của công chúng.

Chịu chơi và chịu chi

Ở nước ngoài, số lượng ảo thuật gia tuy ít nhưng họ làm nghề nghiêm túc và có sự đầu tư tập trung trong xây dựng kịch bản cho tiết mục. Họ dám đầu tư một tiết mục mấy nghìn USD. Còn ở Việt Nam, số lượng người làm ảo thuật không ít nhưng không phải ai cũng có điều kiện đầu tư chi phí tốn kém dựng những tiết mục lớn, công phu và phải nuôi cả ê kíp thực hiện cùng mình.

Nguyễn Phương là ảo thuật gia hiếm hoi của Việt Nam tổ chức được liveshow tại Úc năm 2015 và 2016, anh đã được trao cup Merlin Award thế giới và được nhận bằng Doctor of magic. Với 18 năm hoạt động trong nghề, ảo thuật gia Nguyễn Phương được giới trong nghề đánh giá là có phong cách riêng, làm chủ được nhiều thể loại ảo thuật và sáng tạo được những màn trình diễn mãn nhãn.

Liên tục tìm tòi, học hỏi, trau dồi kinh nghiệm, anh đã đem công nghệ điện tử vào nghệ thuật ảo thuật. Màn biểu diễn 4D của ảo thuật gia Nguyễn Phương đã giúp anh được xác lập kỷ lục Việt Nam là ảo thuật gia đầu tiên biểu diễn tương tác với màn hình Led 3D và 4D. Tương tác với màn hình không chỉ đòi hỏi kỹ năng ảo thuật mà còn cả nghệ thuật trình diễn từ vũ đạo đến biểu cảm. Hình thức biểu diễn màn hình Led 4D đánh thức được các giác quan của người xem.

Có thể nói, việc tổ chức các cuộc thi có quy mô để những nhà ảo thuật được có môi trường thi đấu với nhau, qua đó học hỏi, cọ xát, nâng cao tay nghề, tìm ra hướng đi mới, tiếp cận gần hơn với khán giả chính là con đường duy nhất để phát triển ảo thuật Việt Nam - Nghệ sị Tống Toàn Thắng nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ